Chấm dứt tình trạng giáo viên xin điều chỉnh kết quả xếp loại được không?

11/06/2020 06:05
Trúc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi giáo viên không ý thức việc dùng quyền lực, mối quan hệ để can thiệp kết quả xếp loại học sinh tạo ra sự mất công bằng thì rất khó chấm dứt tình trạng này

Học sinh tiểu học hiện nay, ngoài môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, tin học (lớp 4,5 có thêm khoa, sử&địa lý) đánh giá bằng điểm số thì những môn học còn lại đánh giá bằng nhận xét.

Bao nhiêu học sinh xuất sắc được giáo viên can thiệp? (Ảnh minh họa: vov.vn)

Bao nhiêu học sinh xuất sắc được giáo viên can thiệp?

(Ảnh minh họa: vov.vn)

Một số giáo viên chủ nhiệm thường can thiệp vào kết quả đánh giá học sinh ở những môn đánh giá bằng nhận xét.

Lý do can thiệp, chủ yếu để thay đổi kết quả xếp loại từ “Hoàn thành” lên “Hoàn thành tốt” với mục đích để được khen thưởng học sinh xuất sắc.

Những học sinh nào thường được thầy cô giáo can thiệp?

Theo quy định, học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện phải đạt: Kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

Ví như trong quá trình đánh giá, học sinh A có điểm kiểm tra các môn đạt 9,10, những môn nhận xét cũng được đánh giá Hoàn thành tốt, riêng môn âm nhạc đánh giá Hoàn thành cũng sẽ không đủ điều kiện đạt học sinh xuất sắc.

Những học sinh như thế này trong lớp đôi khi cũng có nhiều nhưng không phải ai cũng lọt vào danh sách để thầy cô giáo chủ nhiệm can thiệp.

Nếu giáo viên chủ nhiệm dạy thêm, những em được thầy cô can thiệp phần đông là học sinh đi học thêm của các thầy cô giáo ấy.

Với những thầy cô giáo không dạy thêm thì sao? Vì muốn cho lớp có nhiều học sinh xuất sắc, vì là chỗ người quen thân gửi gắm hay chỉ đơn giản vì:

“Thấy tội, thấy thương khi em ấy học rất tốt các môn học kia nhưng chỉ vì vướng một môn học nào đó mà mất đi danh hiệu” nên chính thầy cô thấy tiếc và tự nguyện xin dùm mà không có tư lợi gì khác.

Chấm dứt tình trạng này bằng cách nào?

Phần lớn nhà trường không biết việc các giáo viên “đi đêm” với nhau.

Trong thực tế, việc can thiệp điểm xảy ra cũng khá nhẹ nhàng vì cũng không có nhiều thầy cô giáo cương quyết từ chối khi được đồng nghiệp mình đặt vấn đề.

Có không ít thầy cô suy nghĩ nếu mình cứng rắn, nghiêm khắc quá sẽ làm mất lòng đồng nghiệp cũng không hay.

Ở trong một trường học mà ra đụng vào chạm chẳng nhìn mặt nhau thì vô cùng nặng nề.

Vì những lẽ đó, một số thầy cô giáo khi được đồng nghiệp ngỏ lời cũng thường tặc lưỡi sửa “H- Hoàn thành” thành “T- Hoàn thành tốt”.

Nếu mỗi giáo viên không ý thức được việc dùng quyền lực và mối quan hệ để can thiệp kết quả xếp loại của học sinh tạo ra sự mất công bằng giữa các học sinh với nhau thì rất khó chấm dứt tình trạng này.

Trúc Mai