Cậu học trò chuyên Hóa và bí quyết phá kỷ lục Đường lên đỉnh Olympia

10/06/2021 06:03
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 4 năm rèn luyện kỹ năng trả lời các câu hỏi trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Thiện Hải An đã xuất sắc lập kỷ lục mới của phần thi Khởi động.

Tập luyện 4 năm và lời “thách đố” phá kỷ lục

Vượt qua 15/17 câu hỏi và mang về 150 điểm tại phần thi Khởi động trong “cuộc đua” tuần 3, tháng 3 quý III, nam sinh Nguyễn Thiện Hải An (lớp 11A1 Hóa, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa xác lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử 21 năm phát sóng của Đường lên đỉnh Olympia.

Với kết quả Khởi động tạo sự cách biệt rõ ràng với các thí sinh khác và liên tục thể hiện tốt trong các phần thi tiếp theo, Nguyễn Thiện Hải An đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế với tổng điểm 410. Đây cũng là số điểm cao nhất của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 (tính đến thời điểm này).

Nguyễn Thiện Hải An chia sẻ, đã có 4 năm tập luyện trước khi chính thức tham gia Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyễn Thiện Hải An chia sẻ, đã có 4 năm tập luyện trước khi chính thức tham gia Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về lý do đến với chương trình, Hải An nhớ lại: “Cả gia đình em đều là khán giả trung thành của chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Vậy nên, ngay từ khi còn rất nhỏ, em đã thường xuyên cùng gia đình đón xem chương trình này, tuần nào cũng “canh me” đúng khung giờ phát sóng để theo dõi, không bỏ sót tập nào. Nhìn các anh chị trả lời như các “nhà leo núi thông thái”, em đã bắt đầu ước mơ sẽ tham dự chương trình.

Đến khi lên lớp 8, em tham dự cuộc thi Chinh phục - Vietnam’s Brainiest Kid mùa thứ 3 (VTV3-VTV6) và trở thành Á quân Chung kết năm, cũng đã xác lập kỷ lục vì trả lời đúng 28 câu hỏi trong vòng 60 giây, em có thêm quyết tâm để tham gia vào Đường lên đỉnh Olympia”.

Nhắc đến bí quyết để tự tin chinh phục cuộc thi, Hải An cho rằng, đó là rèn luyện hình thành “phản xạ” với các câu hỏi: “Đối với bản thân em, tích lũy kiến thức là cả một quá trình và động lực được hình thành qua thời gian. Em tham gia cộng đồng Olympia và được giao lưu, học hỏi với các anh chị đi trước, nhận được rất nhiều điều bổ ích. Tính đến nay, em đã có 4 năm tập luyện trả lời câu hỏi, không hề áp lực, bởi đã biến kiến thức thành kỹ năng, bước vào cuộc thi là trả lời theo thói quen”.

Cậu học trò chuyên Hóa phá kỷ lục phần Khởi động và giành vòng nguyệt quế với điểm số chung cuộc 410. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cậu học trò chuyên Hóa phá kỷ lục phần Khởi động và giành vòng nguyệt quế với điểm số chung cuộc 410. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mặc dù đặt mục tiêu cao trước cuộc thi, cậu học trò chuyên Hóa vẫn không giấu nổi niềm vui khi đã giành vòng nguyệt quế với điểm số cao.

Cậu hài hước chia sẻ: “Lúc bước vào “cuộc chiến” thì em chỉ nghĩ, làm sao cố gắng trả lời nhiều câu hỏi nhất có thể. Thực ra, mục tiêu ban đầu em đặt ra là sẽ phá kỷ lục điểm chung cuộc của năm thứ 21, tức là 400 điểm. Rồi một người bạn khá thân của em, cũng chính là người bạn đã đạt 400 điểm trong năm thứ 21, đã có lời “thách đố” với em ngay trước buổi ghi hình: Nếu phá kỷ lục thì đừng nhìn mặt nhau. Em nghĩ bụng: Thế thì phải thử, xem bạn ấy có làm thế thật không?! Cuối cùng, em đạt được 410 điểm, bạn em dỗi em mất mấy ngày”.

Với thành tích đáng nể trong học tập, nhiều khán giả hy vọng rằng Hải An sẽ tiếp tục khẳng định mình trong các vòng thi sắp tới.

Bí quyết của Hải An chính là biến kiến thức trở thành kỹ năng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bí quyết của Hải An chính là biến kiến thức trở thành kỹ năng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Con nhà người ta” từ tấm bé

Vốn sinh ra trong một gia đình hiếu học, ngay từ nhỏ, Hải An đã chú tâm học tập và luôn là con ngoan, trò giỏi, trở thành hình mẫu “con nhà người ta” từ lúc nào không hay.

Cái tên Nguyễn Thiện Hải An đã từng xuất hiện ở rất nhiều cuộc thi lớn nhỏ, mà với cậu, đó đều là những cơ hội trải nghiệm đáng quý: Huy chương Vàng vòng Mùa Thu, kỳ thi Toán học không biên giới; Huy chương Vàng (Hạng Prize - đạt điểm tuyệt đối cao nhất của cuộc thi) vô địch Toán cấp trung học Úc mở rộng; Huy chương Vàng kỳ thi Toán ở Hoa Kỳ; Giải Nhất môn Hóa học/Khoa học Học sinh Giỏi thành phố; Giải Ba môn Hóa học Học sinh giỏi Quốc gia…

Ngoài ra, Hải An còn cùng đồng đội tham gia hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2020, giành giải Nhất hạng mục Sản phẩm sáng tạo. “Đó là trải nghiệm để em học hỏi được rất nhiều điều, tiếp cận với những kiến thức mới, còn bản thân em đóng góp những kiến thức về Hóa - Sinh”, Hải An cho hay.

