Ngành Giáo dục: Phận 'làm dâu trăm họ' và chỉ ở 'vai' đi kiến nghị, đề xuất

04/03/2024 06:36
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Ngành Giáo dục được ví như phận “làm dâu trăm họ”, nhưng bản thân ngành giáo dục lại hoàn toàn bị động về tài chính và con người.

Ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục và y tế luôn được nhắc tới là 2 lĩnh vực “nóng” nhất. Đặc biệt, với Việt Nam, vốn là một đất nước có truyền thống hiếu học từ bao đời, giáo dục như một lẽ tự nhiên luôn là câu chuyện của mọi người, mọi nhà.

Vị trí và chức năng Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định tại Nghị định 86/2022/NĐ-CP như sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Thực tế, lâu nay, không ít ý kiến trong dư luận vẫn thường nhìn nhận mọi thành công, thất bại của giáo dục đều bắt nguồn từ chỉ đạo, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Song, thực tế Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không phải là cơ quan nhà nước duy nhất quản lý giáo dục. 3 yếu tố chính có vai trò chi phối, quyết định rất lớn đến thành công của một nền giáo dục, bao gồm: con người, tài chính - cơ sở vật chất và chuyên môn (gồm nội dung chương trình, sách giáo khoa, quy hoạch mạng lưới,...).

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có quyền quyền quyết định về chuyên môn. Các vấn đề về tài chính và con người (như tuyển dụng, bổ nhiệm) vẫn hoàn toàn bị động. Điều này khiến công tác quản lý và triển khai các vấn đề về giáo dục và đào tạo gặp không ít khó khăn, bất cập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh: “Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”. [1]

một là (1).gif

Lực lượng nhà giáo - yếu tố được đánh giá là quan trọng quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo. Giáo viên làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định là viên chức.

Về giáo viên, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền điều động giáo viên từ tỉnh này sang tỉnh khác, tương tự kể cả Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương cũng không có quyền điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo không bổ nhiệm được hệ thống dọc, không điều động giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác. Và chỗ thiếu giáo viên thì vẫn cứ thiếu mà chỗ thừa thì vẫn cứ thừa. Bởi vậy, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ bao nhiêu năm qua vẫn là bài toán khó với ngành giáo dục.

Với tư cách là đơn vị đi kiến nghị, đề xuất, sau vài năm tha thiết đi xin, trước thềm năm học 2022-2023, Bộ Chính trị đã chính thức phê duyệt giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 4 năm qua (từ tháng 8/2020 đến 8/2023), cả nước đã có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc.

Hơn 65.000 biên chế giáo viên mới được kỳ vọng sẽ phần nào lấp đầy khoảng trống thiếu giáo viên, tuy nhiên việc thực hiện lại không dễ.

Bởi thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quyền tuyển dụng, mà đây là thẩm quyền của các địa phương. Trong khi đó ở địa phương, rất nhiều nơi khi được giao chỉ tiêu lại không dám tuyển. Vì “để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai. [1]

Bản sao của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam  Thiết kế Doãn Nhàn.gif

Không chỉ về mặt nhân sự, về tài chính, Nghị quyết 29-NQ/TW đã khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.

Điều 96, Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) cũng nêu rõ yêu cầu đảm bảo tối thiểu 20% ngân sách chi cho giáo dục: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở mức 15-19%, nhiều năm chưa đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra. Những phân tích chi tiết đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ở bài viết: Bức tranh ngân sách giáo dục qua những con số (1); Bức tranh ngân sách giáo dục qua những con số (2).

Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo tại các địa phương cũng khác nhau. Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự toán ngân sách cho giáo dục - đào tạo năm 2022 của 63 tỉnh/thành phố cho thấy, chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỉ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số ít địa phương đạt trên 20%; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn không bảo đảm tỉ lệ chi chuyên môn tối thiểu, thậm chí có những địa phương chi dưới 15%.

Về phân bổ nguồn ngân sách chi cho giáo dục, nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng bày tỏ, bản thân ông là Bộ trưởng cũng chưa nắm một cách đầy đủ 20% ngân sách dành cho giáo dục được phân bổ ra sao.

“20% ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số". [2]

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam  Thiết kế Doãn Nhàn (2).gif

Thực tế hiện nay, người nắm tiền, quyết định chi cho việc tu sửa, xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ dạy học,... là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nắm được tình hình chung về cơ sở vật chất ở các nơi và phối hợp thông tin thực tế cho các địa phương để có kế hoạch thực hiện, bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Một nghịch lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo - với tư cách cơ quan quản lý ngành, thường được yêu cầu giải trình, chịu trách nhiệm về các vấn đề thiếu trường lớp, thiếu trang thiết bị, sách vở,... nhưng thực tế Bộ lại không trực tiếp quản lý và điều tiết nguồn ngân sách.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo mặc dù là cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm tổng thể giám sát sự phát triển của ngành trước Quốc hội và nhân dân; nhưng thực tế, Bộ lại không trực tiếp quản lý con người và tài chính. Trong khi đó, đây lại là 2 yếu tố then chốt, như vậy không có “thực” thì làm sao vực được “đạo”?

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhưng 2 vấn đề cốt yếu nhất, ngành giáo dục lại không được tự chủ, khiến công cuộc đổi mới càng thêm gian nan bội phần. Đây chính là cái khó của ngành giáo dục, mà để “gỡ khó” thì không chỉ một mình ngành giáo dục có thể giải quyết được.

Phải chăng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cũng nên bắt đầu từ việc xem xét, thay đổi cơ chế tổ chức, quản lý của ngành giáo dục?

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://thanhnien.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-nganh-giao-duc-nam-tat-ca-moi-thu-tru-hai-thu-1851512220.htm

[2]: http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/tintuc-sukien/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=4461

Doãn Nhàn