TS.Lê Thống Nhất khẳng định ViOlympic và IOE không đơn thuần là thi trắc nghiệm.
Khi đưa ra các cuộc thi này, vị "cha đẻ" này chỉ nghĩ là sân chơi mà không bao giờ dùng từ "thi học sinh giỏi", kể cả thể lệ cuộc thi với mong muốn giúp các em chơi mà học để cảm thấy thích học hơn.
Ông Nhất nhấn mạnh, IOE càng không phải cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh vì chỉ thi 3 kĩ năng trong 4 kĩ năng cần rèn luyện với môn ngoại ngữ.
Tuy nhiên với nhiều nơi thì việc rèn được 3 kĩ năng này với sự trợ giúp của IOE đã có nhiều tác dụng.
Thi ViOlympic để cộng điểm xét vào THCS không nằm trong quy định của Bộ GD&ĐT (Ảnh: Báo Infonet) |
TS.Lê Thống Nhất thừa nhận, cuộc thi trên Internet có ưu điểm là lan rộng, dễ tiếp cận, nhưng cũng không tránh khỏi những sự cố do đường truyền, cấu hình máy tính, rủi ro về hệ thống.
Và ngay trong Thể lệ nhấn mạnh là "tự nguyện" và "không lấy kết quả thi để đánh giá giáo viên hay nhà trường" nhưng một số Phòng GD&ĐT hoặc Nhà trường không thực hiện đúng điều này dẫn đến gây sức ép cho nhà trường hoặc giáo viên và tiếp theo là với học sinh.
Theo TS.Nhất, việc cộng điểm để xét vào THCS cũng không có quy định của Bộ vì phân quyền cho các Phòng GD&ĐT. Đây chính là nguyên nhân lớn gây ra cuộc chạy đua thành tích.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số phụ huynh cho thấy cuộc thi ViOlympic đã bị biến tướng trở thành cuộc chạy đua về thành tích khiến các thí sinh tham gia đều mong muốn đạt giải cao và có phần thưởng mang về.
Thậm chí, phụ huynh còn chỉ rõ nguyên nhân rằng, do "phần thưởng của cuộc thi ViOlympic là được tích điểm vào những trường “hot” nên cả tôi và chồng tôi “cố sống cố chết” luyện cùng con với hi vọng con sẽ được tích điểm”.
Vị phụ huynh này cũng thừa nhận đã lập 5 nick cho con đăng nhập thi “nháp” trước khi con sử dụng nick chính để làm bài.