Cảnh báo phụ huynh về sách giả, nhưng có nhất thiết nhà trường phải bán sách?

17/06/2019 06:21
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nếu không có hoa hồng, không có lợi lộc gì từ việc bán sách thì có trường học nào lại “ôm rơm cho rặm bụng” thế không?

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết về chuyện bán sách giáo khoa trong trường học mà cụ thể tại tỉnh Bình Thuận.

Ngày 10/6/2019, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc trả lời với phóng viên Báo Bình Thuận về việc này.

Bảng báo giá và chiết khấu hoa hồng đưa về các trường của Công ty cổ phần sách và thiết bị Bình Thuận (Ảnh tác giả)
Bảng báo giá và chiết khấu hoa hồng đưa về các trường của Công ty cổ phần sách và thiết bị Bình Thuận (Ảnh tác giả)

Bà Toàn Thắng cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 884 để thông tin và đề nghị các phòng giáo dục, các trường học phối hợp phòng chống sách giả, sách in lậu vào trường học.

Để kịp thời phổ biến thông tin giúp phụ huynh mua sách đảm bảo chất lượng nhằm chuẩn bị sách cho con em vào năm học mới, sở đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai đến các trường trước khi kết thúc năm học.

Do đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo nội dung này  vào buổi họp phụ huynh cuối năm, nếu  phụ huynh có nhu cầu và tự nguyện thì đăng ký, nếu phụ huynh không đăng ký  thì tự mua bên ngoài.

Sở không yêu cầu các trường học bán sách, mà đây là nhiệm vụ thông tin của nhà trường với phụ huynh nhằm giúp phụ huynh mua sách đảm bảo chất lượng.

Bà Toàn Thắng cũng cho rằng những ý kiến không đồng tình của giáo viên về việc bán sách trong nhà trường chỉ là quan điểm của một vài cá nhân giáo viên thiếu hợp tác với ngành trong việc phối hợp phòng chống sách giả, sách in lậu vào trường học.{1}

Giáo viên phản ứng việc bán sách trong nhà trường là thiếu hợp tác với ngành giáo dục phối hợp phòng chống sách giả, sách in lậu vào trường học?

Nói thêm về chuyện bán sách trong nhà trường

Nhà trường phổ biến việc mua sách bên ngoài nhiều khi gặp sách giả, sách in lậu, sách không đảm bảo chất lượng, mặc dù chưa hẳn thế nhưng giáo viên vẫn truyền tải thông tin đầy đủ đến phụ huynh.

Thế nhưng giáo viên có ý kiến không đồng tình việc bán sách trong trường học được quy kết là “thiếu hợp tác với ngành giáo dục phối hợp phòng chống sách giả, sách in lậu vào trường học…” liệu có thỏa đáng không?

Chuyện vì sợ phụ huynh mua phải sách giả, sách in lậu bên ngoài, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 884 để thông tin và đề nghị các phòng giáo dục, các trường học phối hợp phòng chống sách giả, sách in lậu vào trường học là đúng.

Vấn đề là, công văn chỉ nên dừng ở việc cảnh báo phụ huynh là đủ. Đằng này, sau khi cảnh báo Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Thuận còn yêu cầu nhà trường:

...Tuyên truyền, định hướng phụ huynh đăng ký mua tại trường hoặc tại các đơn vị thuộc hệ thống có bản quyền, không mua sách trôi nổi ngoài thị trường để tránh tình trạng mua phải sách giả, sách in lậu làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh”.

Tiếp theo Công văn ấy là “Danh mục sách VNEN, vở Em luyện viết, sách tiếng Anh của Công ty cổ phần sách và thiết bị Bình Thuận cùng một bảng báo giá, mục trích hoa hồng cho trường...kèm theo” được gửi về các trường học.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận không ghi rõ là bắt buộc nhà trường bán sách, bắt buộc phụ huynh mua sách nhưng lại nói rằng:

Trường học biến thành cửa hàng bán sách, hoa hồng bao nhiêu?

