Chất lượng đào tạo hệ từ xa còn nhiều băn khoăn, ĐBQH nêu kiến nghị

28/12/2024 06:23
Hải Đường
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - ĐBQH cho rằng hệ từ xa là xu hướng tất yếu nhưng chất lượng đào tạo vẫn là bài toán lớn, cần giải pháp phù hợp nhằm cân bằng giữa số lượng và chất lượng.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay đẩy mạnh tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh trình độ đại học hệ đào tạo từ xa với chỉ tiêu cao vượt trội. Chương trình học trực tuyến 100% được nhiều người học lựa chọn bởi lịch học linh hoạt, thủ tục xét tuyển đơn giản, không yêu cầu thi đầu vào mà bằng cấp có giá trị vĩnh viễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc các cơ sở giáo dục đại học "ồ ạt" tuyển sinh và mở rộng hình thức, phạm vi đào tạo từ xa cũng đặt ra những thách thức nhất định.

Học từ xa là xu hướng nhưng dễ “lợi bất cập hại”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc nhiều người chuyển hướng sang học ngành Ngôn ngữ Anh hệ từ xa để sở hữu bằng cử nhân mà không phải thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang phản ánh rõ những thay đổi trong xu hướng học tập hiện nay.

Một là nhận thức về học tập đã có sự dịch chuyển khi người học không chỉ coi trọng tấm bằng mà còn tìm kiếm sự linh hoạt và tính ứng dụng. Hệ đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu này khi cho phép người học có thể tự do lựa chọn thời gian và địa điểm học tập.

Hai là do áp lực từ công việc và cuộc sống hiện đại khiến việc cân bằng giữa học tập và các trách nhiệm khác trở thành thách thức. Hình thức đào tạo từ xa mang lại sự linh hoạt cần thiết, giúp người học dễ dàng sắp xếp lịch trình cá nhân.

Ba là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi để việc học trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Nó không chỉ xóa nhòa khoảng cách địa lý mà còn mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng.

dbqh trinh thi tu anh.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, dù mang lại nhiều lợi ích như tính linh hoạt và cơ hội tiếp cận giáo dục nhưng hình thức đào tạo từ xa phải đối mặt với không ít thách thức.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng chất lượng đào tạo hệ từ xa vẫn đang là một bài toán lớn. Theo nữ đại biểu, không phải tất cả các chương trình học trực tuyến đều được thiết kế bài bản, dẫn đến tình trạng một số khóa học chưa đáp ứng được chuẩn mực học thuật hoặc kỹ năng thực tế. Điều này làm dấy lên lo ngại về những tấm bằng “ảo”, khi giá trị bằng cấp chưa phản ánh đúng năng lực và kiến thức đạt được của người học.

Một vấn đề khác là hình thức đào tạo từ xa thường thiếu các tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên. Điều này có thể làm hạn chế sự phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm và tư duy phản biện, đây đều những yếu tố thiết yếu trong môi trường làm việc hiện đại.

Đồng thời, khả năng tự học của mỗi sinh viên cũng là một thách thức không nhỏ. Mặc dù đào tạo từ xa mang lại sự linh hoạt nhưng không phải ai cũng đủ kỷ luật và khả năng tự quản lý để học tập hiệu quả. Việc thiếu sự giám sát, động viên trực tiếp từ giảng viên khiến nhiều người dễ rơi vào tình trạng “chểnh mảng” học tập hoặc bỏ lỡ kiến thức quan trọng.

Những thách thức trên đòi hỏi các cơ sở đào tạo không nên chỉ tập trung vào việc mở rộng quy mô mà cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng nội dung học tập hấp dẫn và hỗ trợ hiệu quả cho người học.

"Đào tạo từ xa là xu hướng tất yếu của thời đại nhưng để phát huy hết tiềm năng, cần có sự đầu tư bài bản và giải pháp phù hợp nhằm cân bằng giữa số lượng và chất lượng", bà Trịnh Thị Tú Anh nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, chất lượng hệ đào tạo từ xa cần phải được xem xét và kiểm soát chặt chẽ hơn.

"Tôi cho rằng chất lượng đào tạo từ xa chưa thể tương đương so với hệ đại học chính quy. Bên cạnh những cơ sở giáo dục đào tạo lâu năm, chuyên giảng dạy về các ngành ngôn ngữ thì hiện nay nhiều trường khác cũng mở rộng tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh hệ đào tạo từ xa. Điều này đang tạo ra một xu hướng mới trong giáo dục nhưng cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng của chương trình đào tạo từ xa”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhận định.

