Trường ĐH nêu kiến nghị để số sinh viên ngoài công lập đạt 22,5% vào năm 2025

19/02/2024 06:22
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, các trường đại học ngoài công lập đã đặt ra những mục tiêu, chiến lược và giải pháp khắc phục trong năm mới Giáp Thìn.

Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 4/6/2019 nêu rõ, đối với giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%.

Tuy nhiên, thống kê số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2021-2022 (tức tính đến tháng 6/2022) cho thấy, số trường đại học học ngoài công lập của nước ta mới chỉ đạt 67 trường (tức chiếm tỷ lệ gần 28% trong tổng số trường đại học trên cả nước), tăng 1 trường so với năm học trước; số sinh viên theo học đạt 416.570 người (tương đương 19,4%, ), tăng 51.213 người so với năm học trước.

Có thể thấy rằng, mặc dù số lượng trường và sinh viên tham gia vào các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập của nước ta có xu hướng tăng nhưng vẫn chưa đáng kể.

Năm 2025 khó đạt được mục tiêu nêu trong Nghị quyết 35

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai) bày tỏ, những kết quả đạt được của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở nước ta hiện nay là rất đáng trân trọng.

Theo thầy Song, xã hội hóa giáo dục đang là giải pháp hữu hiệu để có thể huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí bởi giáo dục là là quốc sách hàng đầu nên cần có sự hợp tác của cả công và tư.

Chính vì vậy, dù chưa đạt được về số lượng trường đại học ngoài công lập cũng như số sinh viên theo học như mục tiêu của Nghị quyết 35 nhưng chủ trương xã hội hóa giáo dục vẫn là chủ trương đúng đắn và đã được chứng minh ở nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam.

z5121397677891_dbb4e20417e08d3d64410b9b037164ad.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, thầy Song cho rằng, mục tiêu về số lượng cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập và số sinh viên theo học đến năm 2025 có khả năng không đạt được. Điều này xảy ra do có nhiều nguyên nhân.

Trước hết, về vấn đề thu hút nguồn lực, theo thầy Song, tuy nhà nước đã có nhiều chính sách, chủ trương ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục nhưng những chính sách này vẫn chưa đủ sức để thu hút. Nhất là trong lúc kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào giáo dục đại học đòi hỏi phải là đầu tư lâu dài và có nguồn vốn đủ lớn.

Việc thu hút tài trợ cho giáo dục từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cựu sinh viên cũng cần phải xem xét. Kinh nghiệm từ các trường đại học nổi tiếng trên thế giới đã chỉ ra, nguồn thu này nếu biết huy động, sử dụng đúng đắn sẽ tạo động lực lớn cho giáo dục đại học phát triển. Để thực hiện được việc này, cần có chính sách, quy định cũng như sự tích cực của chính các cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, về vấn đề phân biệt trường công – trường tư, theo thầy Song, ngoài việc thay đổi trong nhận thức của các cấp quản lý, nhà tuyển dụng và cả xã hội, chúng ta cần thấy rằng, trường đại học ngoài công lập luôn thiệt thòi hơn trường đại học công lập do không được hỗ trợ ngân sách.

Thậm chí, ngay cả đối với các trường công đã tự chủ tài chính, nguồn lực về đất đai, cơ sở vật chất – thiết bị có từ trước cùng lực lượng giảng viên đã là tiền đề quan trọng có tính chất quyết định cho sự phát triển của họ. Trong khi đó, các trường đại học ngoài công lập phải tự lực hoàn toàn nên rất cần các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.

Ngoài ra, về vấn đề thực thi chính sách, chủ trương xã hội hóa giáo dục, thầy Song cho rằng, cần “cởi trói” cho các lãnh đạo địa phương để họ dám làm, dám quyết, chủ động đặt hàng, trải thảm để đầu tư cho giáo dục thay vì phải chờ nhà đầu tư giáo dục đến đặt vấn đề mới thực hiện.

Có thể thấy rằng, chỉ còn một năm nữa để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 35 để đạt được mục tiêu trên, do vậy, đứng trước những khó khăn, thách thức trên, theo thầy Song, cần có sự vào cuộc của các cấp quản lý và toàn xã hội.

Trong đó, cơ quan quản lý giáo dục cần lắng nghe tiếng nói của khối trường đại học ngoài công lập để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mới có thể “khai thông dòng chảy” cho họ, giúp các cơ sở phát triển hơn trong thời gian tới.

Hơn nữa, cơ quan quản lý và khối trường đại học ngoài công lập cũng cần quan tâm đến việc thu hút tài trợ cho giáo dục. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, chính các tập đoàn, doanh nghiệp là đối tượng chúng ta cần hướng đến vì đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là cung cấp nguồn lực nhân lực đầu vào cho các tập đoàn, doanh nghiệp.

Đối với riêng nhà trường, thầy Song thông tin, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông luôn lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu. Bởi, chỉ có nâng cao chất lượng, nhà trường mới có thể đạt được sứ mệnh của mình, thực hiện đúng đắn chủ trương xã hội hóa giáo dục, hài hòa lợi ích của người học, nhà đầu tư và toàn xã hội.

