Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp từ 2025 buộc HS phải thay đổi cách học

06/01/2024 06:34
Sơn Quang Huyến (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thông tin cấu trúc định dạng của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cùng với đề thi minh hoạ.

Trong đó, với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi. Các dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm: câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai; câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Cấu trúc định dạng của kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 cùng với đề thi minh họa đã nhận được sự quan tâm của cả xã hội, đặc biệt là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, giáo viên các trường trung học phổ thông.

Thầy Võ Thanh Minh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: “Tôi thấy đề minh họa môn Vật lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hay, rất mới, đáp ứng được mục tiêu của chương trình 2018.

Đề đã ra theo hướng phát triển năng lực học sinh, không hàn lâm, không đánh đố, có đầy đủ mức độ nhận thức, có tính phân loại. Đề ra vừa kiểm tra được sự vận dụng năng lực học sinh vào việc giải quyết tình huống thực tiễn, vừa làm bật được bản chất vật lý của môn học.

Đề minh họa môn Vật Lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là hình mẫu để các cơ sở giáo dục khi ra đề kiểm tra định kì.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, để ra được đề như vậy đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều và phải nghiên cứu sự vận dụng vào thực tế cuộc sống. Để có thể ra đề kiểm tra như đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo giáo viên phải tự đào tạo, tự đổi mới chính mình.

Việc dạy của giáo viên cũng đòi hỏi sự vận dụng kiến thức liên hệ với thực tế cuộc sống để học sinh hiểu sâu sắc hơn, hứng thú hơn, dễ nhớ, dễ thuộc hơn.

Dạng thức đề cũng thay đổi phù hợp với cách đánh giá mới, hướng đến đánh giá năng lực của người học, học sinh khó có thể “đánh lụi” để kiếm điểm nữa.

Vì thế, giáo viên phải dạy thật, học sinh phải học thật, từng bước sẽ giúp thay đổi cách học, cách thi ở bậc phổ thông theo hướng tiến bộ, thực học”.

Thầy Võ Thanh Minh hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc.
Thầy Võ Thanh Minh hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc.

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Đề thi minh họa môn Ngữ văn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đã bám sát đúng mục tiêu của chương trình 2018 và các yêu cầu về đánh giá hướng đến phẩm chất, năng lực của học sinh.

Học sinh phát huy năng lực tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và không chép văn mẫu được.

Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức 100% tự luận. Ssự “quen thuộc” này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ năng lực viết, đặc biệt là viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Hơn nữa đề cân đối giữa đọc hiểu và viết, giữa nghị luận xã hội và nghị luận văn học, đánh giá được năng lực học sinh mà cũng không đánh đố, không gây hoang mang cho giáo viên và học sinh.

Đề minh họa đã điều chỉnh được phương pháp dạy của giáo viên, khi dạy giáo viên cần bám sát vào yêu cầu cần đạt của từng thể loại.

Giáo viên cần giải mã, cụ thể hóa các khái niệm hàn lâm trong yêu cầu cần đạt cho học sinh một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc.

Đặc biệt, giáo viên phải tự học, tự trang bị tri thức ngữ văn thật sát để chuyển tải đến học sinh, làm được như vậy thì bất kì văn bản nào, tác phẩm nào, ngữ liệu nào học sinh cũng khám phá được….

Tuy nhiên, tôi cũng đang rất chờ đợi và kì vọng vào những ngữ liệu đề thi (không có trong 3 bộ sách giáo khoa) mang tính giáo dục cao, gợi dậy những cảm xúc tích cực, thức tỉnh, khuyến khích sự sáng tạo từ học sinh…”.

Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền (áo tím) - Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du.
Cô giáo Dương Thị Thanh Huyền (áo tím) - Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du.

Thầy giáo Trần Song Hào - Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đánh giá: “Tôi thấy đề minh họa môn Sinh học có bốn điểm mới sau:

Có 3 dạng câu hỏi: dạng lựa chọn nhiều phương án truyền thống chiếm 4,5 điểm; dạng lựa chọn đúng/sai 4 câu = 16 ý, chiếm 4 điểm và dạng điền câu trả lời ngắn chiếm 1,5 điểm. Dạng câu hỏi đã có sự thay đổi đáng kể so với đề thi cũ.

Đề mới tập trung vào lớp 10, cũng chỉ là đề minh họa. Chưa có lớp 11, 12 . 12 là phần đáng quan tâm nhất vì chiếm tỷ lệ đa số trong đề thi trung học phổ thông.

Giảm yếu tố "ăn may" xuống đáng kể. Để đạt 10 tuyệt đối không dễ. Tuy nhiên, học sinh nắm chắc kiến thức Sinh học vẫn có thể đạt điểm cao như thường.

Mục tiêu xét tốt nghiệp phù hợp, xét tuyển đại học tốp trung cũng phù hợp, nhưng xét tuyển đại học tốp cao sẽ khó khăn, cần có sự phân hóa hơn".

Thầy giáo Trần Song Hào (áo xanh), Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu.
Thầy giáo Trần Song Hào (áo xanh), Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu.

Thầy Hào nhấn mạnh: "Để có kết quả tốt, học sinh phải học hiểu bản chất sinh học, hiểu đầy đủ các sự vật, hiện tượng, cơ chế sinh học, chú trọng sự liên hệ kiến thức vào thực tiễn. Học sinh cần rèn luyện cách học cho phù hợp ngay từ lớp 10: bỏ học vẹt, học thuộc theo lối mòn, tăng cường học kiến thức và phải vận dụng được kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Giáo viên nên ứng dụng công nghệ thông tin, AI vào soạn giảng để tăng hiệu quả, hứng thú học tập cho học sinh; sử dụng các phương pháp hiện đại lấy học sinh làm trung tâm: dạy học theo dự án, đặt và giải quyết vấn đề…thường xuyên chuẩn bị bộ câu hỏi để rèn luyện cho học sinh sau mỗi tiết học thì sẽ đảm bảo được kì thi sắp tới”.

Sơn Quang Huyến (ghi)