Cần thêm chính sách khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục ngoài công lập

03/09/2024 06:38
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Đại diện các Sở GD đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nghị định, mong hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho GD ngoài công lập.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó có việc "phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện ở Việt Nam, quan tâm đầu tư cho giáo dục chất lượng cao".

Các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Tuyên Quang, Lai Châu cũng đang tích cực phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập với những kết quả đạt được đáng chú ý.

Tuy nhiên, do đặc điểm vị trí địa lý xa xôi, mức sống của người dân chưa cao nên các địa phương này vẫn gặp những khó khăn nhất định, cần thêm sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp lãnh đạo, để cải thiện tình hình.

Học sinh trường Mầm non tư thục Pony Academy (Tuyên Quang). Ảnh minh họa: Website Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang.

Học sinh trường Mầm non tư thục Pony Academy (Tuyên Quang). Ảnh minh họa: Website Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang.

Phát triển giáo dục ngoài công lập đóng góp lớn cả về mặt giáo dục và lợi ích kinh tế, xã hội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: "Phát triển loại hình giáo dục ngoài công lập đang là xu thế tất yếu và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhất là khi nhiều địa phương đang đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII (mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021)”.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Tính đến cuối năm học 2023-2024, toàn tỉnh Điện Biên có 8 cơ sở giáo dục (mầm non) ngoài công lập, tập trung chủ yếu tại khu vực thành phố Điện Biên Phủ (trong đó, có 2 trường mầm non tư thục và 6 nhóm, lớp độc lập tư thục) với tổng số trẻ là 315 trẻ. Có 5 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, trong đó 4 trung tâm đang hoạt động, mở được 84 lớp tiếng Anh cho 1.534 học sinh, học viên.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên khẳng định, việc phát triển giáo dục ngoài công lập đã có đóng góp lớn cả về mặt giáo dục và lợi ích kinh tế, xã hội; làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng cho người học và làm giảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục. Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng thúc đẩy giáo dục phát triển.

Chia sẻ về tình hình phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập ở địa phương, ông Trần Thiện Toản, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cho hay, các trường tư thục đều có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hệ thống trường tư thục trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm tải đối với các trường công lập, nhất là trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, các khu vực thị trấn, khu vực đông dân cư.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tính đến thời điểm hiện tại, có 5 trường tư thục (1 trường tiểu học và 4 trường mầm non); 58 nhóm trẻ mầm non độc lập với tổng số 3.096 học sinh.

Ông Trần Thiện Toản nói thêm, những kết quả về giáo dục đạt được của các trường tư thục đã góp phần vào kết quả chung của ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang trong những năm vừa qua; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng thông tin về tình hình phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh: "Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1493/KH-UBND ngày 23/7/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Tính đến cuối năm học 2023-2024, toàn tỉnh Lai Châu có 1 trường mầm non tư thục và 9 nhóm trẻ tư thục với 304 trẻ.

Đối với trường mầm non tư thục, Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao chiến lược của nhà trường trong việc từng bước tiếp cận xu thế hội nhập quốc tế, 100% trẻ em mẫu giáo (57/57 trẻ) được làm quen tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.

Việc duy trì và phát triển loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập trong những năm học vừa qua là sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các huyện, thành phố".

Nhiều thách thức đối với các tỉnh miền núi xa xôi, mức sống của người dân còn thấp

Điện Biên, Tuyên Quang, Lai Châu là các tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều vùng khó khăn, tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng gặp không ít thách thức.

Ông Nguyễn Văn Đoạt cho hay, mặc dù hệ thống giáo dục ngoài công lập của tỉnh Điện Biên đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.

"Nguyên nhân do Điện Biên là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chưa phát triển, diện tích rộng, mật độ dân số thấp, đông đồng bào dân tộc thiểu số, người dân còn nghèo, nên địa phương chưa thu hút được các nhà đầu tư đến xây dựng trường ngoài công lập.

Bởi vậy, hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Điện Biên phát triển tương đối chậm so với các tỉnh trong cùng khu vực miền núi phía Bắc" - vị Giám đốc Sở chỉ ra.

Số lượng các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh còn ít, cũng là nỗi băn khoăn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang.

Ông Trần Thiện Toản cho biết: "Số trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ 1,09 % tổng số trường học toàn tỉnh; chưa có nhiều nhà đầu tư đến thực hiện các dự án thành lập trường tư thục.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi với nhiều khó khăn về kinh tế; thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Chính vì vậy, việc tăng số lượng trường tư thục, mở rộng quy mô các trường hiện có cũng gặp khó khăn. Do mức chi phí con em học tại các trường tư thục cao hơn so với thu nhập của đa số người dân.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đầu tư các trường tư thục chưa có sức thu hút mạnh mẽ để các nhà đầu tư tham gia đầu tư thành lập các trường ngoài công lập".

Vấn đề liên quan đến thu nhập bình quân của người dân còn thấp cũng là nguyên nhân khiến việc phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập tại tỉnh Lai Châu gặp khó khăn.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu. Ảnh: NVCC.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu. Ảnh: NVCC.

Ông Đinh Trung Tuấn chia sẻ: "Với hệ thống các cơ sở giáo dục công lập hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục luôn khuyến khích cá nhân, tổ chức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nói chung và mở thêm các cơ sở giáo dục mới góp phần giảm áp lực cho trường công lập.

