Chiêu cạnh tranh không lành mạnh của sản phẩm mì ăn liền Gấu Yêu

24/05/2012 14:51
Theo Thẩm Hồng Thụy/ Lao Động
Trong số những “đòn” xấu chơi nhằm vào doanh nghiệp (DN), dù núp trong bóng tối hay đã lộ diện thì đa phần đối tượng chính là các DN cạnh tranh không lành mạnh.

Chiến dịch “ba không” Ngày 6/4/2012, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế đã có công văn số 456/ATTP-ĐKCN gửi Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, cho biết đã “nhận được phản ánh, khiếu nại của DN về việc công bố chất lượng sản phẩm mì ăn liền Gấu Yêu của Cty CP thực phẩm Á Châu”. Theo đó, nội dung ghi nhãn trên bao bì sản phẩm có những thông tin nhấn mạnh “3 không”: Không chất bảo quản; không sử dụng bột ngọt; không phẩm màu.  Cục cho rằng, việc ghi nhãn sản phẩm với những nội dung như trên gây ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng (NTD), ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, môi trường cạnh tranh lành mạnh của các DN khác, gây xáo trộn thị trường. Từ đó, cục yêu cầu chi cục báo cáo vụ việc, đồng thời trong thời gian chờ cục có ý kiến về hồ sơ công bố sản phẩm mì ăn liền Gấu Yêu, chi cục ngừng cấp giấy “tiếp nhận quảng cáo” đối với sản phẩm này.
Điều chỉnh lại thông tin trên bao bì, nhưng một mặt Cty CP thực phẩm Á Châu lại tung các thông tin PR gieo rắc nