Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh khoa học công nghệ, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI).
Theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; Việt Nam là trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI mạnh; xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm về AI (đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư triển khai ứng dụng AI. Tăng nhanh số lượng các công trình khoa học, đơn đăng ký sáng chế về AI của Việt Nam).
Tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, Trí tuệ nhân tạo (7480107) là một trong những ngành mới được bổ sung vào danh sách và có hiệu lực áp dụng từ ngày 22/7/2022, thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và máy tính.
Trên thực tế, những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo được đưa vào giảng dạy tại một số cơ sở giáo dục như một ngành, hoặc chuyên ngành, hoặc chương trình đào tạo với các tên gọi khác nhau là: Trí tuệ nhân tạo; Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Kinh doanh số và Trí tuệ nhân tạo; Robot và Trí tuệ nhân tạo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi cơ sở giáo dục đại học giảng dạy về trí tuệ nhân tạo lại có mức học phí, chỉ tiêu, điểm trúng tuyển và phương thức xét tuyển khác nhau.
Năm 2024, điểm trúng tuyển cao nhất 28,3 điểm
Về điểm trúng tuyển, trong hai năm tuyển sinh gần nhất (năm 2023 và năm 2024), điểm trúng tuyển đối với ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo về AI giữa một số cơ sở giáo dục đại học cũng có sự khác biệt.
Qua tìm hiểu, năm 2024, trong số các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh ngành/chuyên ngành/chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo, xét theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho thấy, ngành Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn cao nhất với 28,3 điểm (tăng 0,5 điểm so với năm 2023).
Tiếp đó là chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm trúng tuyển là 28,22 điểm (giảm 0,58 điểm so với năm 2023).
Điểm trúng tuyển ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2024 là 27,12 điểm (giảm 0,08 điểm so với năm 2023).
Chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có điểm trúng tuyển năm 2024 là 27,11 điểm (tăng 0,66 điểm); chuyên ngành Kinh doanh số và Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có điểm trúng tuyển năm 2024 là 26,4 điểm (tăng 0,02 điểm so với năm 2023).
Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có điểm trúng tuyển ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo là 25,1 điểm (tăng 0,56 điểm so với năm 2023).
Trường Đại học Hoa Sen có tuyển sinh và đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo, mức điểm trúng tuyển chưa đến 20 điểm. Cụ thể, năm 2024, ngành Trí tuệ nhân tạo của nhà trường có điểm trúng tuyển là 18 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2023).
Đại học Kinh tế Quốc dân có điểm trúng tuyển ngành Trí tuệ nhân tạo là 34,5 điểm, trong đó điểm môn Toán nhân hệ số 2.
Có trường thu học phí lên đến 67 triệu đồng/năm học
Không chỉ chênh lệch về điểm trúng tuyển, một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo về trí tuệ nhân tạo cũng có mức học phí khác nhau.
Theo bảng số liệu trên cho thấy, trong năm học 2024-2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn đầu về mức học phí đối với sinh viên học chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, dao động 64-67 triệu đồng/năm học (áp dụng cho chương trình tiên tiến). Mức học phí này có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 10% mỗi năm.
Chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội (là chương trình tiên tiến) được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế; 100% môn học được dạy bằng Tiếng Anh, với thời lượng thực hành và thực tập tại doanh nghiệp lớn nhằm đào tạo ra các nhà khoa học dữ liệu chất lượng cao, sẵn sàng cho đòi hỏi nhân lực của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và trên thế giới.
Ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) quy định học phí đối với ngành Trí tuệ nhân tạo khoảng hơn 30 triệu đồng/năm học.
Trong đó, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu rõ mức học phí có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 15% mỗi năm.
Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) quy định chi tiết dự kiến mức học phí các năm học như sau:
Cụ thể, ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có thời gian đào tạo 4 năm; sinh viên cần tích lũy 124 tín chỉ (chưa bao gồm các học phần Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng – an ninh). Trong nhóm các học phần tự chọn, sinh viên có thể lựa chọn định hướng Phương pháp trong trí tuệ nhân tạo hoặc Trí tuệ nhân tạo liên ngành.
Ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo trong 3,5 năm (ít hơn 0,5 năm so với Trường Đại học Công nghệ); sinh viên cần tích lũy tối thiểu 128 tín chỉ (nhiều hơn Trường Đại học Công nghệ 4 tín chỉ). Trong đó, sinh viên cần học tối thiểu 8 tín chỉ các môn tự chọn theo một trong các định hướng: Trí tuệ nhân tạo – Máy học; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Thị giác máy tính và Tính toán đa phương tiện.
Cũng theo bảng số liệu trên, năm học 2024-2025, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có mức học phí khoảng 28 triệu đồng. Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường, lộ trình tăng học phí từng năm theo quy định của nhà nước.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) quy định mức học phí đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt khoảng 27,5 triệu đồng/năm học; còn học phí đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh khoảng 57,6 triệu đồng/năm học.
Ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo trong 4 năm học; mức học phí là 24,6 triệu đồng/năm học (học phí thực tế trong từng học kỳ phụ thuộc số tín chỉ sinh viên đăng ký học trong học kỳ, đơn giá học phí năm học 2024-2025 là 500.000 đồng/tín chỉ). Học phí các năm học tiếp theo tăng bình quân không quá 10% /năm học.
Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh về Trí tuệ nhân tạo có sự chênh lệch lớn giữa các trường
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành/chuyên ngành/chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo có sự khác nhau về chỉ tiêu tuyển sinh theo từng năm.
Nhìn chung theo bảng số liệu trên, cả hai năm tuyển sinh 2023 và 2024, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có số lượng chỉ tiêu dành cho ngành Trí tuệ nhân tạo nhiều nhất trong số các trường mà phóng viên thống kê. Theo đó, năm 2023, ngành này tuyển sinh với 130 chỉ tiêu, năm 2024 tuyển sinh với 240 chỉ tiêu (tăng hơn 100 chỉ tiêu so với năm 2023).
Năm 2023 và năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh Chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với 100 chỉ tiêu/năm tuyển sinh - số lượng chỉ tiêu ổn định qua từng năm tuyển sinh.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo năm 2023 với 50 chỉ tiêu.
Trong khi đó, năm 2023, ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ tuyển sinh với 20 chỉ tiêu và có 15 sinh viên nhập học. Đến năm 2024, nhà trường tiếp tục tuyển sinh ngành này với 40 chỉ tiêu (tăng 20 chỉ tiêu so với năm 2023).
Xét tuyển chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Phương thức tuyển sinh cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Theo ghi nhận của phóng viên, năm 2024, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành/chuyên ngành/chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo đều sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Ngoài ra, một số trường sử dụng các phương thức khác như sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển thẳng.
Cụ thể, ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng các phương thức tuyển sinh như: xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển; xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển.
Ngành Trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) sử dụng các phương thức như: xét tuyển theo kết quả tổ hợp môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (bao gồm cả dự bị đại học); xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế.
Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh Chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với một số phương thức như: xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy; xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có các phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; và sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo với các phương thức như: xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét kết quả học tập trung học phổ thông theo điểm trung bình 3 học kỳ; xét kết quả học tập trung học phổ thông theo tổ hợp 3 môn lớp 12; xét kết quả thi đánh giá năng lực.
Ngoài sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng, năm 2024, Trường Đại học Hoa Sen tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo với các phương thức sau: xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (xét học bạ); sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển.