Chiến lược đặt nguyện vọng "khôn ngoan" để chắc suất trúng tuyển đại học

15/07/2024 06:33
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Điều quan trọng với thí sinh là cần đăng ký, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển như thế nào để tránh mắc sai lầm dẫn tới mất cơ hội vào ngôi trường mình yêu thích.

Sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, các thí sinh sẽ tiến hành đăng ký xét tuyển đại học.

Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, đây là cơ hội để các em thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Bên cạnh việc nắm rõ các quy định, mốc thời gian cũng như nguyên tắc xét tuyển, các thầy cô khuyên thí sinh cần cẩn trọng trong việc chọn nguyện vọng về ngành, trường, trước khi chính thức nhấn nút đăng ký để bảo đảm chọn được ngành phù hợp với năng lực và có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Kinh nghiệm để loại trừ rủi ro

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing, người có nhiều năm kinh nghiệm về công tác tuyển sinh đại học với vai trò làm “cầu nối” giữa nhà trường đến với các em học sinh cho hay: Nhiều trường đại học hiện nay đã công bố kết quả trúng tuyển của các phương thức xét tuyển sớm và kết quả trúng tuyển có điều kiện. Vì vậy, các bạn học sinh cần hết sức lưu ý, ghi nhớ những mốc thời gian quan trọng để đăng ký nguyện vọng.

441582964_835135041992597_1120938886074124723_n.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: NTCC.

Đặc biệt từ ngày 18-30/7, tất cả các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đều cần phải ghi nhớ thời gian này, để đăng ký trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, các trường mới có thể tiến hành làm thủ tục nhập học chính thức cho các em.

Mốc thời gian thứ hai các bạn cũng rất cần lưu ý là từ ngày 31/7 đến 6/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các trường tiến hành lọc ảo và trả kết quả về để công bố thí sinh trúng tuyển và nhập học.

Điều quan trọng là thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng giữa các ngành học và các trường đại học mình yêu thích sao cho hợp lý nhất. Học sinh nên có một cuốn sổ nhỏ để ghi chú lại toàn bộ phương thức xét tuyển của các trường, các ngành; đồng thời suy nghĩ chín chắn để lựa chọn những nguyện vọng theo thứ tự phù hợp trong khung thời gian cho phép.

Bên cạnh đó, các bạn nên đăng ký trên hệ thống nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên ngành mình thích nhất cho đến hết những ngành khác ở phía sau.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần tham khảo qua phổ điểm của các trường mình yêu thích ở 3 năm học gần nhất để biết được khả năng của mình dao động ở mức nào, có thể trúng tuyển vào hay không. Từ đó, học sinh có thể chọn 02 trường có mức điểm của ngành đó cao hơn điểm thi của mình hiện có khoảng từ 1-2 điểm; 02 trường có điểm của ngành đó bằng với điểm mình hiện có; và 02 trường có mức điểm thấp hơn mình 1-2 điểm.

DHCQ2.jpg
Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: Website nhà trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các bạn nên sắp xếp thêm những ngành mà bạn đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vào phía dưới, để đề phòng trường hợp “sơ cua” không may không trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì các bạn vẫn trúng tuyển được bằng phương thức xét tuyển sớm.

Thí sinh có thể ưu tiên những ngành học cùng thuộc khối ngành mình yêu thích để đặt nhiều nguyện vọng. Ví dụ, bạn thích ngành Marketing nhưng tất cả các phương thức xét tuyển ở ngành học này không trúng tuyển thì có thể tìm hiểu và đăng ký ngành Quản trị kinh doanh, Truyền thông đa phương tiện hay Quan hệ công chúng,... bởi đây được xem là những ngành gần, mang tính liên ngành với Marketing để có thể lựa chọn học.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lập – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Hoa Sen, để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, các thí sinh nên áp dụng các chiến lược sau:

Các bạn cần nghiên cứu kỹ thông tin về các trường, tìm hiểu cẩn thận về điểm chuẩn và các yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo cũng như chương trình đào tạo, môi trường học tập, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Điều này giúp thí sinh đưa ra quyết định đặt nguyện vọng có tính chiến lược và phù hợp.

Đồng thời, thí sinh nên đọc kỹ và tuân thủ hướng dẫn trên hệ thống tuyển sinh, nắm rõ các quy định mà thí sinh tham gia. Điều này giúp tránh những sai sót không đáng có trong quá trình nộp hồ sơ và xét tuyển.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng và đặt nguyện vọng một cách chiến lược là chìa khóa để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học mong muốn.

