LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục gửi tới độc giả bài viết của TS.Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển chính sách - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam về vấn đề giám sát và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cho hoạt động giáo dục đào tạo – dạy nghề.
Tại hội nghị tham vấn chuyên gia về kết quả giám sát chất lượng, hiệu quả và đào tạo giai đoạn 2004 – 2014 tổ chức ở Hà Nội ngày 27/8 vừa qua, GS.TSKH.Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Đại biểu quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội (trưởng đoàn giám sát về ODA của UB đối ngoại Quốc hội năm 1999 và năm 2003) nhấn mạnh: “12 năm sau kiến nghị của đoàn giám sát ODA năm 2003, các tiêu chí đánh giá hiệu quả của một dự án chương trình ODA hình như vẫn chưa được ban hành cho các dự án chương trình nói chung, hoặc từng lĩnh vực”.
Mong đợi của GS.Nguyễn Ngọc Trân là xác đáng, bởi vì muốn đánh giá được hiệu quả và chất lượng sử dụng ODA trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề cần phải có các tiêu chí đánh giá, bao hàm các mục tiêu và kết quả sử dụng vốn ODA nói chung, của từng dự án nói riêng cả về định tính và định lượng.
Cần có đánh giá về việc sử dụng vốn vay ODA khi đầu tư vào các trường đại học xuất sắc. ảnh: Báo lao động. |
Trong khi chưa có một bộ tiêu chí chuẩn mực, chúng ta tạm đi sâu vào những nhóm việc mà luôn được toàn xã hội lưu ý khi đầu tư cho giáo dục:
Thứ nhất, vấn đề thể chế và năng lực xây dựng chính sách. Như báo cáo của Bộ KH & ĐT, “Chương trình phát triển chính sách giáo dục đại học” chi tới 150 triệu USD. Nếu bóc tách cộng dồn những chi phí tương tự ở các dự án khác nữa như các khoản vốn vay xây dựng các trường đại học xuất sắc thì con số còn cao hơn nhiều. Không ngại khoản chi phí lớn, cái quan trọng là ta làm được những việc gì cho có hiệu quả và tác động tốt đến hệ thống.
Thứ hai, vấn đề học bổng phát triển nguồn nhân lực. Số liệu Bộ KH&ĐT cho hay, chỉ riêng 3 dự án “Học bổng phát triển nguồn nhân lực” đã đầu tư 14,03 triệu USD, nếu cộng cả Dự án “hỗ trợ giáo dục sau đại học ngành CNTT và truyền thông” với chi phí 48,9 triệu USD thì con số đầu tư của 4 dự án này đã lên tới 62,93 triệu USD.
Tính ra tiền Việt thì khoản tiền này đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng – một con số rất lớn với nền kinh tế của nước ta và lại càng lớn nếu so sánh với mức sống bình quân của người dân. Vì vậy, cần phải công khai tất cả các dự án này một cách chi tiết để mọi người biết hiệu quả đạt được có tương xứng với số tiền khổng lồ ấy hay không?
Cách so sánh đơn giản nhất có thể làm được ngay đó là đối chiếu với kết quả của chương trình 322 đã được tổng kết vào 2011 (cũng trong 10 năm mà “đã gửi đi đào tạo ở nước ngoài 7.129 người, trong đó tiến sĩ là 3.838 người, thạc sĩ là 2.042 người, với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng”).
2 tỷ USD vốn vay ODA đem lại lợi ích gì cho giáo dục Việt Nam? |
Thứ ba, vấn đề cung cấp thiết bị giáo dục. Các trường trong hệ thống GD quốc dân đang rất nghèo nàn về thiết bị dạy học. Trong báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ bóc tách 4 dự án “cung cấp thiết bị dậy nghề” cho 4 trường với tổng giá trị là 11, 9 triệu USD.
Sẽ là thuyết phục nếu như hạng mục này được bóc tách đầy đủ từ các dự án, đồng thời có đánh giá hiệu quả sử dụng, tổ chức nhân rộng sau khi dự án kết thúc. Tiếc thay, điều này không hoặc chưa được làm. Đó đây trên trang mạng vẫn thấy hình ảnh thiết bị trường nghề bị mạng nhện che phủ.
Thứ tư, vấn đề xây dựng cơ bản. Bộ Tài chính cho biết, vốn cam kết cho xây dựng cơ bản là 648,28 triệu USD, giải ngân 282,91 triệu USD, vốn đầu tư hành chính sự nghiệp 763,28 triệu USD giải ngân 481,66 triệu USD.
Tuy nhiên, hiệu quả thực tế đối với từng dự án sẽ rõ ràng hơn nếu Bộ Tài chính cho biết số liệu về nhóm đối tượng thụ hưởng dự án, số mét vuông sàn được xây dựng, tính chất của công trình.
