Cảnh giác với mác trung tâm luyện thi đại học

12/06/2012 05:59
Theo Phapluat
Trung tâm luyện thi ĐH Nguồn sáng Việt (Alpha 1 ĐHSP). Trong thời khóa biểu, logo của trung tâm này vẫn giữ nguyên tên Alpha 1. Trong khi đó, từ lâu trung tâm này đã không còn là cơ sở luyện thi của ĐH Sư phạm TP.HCM.
Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc

Gần một tuần tìm hiểu các trung tâm luyện thi (TTLT) ĐH tại TP.HCM, nhóm PV Giáo dục Báo Thanh Niên phát hiện ra nhiều chiêu trò của các trung tâm.

Mạo danh trường ĐH

Trường THCS và THPT Nguyễn Tri Phương tại địa chỉ số 44 Hoàng Việt (Q.Tân Bình) treo băng rôn khổ lớn chiêu sinh luyện thi. Dưới tên trường này có hàng chữ Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Vì vậy, Trường Nguyễn Tri Phương quảng cáo luyện thi tất cả các khối, đặc biệt là khối A1 vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Đó là chưa kể dù là trường phổ thông nhưng trường này quảng cáo tuyển sinh chính quy các ngành dược, điều dưỡng, kế toán, tài chính - ngân hàng… bậc TCCN.

Theo tìm hiểu, đây là trụ sở của Viện Khoa học phát triển nhân lực quốc tế Sài Gòn. Giám đốc của Viện này cũng chính là Chủ tịch HĐQT của Trường THCS - THPT Nguyễn Tri Phương. Vì vậy, nơi đây chỉ tiếp nhận thông tin còn đăng ký và học thì phải qua cơ sở chính của Trường Nguyễn Tri Phương ở 61A Bùi Quang Là (Q.Gò Vấp). Trong lúc đăng ký học, chúng tôi được tư vấn nếu tìm thêm được 5 người đến đăng ký thì mỗi người sẽ được giảm học phí 10% khóa đó!

Ông Bùi Mỹ Ngọc - Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Việc hợp tác giữa hai bên chỉ mới dừng lại ở việc Trường Nguyễn Tri Phương bày tỏ ý định này. Chưa hề có bất cứ một hợp đồng hay thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên”.

Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT cấm các trường ĐH mở rộng TTLT. Vì vậy, những trường có nhiều TTLT trước đây như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM… đều không liên kết bên ngoài. Các trường này chỉ tổ chức luyện thi ngay tại cơ sở chính. Tuy vậy, nhiều đơn vị bên ngoài vẫn cố bám víu vào thương hiệu trường ĐH để lôi kéo học viên.

Chúng tôi tìm đến một TTLT tại số 73 Lê Trọng Tấn (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Nơi đây treo một băng rôn rất lớn chiếm cả một tòa lầu với nội dung là Trung tâm ngoại ngữ tin học của ĐH Ngoại ngữ - Tin học. Ngoài dạy Anh văn, tin học, nơi này còn quảng bá luyện thi ĐH. Tiếp chúng tôi, người phụ trách tại đây cho biết trung tâm chỉ nhận luyện thi theo kiểu dạy kèm (một thầy cô kèm 3-4 học viên). Học phí mỗi môn học là 1 triệu đồng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Lý, Phó ban Đảm bảo và thanh tra giáo dục ĐH Ngoại ngữ - Tin học, xác nhận đây là một trung tâm của trường. Tuy vậy, ông Lý khẳng định nơi này không được phép luyện thi ĐH và sẽ đề nghị tháo biển quảng cáo luyện thi ở đây.

Tuy được Sở GD-ĐT cấp phép với tên Nguồn sáng Việt nhưng trung tâm này vẫn cố tình giữ tên cũ là Alpha 1 trước đây khi còn trực thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM. Trên các băng rôn quảng cáo trước 2 cơ sở luyện thi và trên thẻ học viên đều ghi rõ: Trung tâm luyện thi ĐH Nguồn sáng Việt (Alpha 1 ĐHSP). Trong thời khóa biểu, logo của trung tâm này vẫn giữ nguyên tên Alpha 1. Trong khi đó, từ lâu trung tâm này đã không còn là cơ sở luyện thi của ĐH Sư phạm TP.HCM.

Sốc vì clip thí sinh chép bài môn Địa lý tại Bắc Giang
Choáng với clip thí sinh quay cóp môn Văn tại Bắc Giang


Trường THCS - THPT Nguyễn Tri Phương quảng cáo là TTLT của ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Đ.Nguyên
Trường THCS - THPT Nguyễn Tri Phương quảng cáo là TTLT của ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Đ.Nguyên

Hoạt động không phép

Theo quy định, các TTLT ĐH muốn hoạt động phải có giấy phép của Sở GD-ĐT. Hiện nay, Sở này đã cấp phép cho trên 240 cơ sở bồi dưỡng văn hóa, luyện thi ĐH. Nhưng các trung tâm ngoài danh sách vẫn chiêu sinh rầm rộ với nhiều lời chào mời hấp dẫn.

