Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 6/3 đã lên án mạnh mẽ lập trường của Nga về Ukraine và cảnh báo sẵn sàng đưa ra biện pháp trừng phạt nước này trong những ngày tới nếu Moscow không ngừng việc gây sức ép và tham gia các nỗ lực hòa bình.
Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh AP) |
Sau vòng 6 giờ đàm phán căng thẳng để đi đến một phản ứng chung, 28 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đã nhất trí đưa ra các biện pháp trừng phạt 3 giai đoạn. Đầu tiên là việc tạm dừng ngay lập tức các cuộc đàm phán về nới lỏng thị thực cho người Nga cũng như các cuộc thảo luận hiệp về ước kinh tế mới.
Tuyên bố yêu cầu Nga tiến hành đàm phán với Ukraine trong vài ngày tới, và phải "đưa ra kết quả trong một khung thời gian hạn chế. Trong trường hợp không đạt được kết quả nào như vậy thì Liên minh châu Âu sẽ quyết định đưa ra các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như cấm đi lại, phong tỏa tài sản và hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh EU-Nga" vào tháng Sáu.
Trong giai đoạn thứ ba, bất kỳ bước đi nào của Nga "gây mất ổn định tình hình ở Ukraine đều sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng cho các mối quan hệ (Nga-EU)... và sẽ bao gồm một loạt các hậu quả trong lĩnh vực kinh tế."
AFP dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, "Chúng tôi phải đảm bảo rằng Nga và Ukraine sẽ nói chuyện với nhau. Nga có thể sẽ thấy rất rõ hậu quả”. Về phần mình, Anh sẽ tìm cách xem xét lại việc bán vũ khí cho Nga. "Tôi sẽ kêu gọi những nước khác cũng làm như vậy".
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk cũng tham dự các cuộc đàm phán để thảo luận về những gì mà chủ tịch EU Herman Van Rompuy gọi là "có lẽ thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh trên lục địa (Châu Âu) kể từ cuộc chiến tranh Balkan" trong những năm 1990.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ca ngợi ông Yatsenyuk cùng chính phủ về những "phản ứng thận trọng" của họ trước các đe dọa quân sự từ Moscow. EU cũng cam kết sẽ nhanh chóng thông qua gói viện trợ khổng lồ trị giá 11 tỷ euro cho Ukraine và ký một thỏa thuận liên kết với Kiev trước khi nước này tiến hành cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng 5 tới.
Đinh Giang