Ngoài ra, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lập cũng nhấn mạnh, thí sinh không nên mạo hiểm đăng ký quá ít nguyện vọng. Trước hết, việc đăng ký ít nguyện vọng có thể đặt thí sinh vào tình huống rủi ro cao, nếu không được nhận vào trường đầu tiên, họ sẽ không còn nhiều lựa chọn dự phòng khác.

f6a9ca62-27fb-49ce-b765-7ee697d3cebe.jpg
Trường Đại học Hoa Sen đa dạng 4 phương thức xét tuyển ở 30 ngành thuộc các lĩnh vực đào tạo khác nhau nhằm mở rộng cơ hội học tập cho người học. Ảnh: NTCC.

Hơn nữa, đăng ký nhiều nguyện vọng giúp thí sinh có cơ hội tìm hiểu các lựa chọn học tập và nghề nghiệp khác nhau. Đôi khi, thí sinh có thể bất ngờ phát hiện ra rằng có những ngành học mình chưa từng nghĩ đến trước đây nhưng lại phù hợp với sở thích và năng lực của mình sau khi khám phá các nguyện vọng đó.

Cuối cùng, đăng ký nhiều nguyện vọng cũng là cách để giảm bớt áp lực và căng thẳng cho thí sinh trong quá trình xét tuyển. Việc biết rằng mình có nhiều sự lựa chọn sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi đối mặt với các kết quả xét tuyển.

Tóm lại, việc đăng ký nhiều nguyện vọng không chỉ là một chiến lược thông minh mà còn là cách để tối đa hóa cơ hội và giảm thiểu rủi ro cho thí sinh trong quá trình tuyển sinh đại học.

Chiến lược để đặt nguyện vọng “khôn ngoan”

Cùng bàn luận về cách thức sắp xếp nguyện vọng một cách hiệu quả trong tuyển sinh đại học, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ, các thí sinh cần lưu ý và ưu tiên các điểm sau đây:

Thứ nhất, chúng ta cần xác định mục tiêu và ưu tiên cá nhân. Thí sinh phải đặt ra những tiêu chí quan trọng như ngành học, vị trí địa lý của trường, học phí, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và các yếu tố khác phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp cũng như định hướng phát triển cá nhân.

Chọn ngành phù hợp với năng lực, chọn trường đào tạo uy tín sẽ giúp đảm bảo việc làm sau khi ra trường; đồng thời là môi trường tạo điều kiện cho sinh viên phát huy năng lực bản thân, thể hiện cá tính riêng, tôn trọng sự khác biệt.

Thứ hai, thí sinh nên phân bổ nguyện vọng từ cao đến thấp, đặt các trường mình ước mơ vào vị trí ưu tiên nhất. Sau đó, đặt các trường dự phòng có điểm chuẩn thấp hơn. Điều này giúp tối đa hóa khả năng được nhận vào các trường ưu tiên mà không bỏ lỡ cơ hội.

Thứ ba, các bạn phải đặt mức độ thích ứng và rủi ro phù hợp bằng cách đánh giá khả năng và năng lực của bản thân để đặt số lượng nguyện vọng hợp lý. Chúng ta không nên đặt quá nhiều nguyện vọng cao vượt quá khả năng, cũng như không nên đặt quá ít nguyện vọng để tránh rủi ro không được nhận vào trường.

Thứ tư, thí sinh nên chuẩn bị nguyện vọng dự phòng như đặt một số nguyện vọng bao gồm các trường có điểm chuẩn thấp hơn hoặc các trường khác có cùng ngành học. Điều này đảm bảo rằng sẽ có ít nhất một sự lựa chọn nếu các nguyện vọng chính không thành công.

gdvn_anh13.jpg
Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Ảnh: Ngọc Ánh.

Với phương châm luôn mở rộng cơ hội đầu vào cho sinh viên và cam kết đầu ra chuẩn quốc tế, theo Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lập, Trường Đại học Hoa Sen cũng đa dạng 4 phương thức xét tuyển ở 30 ngành thuộc các lĩnh vực đào tạo khác nhau. Đối với các thí sinh mong muốn trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Hoa Sen, việc đăng ký nguyện vọng giữa các ngành và các tổ hợp xét tuyển cần lưu ý những điểm sau đây để có chiến lược đúng đắn và tăng cơ hội trúng tuyển:

Một là, thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin về các ngành và tổ hợp xét tuyển. Điều này bao gồm các yêu cầu về điểm số, các môn thi bắt buộc và tự chọn, cũng như các tiêu chuẩn khác mà trường áp dụng trong quá trình xét tuyển.