Việc khẳng định được chất lượng, uy tín sẽ giúp xã hội không còn phân biệt trường công – trường tư mà chỉ còn trường đào tạo tốt và trường đào tạo chưa tốt. Ngay cả với những trường đại học vì lợi nhuận, các nhà đầu tư cũng phải hiểu đây là lĩnh vực đầu tư lâu dài, không thể có tư tưởng “ăn xổi ở thì”. Do đó, nếu chất lượng đào tạo của trường được khẳng định tất yếu cũng sẽ đi kèm các lợi ích về tài chính.

Cần biết tận dụng ưu thế riêng của khối trường đại học ngoài công lập

Cùng bày tỏ quan điểm về thực trạng trên, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) cho hay, vài năm gần đây, hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập đang phát triển rất mạnh cả về cơ sở vật chất, quy mô, chất lượng và cả các hình thức hoạt động,...

Có thể thấy rằng, nhiều trường đại học ngoài công lập hiện đang đào tạo những ngành nghề hot, xu hướng, cung ứng được nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

dieu-duong-4-1.png
Sinh viên Khoa Y, Trường Đại học Đông Á (Ảnh: Website nhà trường).

Không những vậy, nếu xem xét cơ sở vật chất của các trường đại học ngoài công lập trước đây sẽ thấy không thể bằng được với khối trường đại học công lập. Tuy nhiên, với những chiến lược và sự phát triển mạnh mẽ của mình, hiện nay, nhiều trường đại học ngoài công lập đã có cơ sở vật chất hiện đại, tiệm cận và sánh ngang với các trường quốc tế; nhiều phòng lab, nghiên cứu thông minh. Thậm chí, một số đơn vị còn có cơ sở vật chất hơn hẳn nhiều trường đại học công lập.

Mặt khác, theo thầy Tuấn, số lượng sinh viên lựa chọn vào các trường đại học ngoài công lập có tăng lên nhưng vẫn chưa đạt được như mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra bởi nhiều lý do. Trước hết, đó là xu hướng tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập của nước ta hiện nay.

Với xu hướng này, đặc biệt là những trường đại học lớn có uy tín, thương hiệu lâu đời khi được giao tự chủ thì đồng thời họ cũng sẽ mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo để có thể đảm bảo được nguồn thu tài chính và sự phát triển của mình.

Tất nhiên, khi các trường đại học công lập ngày càng tăng quy mô sẽ làm thu hẹp số người học của hệ thống cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Do đó, trong những năm tới sẽ là giai đoạn khó khăn, thách thức lớn đối với hệ thống này. Đặc biệt là để đạt được mục tiêu như năm 2025 sẽ không phải điều dễ dàng.

Nhờ có quyền tự quyết cao hơn, các trường đại học ngoài công lập đang thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc đưa ra các chính sách để thu hút đầu vào; các chế độ, hỗ trợ chăm sóc sinh viên trong lúc học và sau khi tốt nghiệp. Không những vậy, do xu thế tự chủ, một số trường đại học công lập hiện nay còn có mức học phí gần như tương đương với nhiều trường tư thục.

Chính vì vậy, nếu có thể tận dụng được những lợi thế của mình, đưa ra những giải pháp, chiến lược phát triển phù hợp, thầy Tuấn cho rằng, các trường đại học ngoài công lập có thể vượt qua được thách thức trong những năm tới.

Tuy nhiên, theo thầy Tuấn, khối trường đại học ngoài công lập nước ta hiện còn gặp một số khó khăn do chưa có sự công bằng giữa khối trường đại học ngoài công lập và công lập trong hệ thống giáo dục đại học. Bởi, khối trường đại học tư thục từ trước đến nay luôn tự túc kinh phí, tự tổ chức đào tạo,..., không được đặt hàng để tổ chức đào tạo như nhiều trường đại học công lập.

Cùng bàn về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, Nghị quyết số 35/NQ-CP là một chủ trương có tính chiến lược và rất quan trọng cho sự phát triển của giáo dục đại học của đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay, việc tăng cường huy động các nguồn lực xã hội sẽ là một sự bổ sung cần thiết cho sự phát triển bền vững và hội nhập của các trường đại học Việt Nam.

617729-3n7a3539.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Hơn nữa, mặc dù mục tiêu cụ thể có thể vẫn chưa đạt như kỳ vọng nhưng các chỉ số có sự tăng trưởng tốt, là thông số đầu vào quan trọng cho một giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ có tính đột phá cao hơn.

Theo Giáo sư Kiên, có một số nguyên nhân chính khách quan và chủ quan khác nhau tác động đến mức độ đạt được của mục tiêu cụ thể.

Về điều kiện khách quan, có thể thấy rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả các hoạt động xã hội, đặc biệt là điều kiện tài chính nên đã ảnh hưởng đến số lượng sinh viên của các trường đại học ngoài công lập.

Sau dịch bệnh, kinh tế khó khăn, một số lượng người học có xu hướng chọn học tập tại các trường học phí thấp, các trường trung cấp và cao đẳng, các trường địa phương nhằm phù hợp với điều kiện tài chính gia đình.

