Lỗ hổng lớn của đào tạo từ xa ngành kỹ thuật: SV bị “khuyết” kỹ năng thực hành

07/09/2024 06:22
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc, chương trình đào tạo từ xa nhóm ngành kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu kỹ năng thực hành là một chương trình “khiếm khuyết”.

Ngay sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Đào tạo từ xa ngành kỹ thuật, trường đại học nói chất lượng y như chính quy", nhiều chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học bày tỏ lo ngại về chất lượng của người học bởi các ngành kỹ thuật vốn đòi hỏi nhiều kỹ năng thực hành và sự tương tác trực tiếp với các thiết bị, máy móc.

Đào tạo từ xa nhóm ngành Kỹ thuật sẽ là “lợi bất cập hại”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, không thể áp dụng chương trình đào tạo truyền thống cho hình thức đào tạo từ xa mà không có sự điều chỉnh phù hợp.

Phương pháp học từ xa hay vừa học vừa làm có thể trở thành một xu hướng trong tương lai, phù hợp với tinh thần học tập suốt đời. Tuy nhiên, một trong những nhược điểm của hệ đào tạo từ xa là cần phải thiết kế chương trình phù hợp để đảm bảo sự phát triển toàn diện của người học, bao gồm cả lý thuyết và kỹ năng thực hành. Đặc biệt, đối với các ngành kỹ thuật, kỹ năng thực hành là vô cùng quan trọng.

9c13f401-8a0e-4ad8-8453-1f414001c2a6.jpg
Giáo sư Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Jean-Marc Lavest khẳng định rằng: “Đối với các chương trình đào tạo khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật, kỹ năng thực hành, thực tập là học phần không thể thiếu. Việc xây dựng chương trình đào tạo với tỷ trọng phù hợp giữa khối lượng kiến thức lý thuyết đi kèm thực tiễn rất cần thiết để đảm bảo chất lượng đạt chuẩn đầu ra.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động thực hành, thực tập có thể được tiến hành đa dạng, không nên chỉ giới hạn trong các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành của nhà trường. Cần phải tổ chức để sinh viên có thể thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu hay tại các trường đại học khác trong và ngoài nước”.

Ngoài ra, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhận định rằng, nếu lựa chọn hình thức học từ xa với mục tiêu dễ dàng đạt được bằng cấp, đó là một cách tiếp cận sai lầm từ cả phía người học lẫn nhà tuyển dụng.

“Tôi tin rằng xã hội hiện nay đang phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, các nhà tuyển dụng đang ngày càng quan tâm hơn đến kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như khả năng đóng góp và tạo ra giá trị cho tổ chức của người lao động thay vì chỉ dựa vào tấm bằng mà họ sở hữu”, Giáo sư Jean-Marc Lavest nêu quan điểm.

Tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận định việc đào tạo từ xa nhóm ngành kỹ thuật hiện chưa mang lại bất kỳ tín hiệu tích cực nào.

“Chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật nói chung và các chương trình đào tạo khác bắt buộc phải có 3 điều kiện: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Mỗi cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng đầy đủ các tín chỉ đào tạo về lý thuyết và thực hành. Với hệ đào tạo từ xa cho các ngành kỹ thuật, theo tôi, sinh viên đa số chỉ nắm được những kiến thức lý thuyết cơ bản mà mất đi phần kỹ năng thực hành.

Khi học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, sinh viên sẽ được sử dụng những cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của nhà trường, được thực hành trực tiếp dưới sự hướng dẫn sát sao của giảng viên và được “cầm tay chỉ việc”. Điều đó cũng là một trong những lí do khiến việc đào tạo từ xa nhất là đối với các ngành kỹ thuật bị giảm giá trị, đặt ra câu hỏi rằng sinh viên phải áp dụng kiến thức vào thực tế như thế nào khi tất cả đều dựa trên lý thuyết?

Nếu chương trình đào tạo từ xa dạy “khiếm khuyết” chỉ ưu tiên kiến thức lý thuyết mà bỏ quên thực hành thì không phải là một chương trình đào tạo tốt cho dù nó phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác”, thầy Trần Thiên Phúc cho biết.

thay phuc.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Cũng đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Thái Tân, giảng viên khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc đào tạo từ xa các ngành kỹ thuật là “lợi bất cập hại”.

Theo thầy Tân, một trong những thách thức lớn nhất của việc đào tạo từ xa các ngành kỹ thuật là thiếu điều kiện thực hành trực tiếp. Với sự phát triển công nghệ hiện đại ngày nay, các cơ sở đào tạo hoàn toàn có thể sử dụng phần mềm mô phỏng hoặc phòng thí nghiệm ảo nhưng những công cụ này không thể thay thế hoàn toàn trải nghiệm thực tế với các thiết bị và máy móc. Điều này có thể hạn chế khả năng phát triển kỹ năng thực hành của sinh viên, một yếu tố quan trọng trong đào tạo ngành các ngành kỹ thuật.

Tương lai nào cho hệ đào tạo từ xa nhóm ngành kỹ thuật?

Dự đoán về khả năng phát triển của chương trình đào tạo từ xa nhóm ngành kỹ thuật trong tương lai, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc cho biết: “Trước mắt, tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào cho việc triển khai đào tạo từ xa đối với các ngành kỹ thuật và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng không có kế hoạch mở hệ đào tạo từ xa cho các ngành học này.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có chủ trương thúc đẩy việc học tập theo hình thức đào tạo từ xa nhằm mở rộng cơ hội cho người học, tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp với các ngành học tập trung vào lý thuyết. Đối với những ngành đòi hỏi nhiều về thực hành, đào tạo từ xa sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Thái Tân cho rằng tương lai của hệ đào tạo từ xa các ngành kỹ thuật sẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm sự phát triển của công nghệ, chất lượng chương trình học và cách tiếp cận giáo dục của cả người học lẫn các nhà tuyển dụng.

Với sự tiến bộ của công nghệ giáo dục, đặc biệt là việc ứng dụng các công cụ thực tế ảo và mô phỏng, hệ đào tạo từ xa có nhiều tiềm năng để nâng cao chất lượng giảng dạy và cải thiện các khóa học thực hành. Tuy nhiên, để hệ đào tạo này thực sự hiệu quả, việc đảm bảo sinh viên có cơ hội rèn luyện đầy đủ kỹ năng thực hành cần thiết vẫn là một thách thức lớn.

KY THUAT.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô thực hành trực tiếp tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: NTCC)

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư Jean-Marc Lavest cho rằng nếu hệ đào tạo từ xa các ngành kỹ thuật trở nên phổ biến trong tương lai, các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu kỹ lưỡng các chương trình đào tạo. Cần đảm bảo rằng nội dung lý thuyết được cân bằng với các hoạt động thực tiễn và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình học.

Đối với các ngành kỹ thuật, việc thực hành và hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo rất quan trọng. Các hoạt động thực hành và thực tập tại trường cũng như doanh nghiệp nên được tích hợp vào chương trình đào tạo. Nội dung và chất lượng các hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp cần phải được nhà trường giám sát, đánh giá và kiểm tra thường xuyên.

Thúy Hiền