Cháu Nguyễn Ngọc Huyền (Nam Trung Yên, Hà Nội) là học sinh Trường Trung học cơ sở Nam Trung Yên đã chia sẻ nhưng lo lắng của mình với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, về kì thi mà cháu sắp tham dự để vào lớp 10 Trung học phổ thông năm 2019 - 2020.
“Năm nay cháu cũng rất lo vì sợ thi không đỗ, môn toán cháu học rất tốt với điểm thi luôn trên 8 còn các môn khác cháu học bình thường, cháu hy vọng đề thi năm nay các môn hợp với lực học của mình.
Môn sử thì ở lớp thường được ôn theo đề cương nên cháu cũng làm được bài, còn đi thi như thế thì cháu cũng không biết phải làm thế nào. Hiện nay cháu đang học lịch Sử từ phần 19 đến 54 chứ chưa học đến những phần có thể sẽ là đề thi.
Phần 13 câu hỏi về lịch sử thế giới thì đến nay vẫn chưa ôn tập lại, theo cô giáo thì cứ học kĩ phần lịch sử Việt Nam trước rồi mới đến phần lịch sử thế giới, cháu thấy rất lo vì vẫn chưa được ôn tập phần này, cũng không đi học thêm mà lại sắp thi rồi.
Nếu đề thi môn Văn đúng vào bài cháu học thuộc thì sẽ được điểm cao còn bài không thuộc thì cháu cũng không chắc đã làm được. Môn này hay bị quên kiến thức vì quá nhiều nội dung và cả năm có 36 tác phẩm trong phạm vi ra đề thi”.
Năm nay Hà Nội có hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, khoảng 60% được tuyển vào lớp 10 công lập. Ảnh minh họa - Tùng Dương. |
Lo tiếng Anh và lịch Sử.
“Với môn tiếng Anh cháu tập trung vào học ngữ pháp, từ vựng và các cấu trúc câu đặc biệt được ôn theo đề trên lớp hàng ngày, cháu chỉ học thêm tiếng Anh tại nhà do cô giáo dạy chứ không theo học tại các trung tâm.
Còn về điểm tổng kết các năm học trước cháu đều đạt loại giỏi mà năm nay lại không được cộng vào điểm thi nên cháu cũng thấy hơi tiếc, nhưng thôi cháu nghĩ là bạn nào cũng vậy ạ”, cháu Huyền chia sẻ.
Theo hộ khẩu thì cháu Huyền sẽ học ở Quận Hai Bà Trưng nhưng hiện tại gia đình cháu lại đang ở khu Nam Trung Yên
“Cháu đã đăng kí vào trường Nhân Chính, nhưng năm nay trường có 540 chỉ tiêu vì vậy việc cạnh tranh cũng không đơn giản, còn nếu đăng kí nguyện vọng 2 là trường Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) thì lại quá xa nhà nên cháu lo mình không đủ sức khỏe.
Giữa nguyện vọng 1 và 2 các trường chênh lệch tới 4 điểm mà xung quanh khu vực nhà cháu ở thì không có trường nào, đó cũng là điều cháu đang băn khoăn”.
Chị Nguyễn Ngọc Lan mẹ cháu Huyền chia sẻ: “Về các môn phải học thuộc thì tôi cũng yên tâm phần nào, chỉ có môn tiếng Anh là từ trước đến nay cháu không học thêm ở các trung tâm trong khi nhiều bạn lại học thêm ở trung tâm từ lớp 1.
Hai môn thi là tiếng Anh và lịch Sử thì cháu nhà tôi hơi yếu nhưng đến thời điểm này thì cũng phải động viên, đành trông vào lực học của cháu thôi chứ gia đình tôi cũng không biết phải làm thế nào nữa vì còn gần 1 tháng nữa là cháu phải thi rồi”.
Nên duy trì cộng điểm?
Cũng theo chị Lan: “Việc kì thi vào lớp 10 năm nay không được cộng điểm của 4 năm học trước thì tôi thấy khá là thiệt cho các cháu.
Việc cộng điểm nên duy trì vì đó cũng là một động lực rất mạnh để khuyến khích các cháu học tập. Hơn nữa là năm ngoái các cháu chỉ thi 2 môn mà lại còn được cộng điểm ở Trung học cơ sở nên cũng có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn năm nay.
Gia đình tôi cũng hướng cho cháu thi vào Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, trường đó cũng tốt và lại gần nhà sẽ tiện cho việc học của cháu, nhưng hiện tại cháu và các bạn cùng lớp muốn thi vào trường ở xa hơn nên gia đình tôi cũng chưa biết phải tính làm sao, có lẽ tôi sẽ tôn trọng quyết định của cháu mặc dù rất lo vấn đề an toàn giao thông hàng ngày”.
Phụ huynh lưu ý
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường - Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Cha mẹ không tạo thêm áp lực cho con mà hãy đồng hành cùng con trong kỳ thi vào lớp 10 Trung học phổ thông.
Vấn đề của học sinh trước mỗi kì thi là học, sức khỏe, nhưng vấn đề của phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Việc tìm và chọn lớp học thêm, chăm sóc sức khỏe, xem xét hồ sơ thủ tục và cùng con chọn trường là những khó khăn đối với cha mẹ.
Phụ huynh cần tìm hiểu và nắm đầy đủ về quy chế tuyển sinh, hồ sơ, thủ tục, chỉ tiêu tại trường Trung học phổ thông mà con theo học, các môn thi, thời gian, lộ trình ôn tập để hiểu con cần gì, hỗ trợ con những thông tin về kỳ thi, tránh việc để con tự lo hoặc chỉ trông vào nhà trường.
Cần nắm bắt được vấn đề của con để chia sẻ vướng mắc và bàn cách xử lý, hãy tư vấn định hướng, gợi ý chứ không nên áp đặt con theo ý của mình như phải học trường này hay lớp kia.
Khi con được học môn mình chọn, con sẽ hướng đến mục tiêu đã đặt ra thì hiệu quả việc học chắc chắn sẽ cao hơn khi con bị ép buộc.
Không ít phụ huynh bị tâm lý “con nhà người ta” dẫn đến lo lắng thái quá nên đã vô tình đặt thêm áp lực trên con trẻ vốn đã bị quá nhiều áp lực từ việc học, và nếu học sinh bị áp lực lớn từ gia đình sẽ rất khó tiếp thu kiến thức”.
2019-2020 là năm học đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi 4 môn để xét tuyển vào lớp 10 công lập. 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được xác định từ tháng 10/2018. Riêng môn Sử ngày 11/3 mới được công bố. Ngày 2-3/6, thí sinh sẽ thi vào lớp 10. Toán và Ngữ văn sẽ thi tự luận; Ngoại ngữ kết hợp trắc nghiệm và tự luận; Lịch sử thi 100% trắc nghiệm. Đề thi gồm câu hỏi theo chương trình Trung học cơ sở, chủ yếu ở lớp 9. Năm nay Hà Nội có hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, khoảng 60% được tuyển vào lớp 10 công lập, còn lại vào trường tư thục, giáo dục thường xuyên và trường nghề. Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Ngữ văn) x2 + Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm thi môn thứ 4 + Điểm cộng thêm (nếu có). |