Thầy giáo Hồ Văn Mẫn (sinh năm 1993, giáo viên Trường trung học cơ sở Tân Tiến - thị xã La Gi - tỉnh Bình Thuận) không chỉ là một giáo viên giỏi, một đoàn viên luôn xông xáo trong các phong trào của nhà trường mà còn là vị cứu tinh của hàng chục nạn nhân bị đuối nước.
Nhắc tới thầy, nhiều người dân ở vùng biển Ngảnh Tam Tân xã Tân Tiến không ngớt lời ngợi ca và thán phục.
Ngay từ thời còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, thầy Hồ Văn Mẫn đã nằm trong đội chữ thập đỏ của trường. Đây chính là cánh tay phải của phòng y tế.
Được biết, cán bộ y tế nhà trường chỉ trực ban ngày, nhưng ban đêm sinh viên ở kí túc xá vẫn thường xuyên bị bệnh.
Thầy Hồ Văn Mẫn. Ảnh: Phan Tuyết |
Vì vậy, những thành viên trong đội chữ thập đỏ đã thay nhau trực và sơ cứu ban đầu.
Để có được những kiến thức về sơ cứu, cán bộ y tế nhà trường đã dạy, tập huấn thường xuyên (một học kì 3 tháng vừa học vừa làm) cho đội viên chữ thập đỏ.
Cũng nhờ những kiến thức học được trong trường, sau khi về dạy tại Trường Trung học cơ sở Tân Tiến, thầy cũng đã giúp cho học sinh khá nhiều.
Với lứa tuổi 12, 13 các em thường hay nghịch ngợm, đùa giỡn và chạy nhảy thái quá.
Chuyện té va vào tường, góc bảng, bàn ghế gây thương tích cũng không tránh khỏi.
Thầy Mẫn đã cùng một số giáo viên sơ cứu trước khi chuyển ra trạm xá hoặc bệnh viện.
Đi tiếp sức mùa thi, nam sinh viên tình nguyện bị đuối nước thương tâm |
Ngoài giờ lên lớp, thầy Mẫn tranh thủ chụp hình dạo ở khu vực biển Ngảnh Tam Tân để kiếm thêm thu nhập.
Chính thầy đã cứu sống hàng chục nạn nhân có nguy cơ mất tính mạng vì bị sóng lớn đánh xa bờ và hụp chân xuống hố nước xoáy.
Phải kể đến vụ cứu 3 nạn nhân năm vừa qua. Hôm ấy, trong lúc đang đi dạo trên biển để chụp hình, thầy Mẫn thấy phía dưới biển cách bờ khoảng 40-50 mét, ba xác người nổi lập lờ.
Thầy Mẫn hô to cho mọi người gần đấy cùng ứng cứu và lao ngay xuống biển.
Thầy ôm vội một bé trai chừng 12 tuổi lên trước, nhìn bé xám ngoét gần như ngừng thở.
Thầy đặt bé đầu thấp hơn mình và bắt đầu hà hơi thổi ngạt.
Miệng bé lúc đó đầy dị vật nên phải móc hết dị vật ra mới bắt đầu hô hấp được.
Cùng với việc hà hơi, liên tục làm động tác ép tim, ngay sau đó, bé trai ói ra, thầy giao cho một số người bên cạnh để dốc nước.
Lúc này, hai bé gái chừng 15 tuổi cũng đã được vớt lên bờ nhưng không có người nào biết cách sơ cứu.
Thầy Mẫn tiếp tục hô hấp, ép tim cho bé này đến bé kia.
Và hai cô bé cũng đã dần tỉnh lại trong niềm vui khôn tả của mọi người.
Sau đó, thầy Mẫn theo xe đưa ba bé vào bệnh viện trước khi người nhà đến.
Cách đây chỉ ít tuần, 6 du khách người An Giang đang tắm biển bị sóng đánh thụp xuống hố nước sâu. Lúc này đã về chiều nên biển gần như vắng người.
Suốt cả ngày xuống biển phụ anh chị bán hàng, trong lúc ngồi nghỉ, thầy nghe thấy tiếng kêu cứu và những cánh tay chới với ngoài xa.
Biết có du khách gặp nguy, thầy Mẫn vội ôm phao lao ra giữa dòng nước xoáy kéo từng người lên.
Thầy Mẫn cho biết, nước sâu đến mũi, từng đợt sóng đánh vào lại kéo người ra xa hơn. Dù đuối sức cũng phải ráng.
Thế là thầy cố gắng kéo từng người, dìu qua khỏi chỗ nước sâu là chuyền cho người khác đưa vào bờ.
Cứ thế, 6 người đã được đưa lên bờ an toàn nhưng có 4 người gần như đã kiệt sức.
Sau khi làm một số công việc sơ cứu ban đầu, thầy Mẫn đã cùng mọi người chuyển gấp nạn nhân đi bệnh viện.
Ngoài ra, còn hàng chục lần thầy Mẫn đã cùng góp sức với đội cứu hộ trên biển để giúp người gặp nạn.
Thế nhưng khi hỏi đến, thầy Mẫn chỉ cười và nói “không có gì đâu, em ngại lắm”.
Nói về thầy Mẫn, thầy Nguyễn Đắc Phi Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Nhà trường cũng đã biểu dương tinh thần xả thân cứu người trên biển của thầy Mẫn để giáo dục học sinh.
Về công tác giảng dạy, thầy đã cùng với một số giáo viên hướng dẫn tận tình cho học sinh của trường để các em có kĩ năng bơi lội tốt.
Nhờ sự nhiệt tình trong giảng dạy nên thầy Mẫn luôn được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh yêu mến”.