Vào năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiêm cấm các trường tổ chức thi tuyển sinh lớp 6 dưới mọi hình thức. Chính vì vậy, để chọn lọc học sinh ngay từ đầu vào, nhiều trường công lập ở TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều tiêu chí phụ khác nhau, để đánh giá học sinh.
Tại trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, quận 10, dự kiến, mùa tuyển sinh tới đây, nhà trường sẽ đưa thêm một số các tiêu chí để xét học sinh vào học, như tiêu chí về học lực của học sinh từ lớp 1 đến 4, học sinh phải có hộ khẩu thường trú hay KT3 ở quận 10.
Cùng lúc, học sinh cũng sẽ được cộng thêm điểm khuyến khích cho các học sinh đoạt giải học sinh giỏi…
Còn tại trường trung học cơ sở Vân Đồn, quận 4 thì dự kiến sẽ tuyển sinh lớp 6 theo các tiêu chí: Đánh giá năng lực, quá trình học tập của học sinh trong suốt những năm học ở tiểu học, đạt phẩm chất đạo đức, kiểm tra cuối học kỳ 2 của năm học lớp 5 có điểm tốt ở 2 môn Toán, tiếng Việt…
Cuộc đua vào các trường công lập ở các lớp đầu cấp tại TP.HCM sẽ hết sức căng thẳng (ảnh minh họa) |
Song song đó, học sinh còn phải được bình bầu khen thưởng vào cuối năm học, có ngoại ngữ…Đây là việc được thực hiện để nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của các học sinh được tuyển, đảm bảo tốt số lượng học sinh của trường được tuyển theo đúng chỉ tiêu đề ra.
Tại trường chuyên Trần Đại Nghĩa, lãnh đạo nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát năng lực bằng tiếng Anh khi tuyển sinh học sinh lớp 6. Cũng giống như nhiều trường khác, lãnh đạo trường Trần Đại Nghĩa cũng cho rằng, đây là việc đánh giá năng lực học của học sinh ở bậc tiểu học.
Nội dung của đề khảo sát này sẽ trải dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thể hiện toàn bằng tiếng Anh, nhằm để khẳng định, các học sinh này không chỉ đọc và viết tiếng Anh tốt, mà còn thể hiện được tư duy logic, khả năng phán đoán, suy luận, nhạy bén.
Nếu không trúng tuyển vào lớp 6 của trường chuyên Trần Đại Nghĩa, học sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển ở các trường tại địa phương mà mình đang cư trú.
Trong nhiều năm gần đây, TP.Hồ Chí Minh vẫn tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, áp dụng đối với tất cả các học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn.
Do sức chứa của các trường công lập chỉ có thể đáp ứng được 80% nhu cầu học tập của các em, nên áp lực cho học sinh muốn vào trường công là rất lớn.
Tuy vậy, nhiều trường công lập vẫn phải chạy đua với chính nhau, không chỉ cạnh tranh về chỉ tiêu tuyển sinh, mà còn cạnh tranh cả chính chất lượng tuyển đầu vào của học sinh.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Đức Hùng – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) cho biết, trong những mùa tuyển sinh trước, nhà trường chưa bao giờ lấy điểm tuyển đầu vào dưới 36 điểm.
Thế nhưng, vào mùa tuyển sinh năm rồi, nếu như lấy điểm chuẩn là 36 điểm, thì sẽ có khoảng 30 em học sinh rớt, nên trường quyết định hạ điểm chuẩn xuống chỉ có 32,75 điểm, khiến cho các thành viên Ban Giám hiệu nhà trường cũng bất ngờ.
Năm nay, để khắc phục tình trạng này, trường đã tổ chức nhiều đoàn tư vấn, đến các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận để giao lưu, quảng bá về trường, nhằm đưa thông tin đến với các em học sinh, thu hút nhiều hơn nữa các em đến với trường trong mùa tuyển sinh sắp tới.
Cũng theo thầy Hùng, nếu có nhiều thí sinh đăng ký, chỉ tiêu lấy từ trên xuống thì chắc chắn điểm chuẩn phải là cao.
Ngoài ra, nhiều trường trung học phổ thông công lập khác cũng đưa ra nhiều chính sách dành cho học sinh, như học bổng dành cho học sinh giỏi, con em gia đình khó khăn nhưng vượt khó, thí sinh có điểm chuẩn đầu vào cao nhất…
Một vị Hiệu trưởng trường công lập ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, phương án thi tuyển sinh lớp 10 vừa thể hiện sự công bằng giữa các học sinh với nhau, vừa khiến cho các trường trung học phổ thông phải chạy đua, để có chất lượng học sinh đầu vào ở mức cao nhất.