Tại hai cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tổ chức (tháng 1, 2 năm 2019) vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những người có liên quan trong vụ việc đưa xe biển xanh của Bộ Công thương đón người nhà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại chân thang máy may tiếp tục được đặt ra.
Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra sự việc này tới nay đã hơn 2 tháng trôi qua, Bộ Công thương vẫn chưa thể công bố được kết quả xử lý.
Trong buổi họp báo vào ngày 1/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã giao cho Văn phòng Bộ Công thương làm kiểm điểm các cá nhân liên quan.
Hiện nay đang trong quá trình xử lý theo đúng các quy định. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí”.
Cần một cuộc thanh tra để bảo vệ uy tín của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. ảnh: VGP. |
Sự lừng chừng trong xử lý trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ việc này khiến dư luận tiếp tục hoài nghi tính nghiêm minh, tinh thần thượng tôn pháp luật của một số cán bộ lãnh đạo của Bộ này, trong đó có người đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Dư luận cũng có lý khi đặt ra câu hỏi: Phải chăng vì xử lý trách nhiệm cán bộ, nhân viên đưa đón người nhà Bộ trưởng nên mới lâu và khó khăn như vậy?
Bản thân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có thư xin lỗi (đăng trên cổng thông tin Bộ Công thương), thế nhưng dư luận thì vẫn chưa quên nhanh như vậy, thậm chí còn có thông tin cho rằng người nhà của Bộ trưởng đã nhiều lần được sử dụng xe biển xanh.
Thông tin như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới Bộ trưởng, vì xin lưu ý rằng ông Trần Tuấn Anh ngoài vai trò là lãnh đạo Bộ thì còn là một Ủy viên Trung ương.
Bộ Công thương lại hứa xử lý vụ xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng |
Trước những diễn biến ấy, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng – nguyên là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Cần phải thực hiện một cuộc thanh tra toàn diện để làm rõ mọi nghi vấn và cũng là để bảo vệ uy tín của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bộ Chính trị đã ra chỉ thị 05 đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ cấp cao như Bộ trưởng thì rõ ràng là phải làm gương, không được phép để cho người thân lợi dụng vào vị trí lãnh đạo của mình.
Nếu người cán bộ mà không giữ được điều ấy thì bản thân uy tín của anh ta không giữ được mà còn gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của tổ chức, của Đảng.
Vì vậy theo tôi, để nhanh chóng kết thúc vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc và nếu cần thiết thì phải có thêm một cơ quan khác cùng vào cuộc giám sát việc xử lý để công khai minh bạch, tránh dư luận xã hội cho rằng cùng là cán bộ bênh che nhau. Minh bạch cũng là để giữ uy tín của Bộ trưởng, uy tín của Đảng”.
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương. ảnh: Khúc Vỹ. |
Theo ông Hoàng Nguyên Hồng, để làm rõ vấn đề này không hề khó khăn, bởi vì tất cả mọi thứ đã diễn ra thì còn nguyên đó chứ không ai có thể xóa bỏ: Chỉ cần đối chiếu lịch làm việc, lịch đi công tác của Bộ trưởng với công lệnh điều xe của Bộ Công thương, so sánh với những lần xe ra vào sân bay đưa đón (hoặc không vào sân bay nhưng đi những nơi khác) là sẽ rõ.
Nhiều năm công tác tại Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng cho biết ông đã chứng kiến có những lãnh đạo trong cơ quan nhà nước không ý thức được vị trí quản lý họ đang nắm giữ là để phục vụ nhân dân, đất nước, nên tưởng lãnh đạo là đứng trên nhân dân, lạm dụng quyền lực để sai khiến và bắt cấp dưới phục vụ mình.
Ông Nguyễn Bá Thuyền: Cỡ Bộ trưởng đã là cái gì đâu mà phô trương đến vậy? |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng cán bộ là công bộc của dân, đây là điều mọi cán bộ phải ghi nhớ.
Mặt khác, nhiều người ở cấp dưới cũng không ý thức được tư cách của người làm thuê cho nhân dân chứ không phải người làm thuê cho lãnh đạo. Vì thế sinh ra tính xu nịnh để lấy lòng lãnh đạo.
"Đây là một thói xấu của những người ăn lương tiền thuế của dân, phục vụ cho cá nhân lãnh đạo mưu cầu lợi ích riêng cho mình và hạ thấp nhân phẩm công chức được học và có bằng cấp đủ loại, có khi còn nhiều tuổi hơn lãnh đạo. Điều đáng xấu hổ và hèn kém của những người nhiều chữ, nhưng thiếu nhân cách", ông Hồng nói thẳng.
Theo Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, về quy định về trách nhiệm và quyền hạn có đủ cả, nhưng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra không nghiêm nên vẫn xảy ra tình trạng lợi dụng địa vị, quyền hành để bắt ép cấp dưới phục vụ gia đình, người thân, mà chuyện điều xe công vụ đi làm việc riêng là thí dụ điển hình nhất.
"Cái gốc là người lãnh đạo phải thấy trách nhiệm nêu gương, để cấp dưới noi theo. Thượng bất chính thì cấp dưới làm loạn và chèn ép nhau.
Từ vụ việc trên lộ ra một điều về sự chồng chéo, bất cập, không rõ (hoặc cô tình lơ đi) về chức năng và trách nhiệm giữa tổ chức đảng và tổ chức chuyên môn cơ quan bộ. Cụ thể là “Ban cán sự Đảng Bộ Công thương (tổ chức đảng) lại giao cho Văn phòng Bộ Công thương” (tổ chức hành chính) “làm kiểm điểm cá nhân liên quan”.
Thật là luẩn quần, đánh bùn sang ao và không hiểu chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đảng (Ban cán sự) là gì và Văn Phòng Bộ là gì.
Đây là “lỗ hổng” để trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau, cố tình không đi vào thực chất và bản chất vấn đề tố cáo và báo chí nêu về “sự lạm dụng xe ô tô biển xanh vào mục đích cá nhân và phục vụ gia đình Trần Tuấn Anh”. Vấn đề này Bộ trưởng, Thứ trưởng phải ra tay và vào cuộc, không phải của Ban cán sự.
Nếu có thì Ban cán sự là cơ quan giám sát và kiểm tra về tính trung thực của những đảng viên có trách nhiệm báo cáo vụ việc sử dụng xe ô tô biển xanh không đúng quy định.
Theo tôi, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có đủ cơ sở để kiểm tra dấu hiệu vi phạm quy định của đảng và pháp luật nhà nước đối với ông Trần Tuấn Anh.
Đó sự lãnh đạo của đảng và quản lý của nhà nước phải như vậy mới quy được trách nhiệm và sai phạm cụ thể của người đứng đầu cơ quan và đơn vị bộ ngành.