Giờ đây, Thiện quê Pa Tần, Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và hiện đang là sinh viên Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với Thiện và mong muốn các bạn học sinh lớp 12 có thể tham khảo được ít nhiều bí quyết đạt điểm cao từ Thiện, đặc biệt là bí quyết học, ôn thi môn Địa lý chỉ làm hết 2/3 thời gian.
Phương pháp “Đi truy về trao”
Là một nữ sinh dân tộc thiểu số đến từ Mường Nhé, một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, vậy em có bí quyết học, ôn thi như thế nào để đạt điểm 9 môn Địa lý?
Em Vàng Thị Thiện: Bố mẹ em đều làm nghề nông. Gia đình em nghèo, có 4 chị em gái. Do vậy, việc học của em hoàn toàn tự lập. Theo em, điều quan trọng nhất khi các bạn học sinh học ôn thi ở bất kỳ môn học nào cũng cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, hiểu được cặn kẽ nội dung môn học được thầy cô giảng ở trên lớp.
Thứ hai, phải học hiểu các dạng biểu đồ, có thực hành qua các bài thi, bài kiểm tra. Kinh nghiệm của em là không bao giờ học tủ, nên học có trọng tâm những bài giảng theo đề cương của các thầy cô giao cho.
Em Vàng Thị Thiện, dân tộc Thái có thành tích học giỏi. |
Một điều may mắn nữa cho em đó là ngay từ khi bước vào đầu năm học lớp 12 nhà trường đã hướng ôn thi đại học cho học sinh theo các khối đã chọn. Lợi thế của em thi khối C nhưng cũng rất may năm đó cả 3 môn Văn - Sử - Địa đều có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp. Đến cuối tháng 3, chương trình cơ bản của năm học đã kết thúc nên chúng em càng có thời gian tập trung cho ôn thi tốt nghiệp cũng như đại học.
Được học tập trung ở trường nội trú, đây có phải lợi thế của học sinh dân tộc thiểu số không?
Em Vàng Thị Thiện: Trước hết, để vào học ở trường nội trú tỉnh học sinh phải có điểm thi đầu vào cao mới được chọn. Ở trong trường, thầy cô quản lý rất chặt, nhờ đó chúng em tập trung học, ôn thi rất tốt. Về điều kiện sinh hoạt dù ở đây hơi khó khăn so với ở nhà nhưng lại là môi trường học tập tốt.
Trong trường chúng em được học 3 ca sáng, chiều và tối. Chẳng hạn buổi tối học sinh tự học nhưng có sự quản lý chặt chẽ của thầy cô. Còn buổi sáng chúng em học văn hóa trên lớp. Nếu gặp nội dung khó, chưa hiểu hay bài tập nào khó không làm được, học sinh nội trú như chúng em sẽ được hỏi thầy cô để được giải đáp ngay.
Môn Địa có phải là môn yêu thích của em hay không. Em có cách học như thế nào để đạt hiệu quả nhất?
Em Vàng Thị Thiện: Trong 3 môn, em thích học nhất là môn Sử, tuy nhiên Địa là một trong 3 môn chọn thi Đại học khối C nên em cũng ôn luyện kỹ. Phương pháp học tập của em đó là “đi truy về trao” với bạn bè, mình có thể trao đổi với bạn học những nội dung mình biết, có thể có nội dung bạn chưa biết hoặc mình chưa biết.
Từ đó chúng em tự bổ sung cho nhau những phần kiến thức mình thiếu. Đặc biệt, học môn Địa học sinh hoàn toàn có thể liên hệ được với địa phương mình, cách áp dụng thực tế này là lợi thế ghi điểm cho học sinh. Thêm vào đó, học sinh vào phòng thi được mang bản đồ. Nhìn vào bản đồ em có thể áp dụng làm bài thi khi nêu đặc điểm các địa phương, vùng kinh tế.
Phần bài tập tự luận biểu đồ thí sinh phải hiểu các dạng biểu đồ đã học khi làm đến phần thi này. Phần nhận xét có cả câu cụ thể, câu chung, có cả mẫu của cô giáo đã cho nên có thể áp dụng vào bài thi.
Thời điểm này không thể học tràn lan
Cách dạy ôn thi của thầy cô ở trường cho các em như thế nào?
Em Vàng Thị Thiện: Một may mắn nữa đó là em được cô giáo Vân Khánh, là một trong số giáo viên giỏi, có kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề trực tiếp dạy môn Địa thi tốt nghiệp cho học sinh.
Chúng em học theo đề cương ôn tập của giáo viên các bộ môn. Các thầy cô của trường hướng cho học sinh ôn thi trọng tâm. Bao giờ cũng cho kiến thức chuẩn, có thêm phần mở rộng nâng cao để học sinh làm bài thi của mình tốt hơn. Ngoài ra, các thầy cô còn cho chúng em luyện thi các đề thi các năm trước để tự rút kinh nghiệm trong quá trình học cũng như thi. Đặc biệt, thầy cô cũng chuẩn bị tâm lý khá tốt cho chúng em khi đi thi.
Học Địa lý khó khăn nhất đó là các vùng kinh tế, các khu có nhiều sự trùng lặp với nhau, do đó thí sinh phải nắm được đặc trưng riêng, so sánh với địa phương để làm bài. Khi học nếu được trao đổi bài với các bạn trong lớp thì sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ các vấn đề.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dã cận kề, là người đã trải qua, trong đó có tới 3 môn cùng đạt điểm 9, vậy em có lời khuyên gì dành cho các thí sinh năm nay?
Em Vàng Thị Thiện: Đến thời điểm này các bạn không nên học tràn lan nữa mà tập trung vào những bài học trọng điểm. Trong quá trình học ôn phải biết kết hợp giữa học và chơi. Đặc biệt, thí sinh cần bố trí thời gian nghỉ nghơi và tập luyện thể thao thường xuyên để nâng cao thể lực, bồi bổ tinh thần cho bản thân mình. Như thế, sẽ tránh được tình trạng vào phòng thi, thí sinh dễ bị lọan kiến thức.
Với riêng em, tham gia hoạt động thể thao với các bạn cùng trường như chơi bóng chuyền khoảng 30 phút đều đặn các buổi chiều hàng ngày. Đặc biệt, HS phải ăn uống đầy đủ và nghỉ nghơi buổi tối. Học ôn thi HS không nên thức thâu đêm để học vì như thế sáng hôm sau lên lớp cơ thể sẽ rất mệt mỏi. Là HS trường nội trú, tối chúng em tập trung tự học ở trên lớp đến 10 giờ, sau đó về phòng học trao đổi nội dung ôn thi với bạn đến khoảng 12 giờ đêm đi ngủ.
Kinh nghiệm của em là 4 giờ sáng nên dậy sớm để học bài bởi khi đó đầu óc minh mẫn, học rất nhanh nhớ, khả năng tập trung tốt hơn.
Cách trình bày bài thi cũng rát quan trọng. Khi nhận được đề thi, em dành khoảng 10 phút đọc kỹ đề trước khi làm, xác định luôn dạng biểu đồ, từ đó lập luôn dàn ý các câu hỏi, phần nào thiếu ý khi làm bài sẽ bổ sung thêm. Phần làm bài tập nên làm theo dàn ý, tránh tràn lan, bài thi phải có cấu trúc từng ý rõ ràng. Câu nào dễ HS nên chọn làm trước, câu khó để làm sau, đặc biệt không được bỏ sót câu nào.
Cám ơn em.