Không quân Mỹ ca ngợi F-35: không chiến tầm xa xuất sắc
Trang mạng "Thời báo Không quân" (Air Force Times) Mỹ ngày 24 tháng 9 dẫn một tài liệu nội bộ do Văn phòng Tư lệnh Không quân Mỹ Deborah Lee James tiết lộ cho biết, nhà lãnh đạo không quân luôn "giải thích chúng ta tại sao cần máy bay chiến đấu F-35" với phi công.
Máy bay chiến đấu F-35 Mỹ |
Bản ghi chép nội bộ đánh dấu "không thể công khai" dài 8 trang này tiến hành chỉ đạo từng bước một đối với phi công, cho họ biết làm thế nào để "vạch trần những thông tin không chính xác và không thực tế của truyền thông đối với loại máy bay quân dụng mới gây tranh cãi này".
Bản hướng dẫn này được tiết lộ trước tiên bởi blogger "Công dân", nó hầu như là sự phản hồi của nhà lãnh đạo quân đội đối với những chỉ trích dành cho máy bay F-35 Lightning 2, trong đó bao gồm những chỉ trích đối với máy bay này trên các phương diện như không thể triển khai không chiến, chi phí chế tạo quá cao và có hạng mục lạc hậu so với kế hoạch dự tính.
Bản hướng dẫn này cho biết: "Do một loạt trở ngại trước năm 2010 của chương trình này và điểm yếu của tính năng dự kiến, rất nhiều phương tiện truyền thông cho biết, chi phí chế tạo máy bay này quá cao, hơn nữa chương trình luôn lạc hậu so với kế hoạch dự định, không thể hoàn thành nhiệm vụ quy định.
Cơ quan đối ngoại của không quân cần phải tiến hành chuẩn bị tốt, đối mặt với những thông tin không đúng sự thực, giải thích với bên ngoài về những đóng góp đặc biệt và quan trọng của máy bay này đối với tác chiến liên hợp".
Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 Mỹ |
Bản hướng dẫn này đã liệt kê rất nhiều ưu thế của máy bay này, chẳng hạn năng lực điện tử tàng hình tiên tiến, có thể tiến hành tác chiến chống phòng không, đồng thời đã tiến hành nâng cấp trước loại máy bay kiểu cũ - đã tăng tính năng cần thiết của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Đồng thời, bản chỉ dẫn này cũng đã liệt kê một số điểm yếu chính của máy bay này cùng với việc phi công cần phải trả lời những vấn đề này như thế nao khi bị hỏi.
Khi trả lời máy bay chiến đấu F-35 do Công ty Lockheed Martin chế tạo phải chăng có thể cung cấp chi viện trên không cự ly gần như máy bay chiến đấu A-10,
bản hướng dẫn này dạy phi công nói: "Bất cứ sự so sánh nào đối với máy bay chiến đấu F-35 cũng cần phải đánh giá toàn diện hơn, chứ không phải so sánh đơn giản giữa một chiếc máy bay với một chiếc máy bay khác".
Tháng 6 năm nay, trang mạng "War is Boring" Mỹ đã công bố một tài liệu nội bộ. Tài liệu này bao gồm sự phê phán gay gắt của một phi công thử nghiệm về máy bay chiến đấu F-35, cho biết máy bay chiến đấu này không thể chiến thắng máy bay chiến đấu F-16 loại cũ trong diễn tập tác chiến đường không.
Biên đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Mỹ |
Tài liệu này cho biết: "Trong mỗi cuộc giao chiến, máy bay chiến đấu F-35A đều ở thế bất lợi rõ rệt về động lực. Mặc dù sự thực đã chứng minh máy bay này có thể tiến hành bay góc tấn lớn, nhưng do thiếu tính cơ động, không thể tiến hành tấn công có hiệu quả".