Bởi lẽ, chất lượng đào tạo hệ từ xa phụ thuộc rất lớn vào việc các cơ sở giáo dục có thực hiện nghiêm túc các quy định về chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên và thời gian đào tạo hay không? Nếu các yếu tố này không được chú trọng và thực hiện đúng thì chất lượng đào tạo khó có thể đảm bảo.

dbqh nguyen thi viet nga.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Ảnh: quochoi.vn)

Do đó để đảm bảo chất lượng hệ đào tạo từ xa, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng các cơ sở giáo dục cần đầu tư mạnh mẽ vào những yếu tố cốt lõi. Trước hết, đội ngũ giảng viên phải có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm giảng dạy vững chắc và kỹ năng truyền đạt kiến thức hiệu quả.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần được xây dựng một cách bài bản, khoa học và thường xuyên cập nhật để phù hợp với nhu cầu thực tế của người học. Cơ sở vật chất cũng đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi hệ thống học trực tuyến hiện đại, ổn định và tài liệu học tập phong phú, dễ tiếp cận.

Đặc biệt, bà Nga nhấn mạnh rằng, một hệ thống quản lý với chất lượng nghiêm ngặt là yếu tố đặc biệt quan trọng để đảm bảo hiệu quả và đạt được các mục tiêu đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc giữ vững chất lượng cho các chương trình đào tạo từ xa vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý.

Còn theo bà Trịnh Thị Tú Anh, việc nhiều trường đại học, kể cả những trường không có thế mạnh về ngoại ngữ đồng loạt mở các chương trình đào tạo từ xa ngành Ngôn ngữ Anh mà đầu vào quá thấp khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo và mục tiêu thực sự của các cơ sở giáo dục này.

Thứ nhất, không ít trường hiện nay dường như ưu tiên số lượng sinh viên hơn chất lượng đào tạo, tập trung vào việc tăng trưởng quy mô mà chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng giảng dạy.

Thứ hai, việc mở rộng quy mô đào tạo quá nhanh và thiếu sự kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng gia tăng các chương trình đào tạo không đảm bảo chất lượng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành giáo dục khi các chương trình đào tạo không chất lượng sẽ làm giảm niềm tin của xã hội.

Nhằm cải thiện chất lượng đào tạo từ xa ngành Ngôn ngữ Anh, bà Trịnh Thị Tú Anh đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Trước tiên, cần xây dựng một chiến lược toàn diện với các giải pháp cụ thể và đồng bộ. Mặc dù Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học đã quy định rõ các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học, bao gồm các yếu tố như chương trình học, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và chuẩn đầu vào/ra,... song nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa thực hiện đúng nghĩa.

Để đảm bảo chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học cần nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn đã ban hành. Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định cũng là yếu tố then chốt.

Ngoài ra, các quy định trong Luật Giáo dục đại học cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển công nghệ và nhu cầu thực tiễn, đảm bảo "siết chặt" hệ đào tạo từ xa nhằm đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và thiết lập hệ thống công khai danh sách giảng viên dạy trực tuyến cũng là giải pháp cần thiết. Để chất lượng đào tạo được đánh giá một cách khách quan, các cơ quan quản lý cần xem xét thành lập hội đồng đánh giá độc lập, đồng thời công khai kết quả để cung cấp thông tin minh bạch cho người học và toàn xã hội.

Theo Đại biểu Tú Anh, một hệ thống quản lý chặt chẽ với sự phối hợp đồng bộ từ các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý và đơn vị sử dụng lao động sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo từ xa, bảo vệ quyền lợi người học cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.

Có nên ghi rõ hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp hay không?

Khoản 4, Điều 12 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 quy định: "Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau".

Do đó, sinh viên theo học hệ đào tạo từ xa sẽ được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị tương đương sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy. Quy định này nhằm tạo ra sự bình đẳng cho người học và khuyến khích sự phát triển của các hình thức đào tạo linh hoạt.

Một số ý kiến cho rằng việc ghi rõ hệ đào tạo trên bằng tốt nghiệp sẽ giúp nhà tuyển dụng và các nhà quản lý đánh giá chính xác hơn về chất lượng sinh viên và chương trình đào tạo. Mặc dù vậy, cũng có những lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy và hệ từ xa, từ đó tạo ra sự bất công trong tuyển dụng.

Theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, quy định về giá trị pháp lý như nhau đối với bằng tốt nghiệp của tất cả các hình thức đào tạo, bao gồm cả hệ đào tạo từ xa và hệ đại học chính quy là một bước tiến hợp lý trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Mặc dù vậy, để đảm bảo tính minh bạch và giúp nhà tuyển dụng đánh giá chính xác hơn chất lượng đào tạo, bà Trịnh Thị Tú Anh đề xuất rằng nên bổ sung phụ lục kèm theo bằng tốt nghiệp. Phụ lục này sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về hình thức đào tạo, chương trình học, môn học đã hoàn thành cũng như các dữ liệu khác liên quan, giúp người sử dụng lao động đánh giá rõ ràng hơn về quá trình học tập của ứng viên.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng là vô cùng quan trọng, giúp người sử dụng lao động dễ dàng tra cứu và xác thực thông tin liên quan đến các bằng cấp, đồng thời ngăn ngừa các hành vi gian lận như sử dụng bằng không hợp pháp.

Hải Đường