Chân dung "người đàn ông hay quỳ" ở Hà Nội

23/03/2023 06:38
Hoàng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thay vì đứng, Thầy Michael Lambert khuỵu chân xuống, cúi xuống để có thể trò chuyện “ngang mặt” và nhìn thẳng vào mắt của học trò.

Được học tập trong một môi trường giáo dục tiên tiến, thầy cô luôn trân trọng, lắng nghe học sinh là mong muốn của mỗi gia đình, mỗi học sinh. Câu chuyện chia sẻ trên trang cá nhân của anh Bùi Ngọc Hải (Hà Nội) về một thầy giáo rất đặc biệt của con gái đang khiến cộng đồng mạng chia sẻ rần rần.

Được sự đồng ý của anh Bùi Ngọc Hải, chúng tôi xin chia sẻ bài viết mang tựa đề: "Chân dụng "người đàn ông hay quỳ" ở Hà Nội của vị phụ huynh này.

Chân dung "người đàn ông hay quỳ" ở Hà Nội. Ảnh: NTCC

Chân dung "người đàn ông hay quỳ" ở Hà Nội. Ảnh: NTCC

Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi và Chuột con (nick name của con gái anh Hải - PV) đã có ấn tượng đặc biệt với người đàn ông có 35 năm làm giáo dục chất lượng cao và là chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục. Đó là Mr. Michael Lambert – Tổng hiệu trưởng Trường True North School (TNS), ngôi trường nơi Hà Anh đang tận hưởng những năm tháng cuối của tuổi thần tiên.

Thầy Michael Lambert chắc phải cao cỡ 1,8m, nhưng hình ảnh không hiếm thấy ở TNS là người đàn ông này luôn muốn mình “thấp đi về nghĩa đen” trong mắt học trò. Thay vì đứng, ông thường khuỵu chân xuống, cúi xuống để có thể trò chuyện “ngang mặt” và nhìn thẳng vào mắt của học trò. Thậm chí, với những bạn nhỏ, ông không ngần ngại quỳ một cách hoan hỉ để đập tay học sinh, để mình giống như “một người bạn không hề có khoảng cách về tầm vóc” với chúng.

Chẳng thế mà, ở đâu có Thầy Michael là ở đó có học sinh vây quanh. Sinh nhật Thầy, bọn trẻ tự vẽ tranh, viết thiệp tặng “người bạn hiệu trưởng” mà chẳng cần người lớn thúc giục.

Hình ảnh thường thấy của Thầy Tổng hiệu trưởng Michael Lambert. Ảnh: NTCC

Hình ảnh thường thấy của Thầy Tổng hiệu trưởng Michael Lambert. Ảnh: NTCC

Có 4 điều khiến người đàn ông này được học trò yêu quý, và dĩ nhiên bố mẹ chúng cũng cảm kích. Đây cũng chính là điểm mấu chốt khiến cả tôi và Hà Anh (con gái anh Hải) quyết tâm chọn học nơi đây, dù TNS là ngôi trường mới toanh. Bốn điều đó là:

1/ Giáo dục không áp đặt - Luôn cho học sinh có quyền lựa chọn. Ví dụ Michael luôn hỏi: Con muốn hoàn thành bài tập bây giờ hay là từ 7h – 8h30? Được lựa chọn, đương nhiên đứa trẻ sẽ tự giác hoàn thành. Nguyên tắc để giáo dục thành công chính là thay đổi nhận thức. Từ nhận thức thay đổi, hành vi sẽ thay đổi. Khi đứa trẻ được chủ động lựa chọn, chúng thấy được tôn trọng nên sẽ thoải mái hoàn thành công việc mà không bị ức chế.

2/ Luôn khuyến khích bằng cách "Say Yes": Thầy luôn ủng hộ các đề xuất của học sinh. Ví dụ, học sinh nói: “Con muốn mình triển khai câu lạc bộ này”, thì Thầy Michael sẽ nói: “Đồng ý, vậy thì hãy cùng nhau tạo ra nó. Cho thầy biết kế hoạch của con và thầy sẽ hỗ trợ”. Cách giáo dục này tạo cho đứa trẻ một sự hưng phấn, sự chủ động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm với việc mình làm đồng thời luôn tìm thấy một sự đồng hành tin cậy từ người lớn.

3/ Trao quyền: Dù Michael luôn ủng hộ các đề xuất, sáng kiến mới, nhưng Thầy không làm hộ, làm thay, mà sẽ khuyến khích học sinh chủ động đề xuất giải pháp, trao quyền cho các con, hướng dẫn các con học cách chịu trách nhiệm với những mong muốn của mình chứ không nên đòi hỏi người khác. Đây là cách giáo dục “biết cho đi” để học trò học cách gánh vác và trưởng thành mỗi ngày.

4/ Bao dung và khuyến khích học trò tự chịu trách nhiệm với bản thân. Ví dụ học sinh gãi đầu gãi tai: "Con quên hoàn thành bài tập", thì Michael sẽ nói: “Thầy hiểu. Vậy con có thể ở lại sau giờ để hoàn thành và gửi cho thầy vào 9h không?”. Tất nhiên, chả đứa trẻ nào lại “say No” với một thái độ bao dung như thế từ ông Tổng hiệu trưởng.

Chính vì có một ông Tổng hiệu trưởng với triết lý giáo dục tuyệt vời như vậy, nên các giáo viên khác của trường cũng đều trở thành “những người bạn lớn cực kỳ thân thiện” của học trò.

Có nhiều nơi, từ cổng trường đến sân trường, vẫn chăng đủ loại khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Học trò là trung tâm”, “mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc”, nhưng để biến khẩu hiệu đó thành hành động, lại là một khoảng trống dài vô tận.

Nhìn “người đàn ông quỳ” ở True North School, chợt nhớ đến một câu tôi đã từng nghe ở đâu đó: “Nhiều khi, biết quỳ xuống, người ta lại cao lớn hơn bao giờ hết”.

Ở đâu có Thầy Michael là ở đó có học sinh xúm quanh. Ảnh: NTCC

Ở đâu có Thầy Michael là ở đó có học sinh xúm quanh. Ảnh: NTCC

Thầy Michael luôn lắng nghe và trao đổi cùng học sinh. Ảnh: NTCC

Thầy Michael luôn lắng nghe và trao đổi cùng học sinh. Ảnh: NTCC

Hoàng Mai