Người phụ trách Bộ tư lệnh tác chiến Không quân Mỹ, thượng tướng Herbert Carlisle cho biết: "Tôi biết các phương tiện truyền thông đã tiến hành đưa tin rất nhiều về việc so sánh giữa máy bay chiến đấu F-16 với máy bay chiến đấu F-35".
Tướng Herbert Carlisle còn cho biết, máy bay chiến đấu F-35 có "biểu hiện xuất sắc" trong giao chiến trên không cự ly xa, nhưng, máy bay thiết kế riêng cho không chiến cự ly gần là máy bay chiến đấu F-22.
Na Uy sẽ nhận lô máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên để "đối phó Nga"
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 23 tháng 9 dẫn trang mạng tin tức "Russia Today" Nga ngày 22 tháng 9 đưa tin, lô 2 máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên do Công ty Lockheed Martin chế tạo cho Na Uy hiện chính thức rời dây chuyền sản xuất, Na Uy bày tỏ hoan nghênh đối với vấn đề này.
Máy bay chiến đấu F-35C hạ cánh trên đường bằng tàu sân bay USS Nimitz ở ngoài khơi bờ biển California, Mỹ (ảnh tư liệu) |
Na Uy cho rằng, Nga đang không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này, 2 máy bay chiến đấu này sẽ là biện pháp đáp trả của Na Uy đối với vấn đề này.
Ngày 22 tháng 9, tại dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-35 ở Fort Worth, bang Texas Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Sёreyde đã chúc mừng thời khắc này.
Lô máy bay chiến đấu đầu tiên sẽ bàn giao cho Na Uy sử dụng vào năm 2017, dự tính sẽ đưa vào triển khai năm 2019.
Bà Ine Eriksen Sereyde cùng ngày cho biết: "Chúng tôi đều biết F-35 không chỉ là một người chiến sĩ. F-35 đem lại năng lực chưa từng có trước đây cho chúng tôi, nó là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất cho đến nay".
Theo bài báo, trước đó, bà Sereyde trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters Anh ám chỉ Nga "rõ ràng phô trương sức mạnh" ở biển Baltic. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Na Uy Admiral Haakon Bruun-Hanssen tiết lộ, tính năng máy bay chiến đấu bay trên khu vực biển Baltic gần đây của Nga "tốt hơn rất nhiều so với trước".
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Sereyde (giữa) |
Theo bài báo, là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, F-35 có tính năng tốt, có chức năng tránh né radar, chức năng phát hiện mối đe dọa tiềm tàng ở phía trước.
Nhưng, máy bay chiến đấu này đắt đỏ, mỗi chiếc giá cao tới 150 triệu USD, rất nhiều vấn đề tồn tại của bản thân máy bay chiến đấu cũng gây tranh cãi liên tục. Khuyết điểm của nó bao gồm một loạt sự cố phần cứng và lỗi nhỏ phần mềm.
Theo một báo cáo khảo sát của hãng tin CNN Mỹ, trong không chiến, máy bay chiến đấu F-35 khi cận chiến thậm chí không thể chiến thắng máy bay chiến đấu F-16, loại máy bay sẽ bị nó thay thế.
Mỹ không cung cấp công nghệ lõi F-35 cho Hàn Quốc
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 22 tháng 9 đưa tin, Cơ quan sự nghiệp phòng vệ Hàn Quốc cho biết, Mỹ gần đây đã bác bỏ việc Công ty Lockheed Martin chuyển nhượng 4 công nghệ lõi của máy bay chiến đấu F-35 cho Hàn Quốc, bao gồm radar AESA, thiết bị dò tìm theo dõi tia hồng ngoại, thiết bị theo dõi quang học điện tử và thiết bị gây nhiễu sóng điện tử.
Mô hình máy bay chiến đấu KF-X Hàn Quốc |
Đối với vấn đề này, Tham mưu trưởng Không quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết: "Mỹ không cung cấp 4 công nghệ này, chương trình nghiên cứu máy bay chiến đấu Hàn Quốc (KF-X) cũng sẽ không có vấn đề".
