Mục tiêu số trường ĐH ngoài công lập đạt 30% vào 2025 là thách thức không nhỏ

18/02/2024 06:35
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Hệ thống ĐH ngoài công lập được kỳ vọng sẽ là thành tố quan trọng đóng góp vào tầm nhìn Việt Nam 2024 thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực CLC, hội nhập quốc tế…

Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, loại hình trường đại học ngoài công lập cũng từng bước được hình thành và phát triển. Mở đầu là sự ra đời của trường đại học dân lập đầu tiên - Trung tâm đại học dân lập Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long tại Hà Nội) vào năm 1988 - 2 năm sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) diễn ra.

Trải qua hơn 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bức tranh giáo dục đại học ngoài công lập sau hơn 35 năm phát triển

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định, xét trên bình diện giáo dục đại học thế giới, sự phát triển của giáo dục đại học ngoài công lập là một xu thế tất yếu.

Theo cô Cầm, hiện nay quy mô giáo dục đại học ngoài công lập toàn cầu có số lượng sinh viên chiếm khoảng 1/3 tổng số sinh viên theo học, trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của giáo dục đại học toàn cầu.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Hệ thống giáo dục ngoài công lập trên thế giới đã có sự phát triển lâu đời. Nhiều cơ sở giáo dục đại học có vị trí xếp hạng hàng đầu trong các bảng xếp hạng giáo dục đại học có uy tín trên thế giới như: Massachusetts Institute of Technology (MIT), Stanford University, Harvard University, Yale University, Princeton University, Columbia University, University of Chicago, Washington University in St. Louis... đều là các trường đại học ngoài công lập.

Tại Việt Nam, giáo dục đại học ngoài công lập sau năm 1975 được hình thành và phát triển kể từ những năm 1990 với sự ra đời của các trường đại học dân lập. Đến năm 2005, mô hình đại học tư thục chính thức được pháp lý hoá.

“Mặc dù còn khá non trẻ về lịch sử phát triển so với thế giới, giáo dục đại học ngoài công lập Việt Nam đang từng bước đóng vai trò quan trọng của mình đối với nền giáo dục nước nhà, góp phần gia tăng khả năng và cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người”, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá.

Trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế, ngày 4/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, trong đó đề ra mục tiêu phát triển cho giáo dục đại học “phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%”.

Còn chưa đầy 2 năm là kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết 35 (2019-2025), nhưng việc hoàn thành những mục tiêu đặt ra đang là “một thách thức không hề nhỏ” – Tiến sĩ Trần Ái Cầm nhận định.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thống kê này không bao gồm các trường đại học, học viện thuộc khối an ninh, quốc phòng), tính đến đầu năm 2022, Việt Nam có 242 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 175 cơ sở giáo dục đại học công lập (chiếm 72,32%) và 67 cơ sở giáo dục ngoài công lập (chiếm 27,68%).

Tiến sĩ Trần Ái Cầm nhận xét: “Nhìn vào tiến trình phát triển giai đoạn từ 2016 đến nay, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập không có nhiều thay đổi khi mà năm 2016 đã có 65 cơ sở (chiếm 27,66%) nhưng 06 năm sau chỉ tăng thêm 02 cơ sở”.

Theo cô Cầm, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa thực sự đồng đều, nên việc thành lập một cơ sở giáo dục ngoài công lập phải được chuẩn bị chu đáo và tuân thủ một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy định từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, việc bảo đảm chất lượng trong các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ sư phạm, tổ chức quản lý điều hành cũng như có lộ trình tuyển sinh, thu hút người học, tổ chức đào tạo… đang là những thách thức, không thể hình thành ngày một, ngày hai.

Về quy mô đào tạo, đến năm 2021, số sinh viên đại học theo học khối ngoài công lập đã đạt 19,42%, tăng 2,08% so với năm 2018 (17,34%).

“Chỉ tiêu phấn đấu về số lượng sinh viên theo học tại hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập năm 2020 đã đạt mục tiêu của Nghị quyết 35, nhưng nếu nhìn vào tiến trình đã qua thì con số mục tiêu đặt ra là 22,5% đến năm 2025 vẫn còn có khoảng cách rất lớn”, Tiến sĩ Trần Ái Cầm nhận định.

Cũng cho rằng việc hoàn thành mục tiêu đặt ra đối với phát triển giáo dục đại học ngoài công lập tại Nghị quyết 35 của Chính phủ là một thách thức lớn, Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong - người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học chia sẻ:

“Bản thân những con số này thể hiện sự mong đợi của Nhà nước về huy động nguồn lực xã hội hóa cho phát triển giáo dục đại học, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi tầng lớp nhân dân. Song, việc phát triển không ở những con số này mà do nguồn lực của các trường và yêu cầu phát triển tự thân của mỗi cơ sở”.