Bên cạnh đó, để thay đổi nhận thức của xã hội cũng cần thời gian. Từ trước đến nay, do văn hóa Á Đông, từ nhiều thế hệ của nước ta vẫn luôn chuộng trường công lập hơn các trường ngoài công lập.

Không những vậy, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn do chưa tiếp cận được nhiều các dự án nhà nước, nguồn vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi; Chính sách hỗ trợ các trường đại học công lập và tư thục chưa đồng đều; Thể chế chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, chưa huy động được nguồn lực xã hội dẫn đến cơ sở giáo dục này chưa phát huy hết tiềm lực.

Cũng theo thầy Kiên, trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao về chất lượng; các chương trình đào tạo của trường đã được đối sánh với các tiêu chuẩn kiểm định quốc gia và quốc tế.

Do đó, để thu hút nhiều hơn nữa sinh viên giỏi vào trường và góp phần thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 35, nhà trường đã xác định chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học là nhiệm vụ hàng đầu.

Để thực hiện việc này, hiện nhà trường đang tập trung một số lĩnh vực sau như tăng cường công tác truyền thông giúp học sinh và phụ huynh có được thông tin tuyển sinh đầy đủ nhất, bên cạnh phát triển các ngành đào tạo mới phù hợp với sự phát triển xã hội;

Tăng cường công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trong đó đặc biệt là kiểm định quốc tế. Đây là cách tiếp cận cần thiết để hội nhập quốc tế;

Ghi nhận, tiếp thu những góp ý của các chuyên gia giáo dục đến từ các nước phát triển giúp nhà trường nhận diện các vấn đề cần cải tiến, và từ đó xây dựng các kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (năm học 2023-2024 HUTECH sẽ kiểm định 8 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong đó 4 chương trình đào tạo theo AUN-QA, 4 chương trình đào tạo theo FIBAA);

Tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; Cải tiến chính sách nhằm thu hút nhiều hơn nữa các giảng viên có trình độ quốc gia và quốc tế; Triển khai tổng thể kế hoạch chuyển đổi số trong quản trị và đào tạo.

Mặt khác, muốn đạt được mục tiêu trên vào năm 2025, thầy Kiên cho rằng, năm 2024, các nhà quản lý giáo dục cần tiếp tục cải tiến thể chế nhằm tạo động lực lớn hơn nữa cho khối các trường đại học ngoài công lập phát huy được tiềm lực và huy động được nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội; Thay đổi nhận thức giữa công lập và ngoài công lập trong hoạch định phát triển và chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, mô hình quản trị của khối trường đại học ngoài công lập đang có một ưu thế so với các trường công lập. Do đó, theo thầy Kiên, các trường ngoài công lập cần tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị trên nền tảng lấy người học làm trung tâm.

Không những vậy, hiện nay, nhiều chương trình đào tạo tại nhiều trường đại học ngoài công lập đã khẳng định được thương hiệu, có tính cạnh tranh cao và đã trở thành lựa chọn đầu tiên của học sinh. Do đó, chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học theo hướng hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục phát triển, nhằm giúp các trường đại học ngoài công lập khẳng định vị thế của mình.

Bước sang năm Giáp Thìn 2024, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ niềm hi vọng và mong muốn đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập của nước ta hiện nay.

Theo thầy Kiên, xã hội hóa giáo dục vừa là thách thức, vừa là thời cơ để các trường đại học ngoài công lập phát huy được thế mạnh. Vậy nên, thầy rất kỳ vọng các trường đại học ngoài công lập sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, phát triển mạnh mẽ hơn nữa và đóng góp nhiều hơn nữa vào hệ thống giáo dục đại học của cả nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Và Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cũng thể hiện sự kì vọng và tin tưởng vào sự chuyển mình của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy và nhà trường vẫn luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tin tưởng vào các người thầy, người cô, các giảng viên, cán bộ đồng nghiệp – là những trí thức luôn đi đầu và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.

Thầy Song cho rằng, giáo dục đại học ngoài công lập Việt Nam sẽ “cất cánh” với vai trò và đóng góp lớn cho giáo dục nước nhà và giúp đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh hơn nữa.

“Năm 2024, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, chúng tôi đã và đang chú trọng đào tạo kĩ năng mềm cho sinh viên với nhiều kĩ năng cần thiết trong thời đại mới như kĩ năng định hướng nghề nghiệp; kĩ năng ứng dụng AI, kĩ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…

Hơn nữa, là một trường đại học ngoài công lập, chúng tôi tận dụng lợi thế là có bộ máy gọn nhẹ, quy trình nội bộ nhanh gọn, cơ chế đãi ngộ nhân tài linh hoạt…để làm nội lực cạnh tranh về mặt quản lý”, thầy Song thông tin.

Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á, trải qua 35 năm hình thành và phát triển, giáo dục ngoài công lập đã thực sự trở thành một bộ phận không thể tách rời khỏi hệ thống giáo dục đại học của nước ta. Vậy nên, mỗi cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cần tìm ra những giải pháp của riêng mình để thúc đẩy sự phát triển, tồn tại và đóng góp được vào thị phần của cộng đồng.

Tường San