Tuy nhiên, Lai Châu là một tỉnh miền núi với tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, điều kiện kinh tế của phần nhiều người dân ở mức thu nhập thấp, nhu cầu học tập tại các trường ngoài công lập còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở nhóm nhà trẻ từ 6 tháng đến dưới 24 tháng tuổi (ở khu vực thành phố).

Điều này gây cản trở cho các tổ chức, cá nhân khi muốn đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Ngoài ra, các nhóm trẻ thành lập còn nhỏ lẻ, có nhóm trẻ chỉ có 1 lớp với số lượng dưới 10 trẻ; một số nhóm trẻ thành lập có ít trẻ tham gia học, dẫn đến phải tạm dừng hoạt động.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bên tìm giải pháp khắc phục

Để giải quyết những thách thức này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo 3 địa phương cũng cho biết, Sở đã nỗ lực tham mưu cùng Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra kế hoạch, chiến lược nhằm phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục ngoài công lập, nâng cao chất lượng của các trường để phù hợp với xu hướng của Việt Nam và thế giới.

Ở Điện Biên, nhằm cụ thể hoá các giải pháp phát triển giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 22/4/2019 phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục mầm non đến năm 2025, theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 5 trường mầm non tư thục và 12 nhóm trẻ độc lập.

Sở cũng tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh văn bản số 5340/UBND-KGVX ngày 20/11/2023 chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục theo quy định.

Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thành lập trường, nhóm, lớp.

Đối với các trung tâm ngoài công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên luôn tạo điều kiện, khuyến khích chủ động, tích cực hợp tác với các tổ chức giảng dạy và khảo thí ngoại ngữ uy tín trên thế giới trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ, đảm bảo chất lượng theo chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Đoạt thông tin thêm, được sự nhất trí của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục FPT khảo sát, chuẩn bị địa điểm thành lập Trường Phổ thông Liên cấp FPT.

Với thực tế ở tỉnh Tuyên Quang, ông Trần Thiện Toản cho biết: "Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, chỉ đạo các trường học (trong đó có trường tư thục) thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học như: Tổ chức tập huấn về công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó tập trung vào việc tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng giải dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo tổ chức các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi; các câu lạc bộ ngoại ngữ, tin học; khuyến khích các trường tăng cường tham gia dự thi các cuộc thi khu vực, quốc tế do các tổ chức có uy tín thực hiện.

Nhiều học sinh của trường tư thục cũng đã đạt những kết quả tốt tại các kỳ thi nêu trên. Ví dụ như học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Tuyên Quang) có tỷ lệ học sinh lớp 5 dự thi và tỷ lệ trúng tuyển vào Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn hằng năm đều nằm trong "tốp" của thành phố.

Năm học 2023-2024, học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã đạt 790 giải thưởng, huy chương các loại tại các cuộc thi lớn nhỏ cấp tỉnh, quốc gia… 238 học sinh của nhà trường được vinh danh thành tích xuất sắc đạt giải trong các cuộc thi và giao lưu học sinh giỏi cấp thành phố; cấp tỉnh; cấp quốc gia và cấp quốc tế.

z5362999511097_affb9f18e3f71f7bc14f4c61c16c0187.jpg
Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám (Tuyên Quang). Ảnh minh họa: Website nhà trường.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, để tiếp tục duy trì và phát triển loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập trong những năm tiếp theo, ông Đinh Trung Tuấn cho hay: "Sở tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt việc triển khai các văn bản hướng dẫn.

Đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp tục duy trì các hoạt động và phát triển quy mô theo định hướng kế hoạch phát triển của nhà trường, của mỗi cơ sở độc lập.

Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư, phát triển loại hình này, cần quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, tư vấn, định hướng để rà soát các điều kiện theo quy định".

Đề xuất của lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo

Nhằm hoàn thành mục tiêu trọng tâm về vấn đề phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đưa ra một số kiến nghị liên quan đến việc bổ sung cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; đảm bảo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đầu tư về giáo dục và phù hợp với bối cảnh phát triển giáo dục ngoài công lập trên cả nước nói chung và với các tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Điện Biên nói riêng.

Thứ hai, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, quy định cụ thể chính sách ưu đãi đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: Giao đất hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật… để tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đẩy mạnh cơ chế giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích cơ sở giáo dục công lập tự chủ, tự chủ một phần về tài chính…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đoạt cũng chia sẻ thêm: "Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục ngoài công lập; chính sách ưu đãi đối với cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục và hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục…"

Đối với tỉnh Tuyên Quang, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển trường phổ thông ngoài công lập phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và các quy định của pháp luật có liên quan.

"Tuy nhiên, theo Điều 103 của Luật Giáo dục năm 2019, chính sách “khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục” thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, nhưng đến nay Chính phủ chưa ban hành nghị định quy định chi tiết nội dung này.

Do vậy, địa phương mong muốn Chính phủ sớm ban hành nghị định để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện" - ông Trần Thiện Toản bày tỏ.

Tương tự, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng đưa ra những kiến nghị về việc ban hành chính sách, các vấn đề thủ tục hành chính: "Đầu tiên, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Tiếp theo, xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập), bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.

Cuối cùng, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo".

Hồng Linh