Hai là, chọn ngành học phù hợp với định hướng phát triển, năng lực bản thân, sau đó chọn tổ hợp tương ứng với ngành. Lưu ý, thí sinh có thể lựa chọn các môn trong tổ hợp xét tuyển có điểm số đạt cao trong kỳ thi trung học phổ thông hoặc kết quả học trong 3 năm trung học phổ thông để tăng cơ hội trúng tuyển cao nhất vào nhà trường.

Ba là, phân bổ nguyện vọng theo ưu tiên và chiến lược. Ngành và tổ hợp môn ưu tiên cao nhất nên được đặt vào vị trí đầu tiên để tối đa hóa khả năng được nhận vào trường.

Bốn là, đánh giá khả năng và phù hợp cá nhân bằng việc xem xét kỹ lưỡng khả năng đạt điểm và các yêu cầu của từng ngành. Đừng đặt nguyện vọng vào những ngành hoặc tổ hợp môn mà bạn chỉ chạy theo xu hướng xã hội mà bản thân không có sở thích cũng như có đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu xét tuyển. Hãy đặt nguyện vọng vào những lựa chọn phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và sự phát triển của cá nhân.

Năm là, thí sinh nên chuẩn bị tâm lý vững vàng, luôn tin tưởng vào khả năng của mình và sẵn sàng nhận thức về các kế hoạch dự phòng để đối phó với mọi tình huống. Bởi lẽ, quá trình đăng ký nguyện vọng và chờ đợi kết quả xét tuyển có thể mang lại nhiều áp lực và căng thẳng.

Việc đăng ký nguyện vọng giữa các ngành và tổ hợp xét tuyển tại Trường Đại học Hoa Sen nói riêng và các cơ sở đào tạo nói chung đòi hỏi thí sinh phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược hóa từng bước đặt nguyện vọng để tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển, đảm bảo sự phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và điều kiện cá nhân.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ, mỗi trường sẽ có quy định khác nhau về phương thức xét tuyển sớm, cách tính điểm, điều kiện đăng ký, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thành phần hồ sơ đăng ký, cách thức đăng ký, đặc biệt là thời hạn đăng ký xét tuyển. Do đó, thí sinh cần định vị được mình sẽ đăng ký xét tuyển ở trường nào, ngành nào,… để thực hiện đúng quy định về đăng ký nguyện vọng trên hệ thống Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi có kết quả xét tuyển sớm (đủ điều kiện trúng tuyển), nếu kết quả đó cũng là một trong những nguyện vọng mong muốn được học thì thí sinh cần phải đưa nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển vào hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lọc ảo cùng với những nguyện vọng khác xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh.

sv-DHQG-Singapore-DHCT-tdht-11.jpg
Năm 2024, Trường Đại học Cần Thơ sử dụng các phương thức: Xét tuyển thẳng, xét điểm thi trung học phổ thông, xét học bạ, xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi V-SAT. Ảnh: NTCC.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng (mỗi nguyện vọng bao gồm ngành và trường mà thí sinh mong muốn. Tuy nhiên, các nguyện vọng phải được xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Trong trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nhiều nguyện vọng thì được xét trúng tuyển chính thức 1 nguyện vọng duy nhất để nhập học, đó là nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất trong số những nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Khi sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, chỉ nên căn cứ vào duy nhất một nguyên tắc xếp thứ tự ưu tiên là: nguyện vọng mong muốn được học nhất, yêu thích nhất thì xếp ưu tiên ở đầu. Nguyện vọng yêu thích thứ nhì thì xếp ở thứ 2. Cứ như vậy cho đến hết các nguyện vọng.

Việc này cần phải suy nghĩ, cân nhắc thật chín chắn và thực hiện trong thời hạn đăng ký. Vì khi hết thời hạn đăng ký, thí sinh không còn được điều chỉnh với bất kỳ lý do nào và khi đã công bố kết quả xét tuyển chính thức rồi, thí sinh cũng không được phép lựa chọn nguyện vọng nào khác để nhập học.

Trong thực tế những năm qua, có nhiều thí sinh không căn cứ nguyên tắc này khi xếp thứ tự ưu tiên, dẫn đến ngành thích học cũng đủ điều kiện đỗ nhưng không được trúng tuyển chính thức để nhập học.

Ngoài ra, mỗi ngành mỗi trường có thể có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nếu tham gia được càng nhiều phương thức thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.

Lưu Diễm