Trong vai phụ huynh, chúng tôi lần theo địa chỉ các tờ rơi quảng cáo chiêu sinh và tình cờ phát hiện ra hàng loạt trung tâm không phép. Rất khó khăn, chúng tôi mới lần qua các con hẻm tới TTLT ĐH Thầy Đồ (đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp). Bảng quảng cáo trước cửa trung tâm ghi tên hàng loạt tên tuổi của các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM… tham gia giảng dạy. Trong khi mức giá ôn tập tại các trung tâm khác khoảng 1-2 triệu/khóa cấp tốc thì ở Thầy Đồ lên đến 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Cũng tại Q.Gò Vấp, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Trường Đạt (đường Quang Trung, P.11) cũng không nằm trong danh sách cấp giấy phép của Sở. Giống như Thầy Đồ, Trường Đạt quảng cáo đội ngũ giáo viên luyện thi thuộc các trường danh tiếng như: ĐH Kinh tế, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM… Học phí và tiền nội trú trọn gói tại trung tâm này hơn 7,5 triệu đồng/tháng (3 môn học). Thế nhưng cơ sở giảng dạy chỉ là một phòng khách diện tích khoảng 18 m2 của một căn nhà.

Tại khu vực Q.6, Q.10, Q.Tân Phú… cũng có hàng loạt TTLT không phép như: Minh Trí, Mạc Đĩnh Chi, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và phát triển giáo dục Hồng Hà, chất lượng cao CFE…

Trao đổi thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Rất khó kiểm soát, xử phạt luyện thi chui, nhưng qua thông tin phản ánh, Sở sẽ tập trung lưu ý. Nếu phát hiện trung tâm nào hoạt động không phép, chúng tôi sẽ xử phạt, yêu cầu họ đóng cửa ngay và trả lại học phí cho học viên. Đồng thời chúng tôi sẽ giới thiệu cho học viên qua những trung tâm có phép đang hoạt động”. Theo ông Đạt, thí sinh có thể liên lạc với Phòng Giáo dục thường xuyên của Sở GD-ĐT TP.HCM, số điện thoại (08)38221418 để biết được danh sách các TTLT được cấp phép hoạt động.

Thí sinh luyện giảm so với năm trước

Theo nhận định của đại diện các TTLT, lượng người đăng ký luyện thi trong tuần đầu tiên sau kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngay tại các trung tâm lớn, số học viên đăng ký những ngày đầu còn từ 50-80% so với năm ngoái. Ông Lê Danh Giáp - Trung tâm bồi dưỡng văn hóa ĐH Sư phạm TP.HCM lý giải: “Gần đây các tỉnh cũng nở rộ nhiều TTLT, các trường THPT cũng có tổ chức ôn luyện nên nhiều thí sinh ở lại tỉnh học. Mặt khác do tình hình kinh tế khó khăn, ở lại tỉnh học xem ra là giải pháp tối ưu”.

Theo ghi nhận, phần lớn thí sinh đăng ký luyện thi khối A. Trong khi đó học viên khối C rất ít ỏi. Theo cô Thu Thủy - nhân viên TTLT ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, số lượng học viên đăng ký khá ít. Các năm trước, chỉ riêng ngày đầu, thí sinh đã đến đăng ký chật kín trung tâm và nhân viên làm việc không ngơi tay. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, thí sinh luyện thi khối C giảm mạnh do năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi khối này vào các trường ĐH rất thấp. Ngoài ra thí sinh khối C có thể ôn thi ở nhà cũng được chứ không nhất thiết phải đi luyện thi.

Sốc vì clip thí sinh chép bài môn Địa lý tại Bắc Giang
Choáng với clip thí sinh quay cóp môn Văn tại Bắc Giang



NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên: Cảnh sĩ tử chuẩn bị... "phao thi"

Chùm ảnh: Sau ngày thi đầu tiên, phụ huynh uể oải, thí sinh tươi cười

Chùm ảnh: Phụ huynh bức xúc vì HS chờ ngoài cổng trường

Chùm ảnh: Các sĩ tử dễ dàng vượt qua môn Hóa

Chùm ảnh: Cùng con vượt "vũ môn"

Những khoảnh khắc ấn tượng ngày đầu thi tốt nghiệp

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng



Theo Phapluat