Với thực tế phát triển hiện nay, thầy Phong nhận định các chỉ tiêu đặt ra là một bài toán không dễ. Một trong những rào cản khá lớn là vấn đề học phí. Dẫu vậy, thầy Phong đánh giá trên thực tế vẫn có nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập đang làm rất tốt khi đã thu hút được số lượng sinh viên rất đông theo học.

Nhấn mạnh các mục tiêu đặt ra để phát triển là cần thiết, tuy nhiên Phó giáo sư Hồ Thanh Phong cũng cho rằng sự phát triển cần phù hợp với năng lực và mục tiêu của các nhà trường.

Tăng cường chính sách đầu tư giáo dục, đặc biệt các ưu đãi về thuế và đất đai

Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong. Ảnh: NVCC

Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong. Ảnh: NVCC

Để có thể đạt được các mục tiêu đề ra đối với giáo dục ngoài công lập tại Nghị quyết 35, Phó giáo sư Hồ Thanh Phong cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách là giải pháp quan trọng, đặc biệt là những hỗ trợ về chính sách thuế - “một trong những đòn bẩy rất lớn để giải quyết vấn đề phát triển giáo dục ngoài công lập”.

Bởi theo thầy Phong, một trong những nút thắt lớn nhất hiện nay của giáo dục ngoài công lập là không có sự hỗ trợ về ngân sách Nhà nước như các cơ sở giáo dục công lập. Do vậy, các trường đại học ngoài công lập đang gặp phải không ít khó khăn trong việc phát triển khuôn viên, đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Để tiếp lửa thêm cho sự phát triển giáo dục ngoài công lập thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục tinh hoa cho mọi tầng lớp nhân dân, để chia sẻ cùng với hệ thống giáo dục công lập, Phó giáo sư Hồ Thanh Phong đề xuất Nhà nước sẽ có những điều chỉnh và mở rộng chính sách hỗ trợ phát triển, đặc biệt các ưu đãi về đất đai và thuế, trong đó có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Phó giáo sư Hồ Thanh Phong đánh giá, bản thân các trường cũng đã có những bước chuyển mình và phát triển lớn mạnh qua 35 năm phát triển. Để tiếp tục bứt phá trong thời gian tới, thầy Phong đề xuất 2 nội dung lớn các trường ngoài công lập cần tập trung cải thiện là khâu tuyển sinh cùng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTTU

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTTU

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Ái Cầm cũng cho rằng để có thể đạt được các mục tiêu đề ra cả về số lượng cơ sở giáo dục và quy mô đào tạo, trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần đồng hành với hệ thống trong việc tiếp tục triển khai một cách đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo cô Cầm, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho hệ thống giáo dục đại học nói chung và ngoài công lập nói riêng qua các chính sách về ưu đãi thuế, thuê đất,... Những chính sách này đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc tiếp cận quỹ đất, nguồn vốn vay ưu đãi và có thời hạn lâu dài.

“Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, luôn tích cực đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển thành phố thông qua cơ chế Hội đồng Hiệu trưởng.

Đồng thời, nhà trường cũng đang nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các chính sách của thành phố thông qua các dự án, đề án lớn của thành phố để phát triển lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung, không phân biệt công lập, ngoài công lập)”, lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ.

Để phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển, tăng cường tính thực tiễn và hiệu quả, Tiến sĩ Trần Ái Cầm đề nghị trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến nhu cầu và các ý kiến phản biện từ các cơ sở giáo dục để kịp thời điều chỉnh. Các chính sách khuyến khích cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục mà cụ thể là chính sách xã hội hóa giáo dục cần tiếp tục được thúc đẩy và kiến tạo nhiều hơn nữa..

Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá, việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã có tác động tích cực tới hệ thống giáo dục đại học trong thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhận thức về tự chủ đại học đã có chuyển biến tích cực, dần tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, quan niệm và cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo nghĩa tự chủ là “tự do” và “tự lo”, dẫn tới cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất và một chiều. Do đó, cô Cầm kiến nghị cần nghiên cứu xác định mô hình tự chủ đại học phù hợp đối với giáo dục ngoài công lập một cách công bằng và hiệu quả hơn.

“Nhà nước không chỉ quan tâm đầu tư cho đại học công lập, mà nên xem xét áp dụng mô hình đầu tư công tư kết hợp, hỗ trợ nguồn đầu tư công cho các trường đại học ngoài công lập thông qua đặt hàng một số nhiệm vụ, lĩnh vực mà các trường đại học tư có thế mạnh, có thể phát huy được hiệu quả phục vụ cộng đồng, như mô hình đầu tư “lai” mà nhiều nước trong khu vực đang áp dụng. Đấy là phương thức đầu tư khôn ngoan của Nhà nước, đảm bảo cạnh tranh công bằng”, lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đề xuất ý kiến.

