Trong khi đó, một số vị trí đã nhận bàn giao mặt bằng nhưng vẫn bị người dân cản trở không cho nhà thầu thi công dẫn đến mặt bằng thi công bị chia nhỏ kiểu "xôi đỗ" gây khó khăn cho việc triển khai thi công trên công trường.
Ngoài ra, công tác tái định cư hiện vẫn chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá của ADB trong việc tuân thủ khung chính sách theo điều khoản của khoản vay. Bộ Xây dựng cho biết, việc chậm trễ này chính là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong thi công, làm phát sinh kinh phí cho dự án và có nguy cơ Nhà thầu phạt chủ đầu tư về việc chậm tiến độ bàn giao mặt bằng sạch trước khi thi công theo quy định của ADB.
Một thực tế khác là hiện nay, một số điểm trên tuyến bị người dân tái lấn chiếm, khiếu nại đất đai, giá cả làm cản trở thi công, điển hình là ở Phúc Yên - Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Một trong những tồn tại của quá trình làm đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, theo Bộ GTVT, là việc giá cả của các loại nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, biến động bất thường, nằm ngoài sự kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu, mặc dù dự án đã được điều chỉnh giá.
Thêm vào đó, còn có khó khăn trong việc thu xếp vốn đối ứng thông qua phát hành trái phiếu của VEC do biến động về kinh tế trong nước và quốc tế trong thời gian qua; việc cấp phép khai thác các mỏ vật liệu phục vụ cho dự án do các quy định hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, hạn chế của dự án do ADB tài trợ là các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông chuyên nghiệp có năng lực, kinh nghiệm của Bộ GTVT không được tham gia, do vậy nhà thầu chính chỉ tuyển được các nhà thầu phụ của địa phương hoặc tư nhân có năng lực hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm.
Nhà thầu nước ngoài chưa có nhiều kinh nghiệm thi công đường cao tốc ở Việt Nam nên phải mất nhiều thời gian tìm hiểu - ảnh: Báo GTVT |
Chi phí tăng gần gấp đôi
Trong khi những quy định của ADB khiến cho giá bỏ thầu thấp và không chọn được nhà thầu có năng lực thì khi triển khai dự án, việc giải phóng mặt bằng lại đang đội giá lên gần gấp đôi.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tổng mức đầu tư các tiểu dự án GPMB (tạm tính, gồm cả dự phòng phí) là 1.600 tỷ đồng theo quyết định số 3415/qđ-BGTVT ngày 5/11/2007, với nguồn vốn sử dụng vốn trái phiếu do VEC phát hành có bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, tổng kinh phí dự kiến chi cho GPMB đã phát sinh rất nhiều, lên khoảng 3.187,2 tỷ đồng, tức là suýt soát gấp đôi so với dự tính.
Nguyên nhân gây phát sinh kinh phí GPMB được cho là vì khối lượng đền bù, diện tích đất bị thu hồi sau khi kiểm đếm lại đã có sự sai khác so với tính toán ban đầu.
Ngoài ra, chính sách của Nhà nước về áp giá đền bù có sự thay đổi theo hướng tăng lên. Cùng với đó là việc tăng quy mô một số khu tái định cư; giá nhân công, nguyên vật liệu tăng khiến cho kinh phí xây dựng các khu tái định cư bị vượt so với dự kiến ban đầu. Việc bổ sung các hạng mục xây dựng, sửa chữa các tuyến đường vào các khu tái định cư kinh phí thực hiện chương trình phục hồi thu nhập… cũng là những nguyên nhân được Bộ GTVT nêu ra.
Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn I là 19.000 tỷ đồng (tương đương 1.249 triệu USD, trong đó vay ưu đãi (ADF là 200 triệu USD; vay thông thường (OCR) là 896 triệu USD; kinh phí đối ứng do VEC phát hành trái phiếu có bão lãnh của Chính phủ là 120 triệu USD và 33 triệu USD lãi phát hành trái phiếu công trình.
Hiện nay, giá trị sản lượng xây lắp toàn dự án đến nay đạt 4.251,2 tỷ đồng; giá trị giải ngân đạt 4.444,7 tỷ đồng.