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, đối với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ mới (F-X), họ đang thúc đẩy 25 thỏa thuận, trong đó 21 thỏa thuận đang được Mỹ tích cực xem xét cấp phép, dự tính sẽ tiến hành chuyển nhượng thuận lợi vào tháng 11.
Do Chính phủ Mỹ từ chối cấp phép chuyển nhượng 4 công nghệ như radar, Hàn Quốc có kế hoạch tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ từ châu Âu.
Có phân tích cho rằng, Hàn Quốc là một trong những nước mua sắm vũ khí kiểu Mỹ nhiều nhất, nhưng Mỹ lại rất "keo kiệt" trong chuyển nhượng công nghệ.
Nguồn tin từ Quân đội Hàn Quốc cho biết, Mỹ coi Hàn Quốc là nước cạnh tranh xuất khẩu công nghiệp quốc phòng, lo ngại Hàn Quốc sao chép các thiết bị cốt lõi để có thẻ sản xuất linh kiện vũ khí.
6 máy bay chiến đấu F-35B/C Mỹ |
Được biết, Công ty Lockheed Martin ban đầu quyết định cung cấp 25 công nghệ cần thiết cho chương trình KFX như radar AESA, điều khiển bay, điện tử hàng không và vũ trang cho Hàn Quốc. Nhưng Chính phủ Mỹ lấy an ninh làm lý do ngăn chặn chuyển giao công nghệ.
Trung Quốc có tên lửa tiêu diệt F-35 Mỹ?
Trang mạng worldjournal tiếng Trung ngày 24 tháng 9 cho biết, gần đây, Trung Quốc đã bắn thử thành công tên lửa mới nhất là Tịch Lịch-15 (PL-15), phá hủy một máy bay không người “bia bắn”.
Theo báo chí Mỹ, loại tên lửa không đối không siêu tầm nhìn này là môt loại tên lửa tầm xa, tầm bắn có thể đạt 150 - 200 km, tạo ra mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu như F-35.
Trang mạng nguyệt san "Popular Science" Mỹ cho rằng, tên lửa PL-15 do Viện 607 (Viện nghiên cứu tên lửa không đối không) Trung Quốc nghiên cứu chế tạo. Nó sẽ được dùng để thay thế tên lửa không đối không siêu tầm nhìn dẫn đường radar PL-12 hiện nay của Trung Quốc.
Tên lửa không đối không PL-12 Trung Quốc |
Tên lửa không đối không PL-12 nghe nói có tầm bắn tiếp cận 100 km. So với PL-12, khoảng cách dò tìm chủ động của radar lắp ở tên lửa PL-15 được tăng lớn, có liên kết dữ liệu chống gây nhiễu, đồng thời còn có một động cơ tên lửa đẩy thể rắn xung kép (double pulse) mở rộng tầm bắn.
Theo bài báo, trong cùng một tuần, Trung Quốc bắn thử loại tên lửa này, khi phát biểu tại Hội nghị của Hiệp hội không quân năm 2015, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ Hawke Carlisle đề cập đến tên lửa PL-15 của Trung Quốc, ông lấy lý do này để thúc đẩy Quốc hội Mỹ cấp kinh phí cho một loại tên lửa mới.
Tướng Hawke Carlisle cho biết, lý do quan tâm là tầm bắn của tên lửa PL-15 lên tới 150 - 200 km. Điều này sẽ vượt tầm bắn của tên lửa không đối không hiện có Mỹ, làm cho PL-15 không chỉ đe dọa những máy bay chiến đấu như F-35, mà còn đe dọa đối với máy bay tiếp dầu trên không và máy bay ném bom.
Theo tướng Hawke Carlisle, áp chế được tên lửa không đối không PL-15 Trung Quốc là vấn đề được Không quân Mỹ rất coi trọng.
Máy bay chiến đấu F-35 Mỹ |