Kỳ vọng phát triển giáo dục đại học ngoài công lập

Bước sang năm 2024 những thời cơ và vận hội mới, Tiến sĩ Trần Ái Cầm bày tỏ kỳ vọng hệ thống giáo dục ngoài công lập sẽ tiếp tục đóng vai trò là mảnh ghép không thể thiếu, cùng chung sức thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

“Hành trình 35 năm qua là minh chứng khách quan cho thấy hệ thống giáo dục ngoài công lập đã đóng góp rất nhiều thành tựu chung cho giáo dục cả nước, là một mảnh ghép không thể thiếu của một nền giáo dục quốc gia. Giáo dục ngoài công lập sẽ tiếp tục là động lực mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của cả nền giáo dục”.

Ngày nay, quan điểm và cách nhìn nhận của người học, phụ huynh đã có sự thay đổi rất lớn từ thói quen lựa chọn giáo dục công sang việc ưu tiên lựa chọn những cơ sở giáo dục có chất lượng, có danh tiếng tốt, khả năng tốt nghiệp có việc làm cao”, nữ Hiệu trưởng nhận định.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm tin tưởng nếu các trường đại học ngoài công lập tạo dựng được danh tiếng tốt thông qua chất lượng đào tạo, có khả năng kiến tạo sự thành công sẽ luôn là điểm đến, là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người học.

“Minh chứng thực tế cho thấy, hiện nay đã một số trường đại học ngoài công lập hoạt động tương đối hiệu quả, có quy mô và sức hút không hề kém cạnh so với các trường công lập hàng đầu”, Tiến sĩ Trần Ái Cầm nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, xu thế chung hiện nay là các trường đại học đã tích cực chủ động dịch chuyển từ thế hệ đại học thứ 2 (truyền thụ và sáng tạo tri thức) sang thế hệ đại học thứ 3 (thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo).

“Hệ thống đại học ngoài công lập được kỳ vọng sẽ là bộ phận năng động nhất hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam 2045 thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế; thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khai phá tri thức để tạo ra các giá trị gia tăng cho xã hội”, nữ Hiệu trưởng bày tỏ.

Cùng trăn trở về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập, Phó giáo sư Hồ Thanh Phong bày tỏ kỳ vọng Nhà nước sẽ tiếp tục có thêm những chính sách mạnh mẽ hơn để giáo dục ngoài công lập phát triển.

Bên cạnh đó, Nhà giáo nhân dân Hồ Thanh Phong cũng chia sẻ kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ chú trọng nhiều hơn tới mục tiêu mang lại lợi ích cộng đồng, bên cạnh mục tiêu về kinh tế trong lĩnh vực đầu tư phát triển giáo dục đại học.

“Nhà nước cần nghiên cứu thêm các chính sách phát triển các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam theo mô hình không vì lợi nhuận (sử dụng lợi nhuận từ hoạt động giáo dục để tiếp tục tái đầu tư cho phát triển giáo dục thông qua các chính sách hỗ trợ phục vụ cộng đồng - PV).

Theo tôi, một trong những chính sách có thể thực hiện là thực hiện tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức cho phát triển giáo dục đào tạo qua những hoạt động tích cực trong phục vụ cộng đồng”, thầy Phong đề xuất.

Phóng viên: Thưa cô, bước sang năm Giáp Thìn 2024, giáo dục ngoài công lập nói riêng và giáo dục đại học Việt Nam nói chung đứng trước những cơ hội, thách thức phát triển ra sao?

Tiến sĩ Trần Ái Cầm: Ngoài những thách thức do những khó khăn của thời hậu Covid và thế giới VUCA (VUCA là viết tắt của Volatility - Biến động, Uncertainty - Bất định, Complexity - Phức tạp, Ambiguity - Mơ hồ) đầy những biến động không ngừng, giáo dục đại học Việt Nam đang có những thách thức với chính mình và trách nhiệm xã hội rất lớn. Đó là các thách thức vượt qua chính mình để phát triển khỏi bẫy chất lượng mới chỉ top 5 ASEAN, vươn lên đứng đầu khu vực, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và góp phần nâng cao năng suất lao động của quốc gia hay không.

Trong mọi khó khăn và thách thức, tư duy và hành động theo tiếp cận đổi mới sáng tạo luôn là giải pháp hữu hiệu để vượt qua. Tôi tin tưởng rằng, giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà. Mô hình và cơ chế tự chủ đại học tiếp tục được hoàn thiện. Mọi nguồn nguồn lực sẽ được giải phóng. Quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học sẽ được Chính phủ sớm ban hành kèm theo các chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển đồng bộ cả hệ thống các cơ sở đại học công và ngoài công lập.

Đặc biệt, cùng với chuyển đổi số, gần đây, sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và Chat GPT đang mang đến nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người và cơ hội đổi mới phương thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng.

Đại học thế giới trở nên “phẳng hơn”, không còn chú trọng phân biệt công tư mà dựa trên năng lực tiếp cận các lợi thế của công nghệ để cung cấp dịch vụ giáo dục xuất sắc phục vụ đào tạo cá thể hóa và nhu cầu học tập suốt đời.

Doãn Nhàn