Hải An tâm sự: “Thuở nhỏ, em rất yêu thích môn Toán, cứ nghĩ rằng lớn lên mình sẽ gắn bó với môn học này. Nhưng đến khi lên lớp 8, bắt đầu “làm quen” với Hóa học, lại được cô giáo chủ nhiệm (vốn là giáo viên dạy Hóa) truyền cảm hứng rất lớn, bởi mỗi giờ học của cô đều vô cùng sinh động và cuốn hút, nên em đã quyết định chuyển hướng sang đam mê mới.

Lúc đầu, mẹ em không đồng ý, bởi mẹ cho rằng môn Toán sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian được các thầy cô chia sẻ, mẹ cũng tự tìm hiểu và ủng hộ quyết định của em”.

Sở hữu những thành tích học tập “đáng nể”, nam sinh từng được tuyển thẳng vào trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên cho biết, chủ yếu dựa trên khả năng tự học của bản thân.

“Bên cạnh thời gian học tập trên lớp và học nhóm, trao đổi bài tập cùng bạn bè, em dành hầu hết thời gian vào đọc và nghiên cứu tài liệu. Đối với em, tự học sẽ giúp bản thân tích lũy được nhiều kiến thức một cách chủ động hơn việc lao vào học thêm” - cậu chia sẻ.

Chàng trai chuyên Khoa học Tự nhiên rất năng nổ trong các hoạt động xã hội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chàng trai chuyên Khoa học Tự nhiên rất năng nổ trong các hoạt động xã hội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyễn Thiện Hải An cũng từng tự “cày” SAT, tuy không học thêm, nhưng cậu vẫn đạt toàn điểm tuyệt đối SAT2 cả 3 môn: 800/800.

Một trong những “người bạn” đồng hành cùng Hải An qua các chặng đường học tập chính là sách. Cậu bật mí: “Em luôn nhớ lời khuyên của một người thầy: Khi đọc sách, đọc lần 1 sẽ không hiểu gì, đọc 5-7 lần thì bắt đầu hiểu sơ sơ và đọc đến 10 lần thì mới nắm được ý. Bởi vậy, em cố gắng đọc đi đọc lại, kiến thức sẽ thấm dần, rèn luyện hình thành tư duy để liên kết kiến thức với nhau”.

Không chỉ ghi dấu ấn ở những “sân chơi” về kiến thức, Nguyễn Thiện Hải An còn có một đam mê với âm nhạc và từng giành giải Nhất quốc tế sáng tác nhạc Piano do MYC Canana (Music for Young Children) tổ chức lần thứ 32.

Từ “mọt sách” đến đam mê hoạt động xã hội

Nhìn nam sinh lớp 11 năng động góp mặt trong nhiều hoạt động xã hội như hiện tại, ít ai biết rằng, trước đó, cậu từng là một “mọt sách” chính hiệu.

Hải An không ngần ngại giãi bày: “Thực ra, từ lớp 1 đến lớp 9, em chỉ chú tâm vào học, rồi em nhận thấy, nếu mình cứ duy trì như vậy, mình sẽ không năng động, không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài. Vậy nên, em thử tham gia các hoạt động ngoại khóa, thử sức vào các dự án, các câu lạc bộ. Sau khi làm thì thấy yêu thích, và lại muốn làm thêm. Nhờ “nghiện” các hoạt động này mà em mở thêm được nhiều mối quan hệ với bạn bè trên khắp cả nước”.

Không chỉ có thế mạnh về các môn Khoa học tự nhiên hay năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, Hải An còn sở hữu một bí quyết học tiếng Anh vô cùng hiệu quả: “Muốn học giỏi ngoại ngữ, chứ không chỉ đơn thuần là học thuộc ngữ pháp, nên có một sự am hiểu nhất định về văn hóa của nước dùng ngôn ngữ đó. Hiểu được đặc tính tâm lý dân tộc thì sẽ hiểu được những tầng sâu xa hơn trong ngôn ngữ, như thành ngữ tục ngữ; điều đó giúp chúng ta học ngoại ngữ tốt hơn là lấy nền tảng văn hóa của ngoại ngữ đó mà “ốp” vào văn hóa tiếng Việt”.

Hải An cùng các thành viên khác trong Ban Điều hành SOFT.D Project 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hải An cùng các thành viên khác trong Ban Điều hành SOFT.D Project 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi có người “giục” Hải An đi thi IELTS vì học xong lâu rồi, sợ cậu quên; Hải An khẳng định chắc nịch: “Không quên được đâu! Em cho rằng, kiến thức đã thành kỹ năng, chứ không phải là cái mình chỉ học thuộc hay phải nhồi nhét vào đầu, mà mình sẽ lôi ra dùng thường xuyên. Vì vậy, em thấy việc quên kiến thức là điều không hợp lý. Nếu như mình quên kiến thức thì mình cần phải xem lại mình đang học để làm gì? Mình đang học để dùng hay học chỉ để thi?”.

Nam sinh cho biết, sau khi chinh phục Đường lên đỉnh Olympia, sẽ đi thi IELTS và dự định tiếp theo là có thời gian, sẽ tìm hiểu thêm về tiếng Tây Ban Nha, bởi cậu quan niệm: “Việc học ngoại ngữ hiện nay đã không còn chỉ là ưu thế của mỗi học sinh mà đã trở thành điều cần thiết, ai cũng cần phải biết ít nhất một ngoại ngữ, để giao lưu với thế giới, mình không thể “đóng cửa” mãi được”.

Ngân Chi