Đặc biệt, cần làm rõ lợi thế so sánh giữa việc sử dụng vốn vay ngoài nước và vốn đầu tư trong nước mua gạch, ngói và những vật liệu đại trà trong nước để xây dựng các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
Thứ năm, vấn đề chương trình, sách giáo khoa (SGK). Trong báo cáo của các bộ không xuất hiện thành phần đầu tư xây dựng chương trình, sách giáo khoa. Nhưng chúng tôi được biết các bộ đều sử dụng vốn ODA vào viết chương trình, SGK (ví dụ viết SGK cho THCS).
Nếu chỉ ra được đã chi bao nhiêu tiền cho loại việc này, kết quả viết được bao nhiêu chương trình, bao nhiêu trang sách giáo khoa khổ A4, in được bao nhiêu sách, sử dụng thế nào thì sẽ rõ chất lượng, hiệu quả? Quan trọng hơn, đó là bài học cho viết sách giáo khoa mới.
Thứ sáu, vấn đề chuyển giao kết quả dự án và vận dụng kinh nghiệm quôc tế vào Việt Nam. Rất đáng tiếc, có những hoạt động đã là thông lệ của quốc tế, Việt Nam không thể không chấp nhận trong bối cảnh hội nhập, ví dụ như việc thành lập tổ chức kiểm định độc lập thì “đóng băng lại” cho dù lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu làm gấp;
Trong khi đó có việc chỉ là kinh nghiệm của một quốc gia có điều kiện địa lý, văn hóa - xã hội rất khác Việt Nam, đang được Quốc hội giám sát như “Mô hình trường học mới tại Việt Nam” - một mô hình trường tiểu học chủ yếu cho vùng sâu vùng xa của Cô-lôm-bi-a thì đã được cho áp dụng đại trà.
Thứ bảy, vấn đề trường đại học xuất sắc. Theo báo cáo của ông Phan Quang Dũng - Giám đốc Ban quản lý dự án Xây dựng trường Đại học Việt Đức thì đây là trường đại học kỹ thuật – công nghệ theo mô hình mới, là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế; phấn đấu đến nnăm 2020-2025 Trường được xếp trong nhóm 200 trường đại học hang đầu thế giới.
Dự án có 4 thành phần: Xây dựng khung chính sách quản trị nhà trường (7,93 triệu U SD); Phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học (46,34 triệu U SD); Xây mới khuôn viên và cơ sở hạ tầng (139,54 triệu U SD); Quản lý và thực hiện dự án (6,79 triệu U SD). Thời gian thực hiện dự án 2010-2017.
Đến nay, trường gần 6 tuổi, quy mô sinh viên là 921, bộ máy quản lý 18 ngừời; giảng viên cơ hữu: 11 giảng viên và 14 trợ giảng; Công tác đào tạo, nghiên cứu chủ yếu bởi đội ngũ giảng viên/giáo sư làm việc theo chế dộ thỉnh giảng từ phía Đức và Việt Nam.
Một thực tế là đến nay, trường vẫn đang phải thuê hơn 10 ngàn m2 sàn của một trường đại học ngoài công lập. Ban quản lý dự án đánh giá “dự án đi đúng hướng”, tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án bị chậm khoảng 2 năm so với kế hoạch ban đầu”.
Ban quản lý dự án cho hay: “Cuối năm 2013, dự án bị xếp vào danh sách 10 dự án chậm tiến độ và có tỉ lệ giải ngân thấp ở Việt Nam và danh sách 2 dự án chậm tiến độ và có tỉ lệ giải ngân thấp tên phạm vi toàn cầu”.
Năm 2009, Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội được thành lập. Mục tiêu của trường này là trở thành một trường đại học xuất sắc và trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế với mô hình tổ chức, quản lý và hoạt động mới về phương thức quản lý hiện đại, tự chủ cao, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả.
Phấn đấu đến giai đoạn 2025 - 2035, trường được xếp hạng trong danh sách các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Dự án xây dựng trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, vốn vay của ADB trị giá 190 triệu USD, thực hiện 2012-2018.
Kỳ vọng lớn như vậy, nhưng theo Bộ Tài chính thì giai đoạn 2004-2014 mới giải ngân 1, 41 triệu USD; giải phóng mặt bằng đang bị vướng mắc.
Từ thực tế trên, những ai quan tâm đến sự nghiẹp giáo dục đều không khỏi phân vân về mục tiêu đề ra cho dự án này. Cho nên, gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo “đối với giáo dục đại học cần đánh giá việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thành lập các trường đại học xuất sắc (như các trường: Đại học Việt Đức và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội)” là thể hiện trách nhiệm lớn đối với toàn xã hội.
Kết thúc bài này, xin trích nguyên lời GS.TSKH.Nguyễn Ngọc Trân: “ODA là vốn vay, cho dù 15-16% không hoàn lại, và cho dù thời gian ân hạn dài, lãi xuất thấp. Nếu sử dụng không hiệu quả thì vốn sẽ chồng lên vốn, lãi sẽ chồng lên lãi, thế hệ này không trả thì con cháu sẽ phải trả”.