Nếu lời phê của giáo viên dành cho học sinh trong từng bài kiểm tra là lời nhận xét, đánh giá ưu nhược điểm qua bài kiểm tra cụ thể, thì những ghi chép, đánh giá của giáo viên trong hồ sơ học sinh (học bạ, sổ điểm…) là đánh giá của cả quá trình học tập. Qua những hồ sơ đó, người ta sẽ biết được thông tin cơ bản nhất về học sinh như tên tuổi, ngày sinh, địa chỉ, họ tên bố mẹ, nghề nghiệp, học lực, hạnh kiểm và nhận xét của giáo viên về học sinh đó.
Những thông tin đó sẽ theo các em trong suốt những năm học tiếp theo, như một tấm thẻ quan trọng để các em từng bước bước vào thế giới rộng lớn. Do đó, việc ghi thông tin, số liệu, đánh giá của giáo viên rất quan trọng. Đặc biệt đối với những đánh giá, nhận xét về học sinh, đòi hỏi người giáo viên phải dành thời gian suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn từ ngữ hợp lý, ghi chính xác mà không khô khan, đảm bảo nguyên tắc mà không cứng nhắc.
Tuy nhiên, điều này dường như chưa được quan tâm. Các ghi chép, số liệu còn nhầm lẫn, lời phê thường được tiến hành nhanh chóng như thủ tục.
Khi nhìn thấy bức ảnh này, điều mà bạn nghĩ đến là gì?
Bạn nghĩ gì khi nhìn dòng chữ trong bức ảnh này? |
Đó là sự cẩu thả của người giáo viên khi ghi nhầm cột “Họ và tên của bố” và “Nghề nghiệp”. Nhưng chua xót hơn, đó là sự vô tâm của một người thầy, một nhà giáo đối với chính học sinh của mình. Không ngần ngại ghi vào mục nghề nghiệp của bố hai chữ nhạy cảm “đ…t…”, liệu thầy đã thử nghĩ và đặt mình vào hoàn cảnh của em. Hai chữ ngắn gọn kia thôi nhưng sẽ theo em suốt những năm học sau đó. Và rồi, nó có trở thành một “bản án” trong cuộc đời của em?
Không khó để bắt gặp những lời phê học bạ “copy” dành cho tất cả học sinh, những lời phê ngắn gọn, chung chung “vô thưởng vô phạt” như “học lực khá, lao động tốt, sức khỏe tốt, có nhiều cố gắng…”, hoặc là quá cụ thể “đôi khi còn không học bài, còn vi phạm nội quy, còn hay nghỉ học…”.
Thậm chí, có những lời phê học bạ rất nặng nề “lười biếng, ham chơi, đua đòi, có nghe lời thầy cô nhưng chỉ một thời gian ngắn, khả năng tự kiềm chế thấp…” hay “gian lận trong học tập”, “còn vi phạm nội quy lớp học, hay có những hành động bất thường”….
Thử hỏi có bao giờ người phê nghĩ đến cảm giác của người nhận khi đọc những lời nhận xét đó hay không. Liệu sau này, khi người khác cầm học bạ của các em đọc sẽ nghĩ sao về các em.
Vẫn biết rằng những ghi chép, nhận xét của giáo viên là có cơ sở, nhưng đôi khi do “sơ suất” hay cảm tính cá nhân nhất thời, chưa thấu đáo đã vô tình đánh cắp giấc mơ hay tạo nên vết đen trong cuộc đời các em.
Lời phê học bạ là đánh giá, nhận xét khái quát về ưu nhược điểm của học sinh trong cả quá trình học tập, rèn luyện nên “dù kém hay lười, dù ngây ngô hay gian trá, dù vô phép hay lưu manh cũng chỉ là những biểu hiện nhất thời, mà còn đến trường tức là còn khả năng giáo dục được thì không nên ghi lại bằng những dòng chữ khó thể xóa nhòa”. (xin được trích lời một thầy giáo).
Đặc biệt, nếu những nhận xét, đánh giá còn chứa đựng tâm huyết, tình cảm của người thầy dành cho học trò của mình thì lời phê đó có tác dụng rất lớn, như một sự động viên, khích lệ để học trò vươn lên, có nghị lực và có niềm tin trong cuộc sống.
Vậy thì, trước khi đặt bút viết thông tin vào bất kì hồ sơ nào của học sinh, những người thầy hãy đặt mình vào vị trí người cha, người mẹ, người anh, người chị của các em học sinh để có cân nhắc kỹ lưỡng. Để cuốn sổ là nơi mà người thầy thể hiện sự quan tâm, khích lệ dành cho từng học sinh, và học sinh sẽ biết rõ ưu điểm để phát huy, nhược điểm để khắc phục và thấy được tấm lòng người thầy dành cho trò. Để các em không tâm lí sợ sệt khi ai đó mở tập hồ sơ ra. Để em được tiếp thêm sức mạnh phấn đấu chứ không phải sự tự ti khi bước vào đời.
Có những lời phê đã làm thay đổi số phận của cả một con người. Vì vậy, cần lắm tấm lòng, sự cẩn trọng của người thầy trong từng nét chữ hồ sơ học sinh.