Không bắt buộc nhưng lại có cụm từ Tuyên truyền, định hướng.

Tuyên truyền, định hướng phụ huynh đăng ký mua tại trường hoặc tại các đơn vị thuộc hệ thống có bản quyền, không mua sách trôi nổi ngoài thị trường…”.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: Tuyên truyền là việc đưa ra các thông tin (vấn đề) với mục đích đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng nào đấy mà người nêu thông tin mong muốn.

Còn định hướng nghĩa là "Xác định phương hướng".

Bấy nhiêu cũng đủ thấy, có bắt buộc bán sách trong trường hay không?  

Hiệu trưởng đã tuyên truyền giáo viên nào không nghe? Giáo viên có ý kiến sẽ bị khép ngay vào tội “thiếu hợp tác với ngành trong việc phối hợp phòng chống sách giả, sách in lậu vào trường học”.

Thầy cô đã tuyên truyền, định hướng thì phụ huynh nào không nghe?

Có không thích, có phản đối thì cũng phải bấm bụng để mua cho thầy cô vui lòng.

Giáo viên có nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng phụ huynh đăng ký mua tại trường hoặc tại các đơn vị thuộc hệ thống có bản quyền hay không?

Chúng tôi khẳng định luôn: Giáo viên chỉ có nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh, điều này đã được quy định trong Điều lệ trường học.

Việc tuyên truyền, định hướng để phụ huynh đăng ký mua sách tại trường là làm sai chức trách.

Thầy cô chỉ nên nhắc nhở phụ huynh khi mua sách cần nên cẩn thận và có thể giới thiệu một số cửa hàng có uy tín bên ngoài.

Còn việc tuyên truyền, định hướng để phụ huynh đăng ký mua sách ở trường chẳng khác gì kiểu bắt buộc, chứ cần gì phải nói lên hai từ ấy mới là bắt buộc như nhiều người đang biện minh?

Việc tuyên truyền, định hướng mua sách hãy cứ để nhân viên bán sách ngoài thị trường họ làm.

Chuyện cảnh báo phụ huynh về sách giả, sách nhập lậu là việc nên làm nhưng đã là môi trường giáo dục thì đừng tổ chức bán sách.

Hoa hồng bán sách đi đâu?

Trường Yên Viên bán sách không minh bạch, gây bức xúc

Giá sách hiện nay được các trường bán cho phụ huynh theo đúng giá niêm yết ngoài bìa.

Thế nhưng công ty sách có chiết khấu cho các trường từ 10-15%.

Tỉ lệ chiết khấu này, nếu phụ huynh mua bên ngoài sẽ được các nhà sách giảm giá. Và như thế, phụ huynh sẽ nhận được số hoa hồng chiết khấu ấy cho mình.

Nhưng khi mua sách trong nhà trường, tiền chiết khấu nhà trường nhận. Vậy số tiền này sẽ vào túi ai?

Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết “Số tiền hoa hồng này được các trường chuyển vào Quỹ phúc lợi của trường và được công khai hàng năm để phục vụ chung cho các hoạt động của trường thay vì phải vận động thêm phụ huynh đóng góp”.

Nhưng từ thực tế chúng tôi thấy rằng, sau khi bán sách xong, nhà trường sẽ trích lại cho giáo viên 2 ngàn đồng/bộ.

Khoản tiền còn lại chẳng biết đi đâu vì chưa bao giờ nghe bỏ vào Quỹ phúc lợi của trường và được công khai hàng năm để phục vụ chung cho các hoạt động của trường thay vì phải vận động thêm phụ huynh đóng góp như bà Phó Giám đốc Sở Giáo dục nói.

Nếu không có hoa hồng, không có lợi lộc gì từ việc bán sách thì có trường học nào lại “ôm rơm cho rặm bụng” thế không?

Tài liệu tham khảo:

http://www.baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/khong-ep-buoc-hoc-sinh-mua-sach-tai-truong-118044.html{1}

Đỗ Quyên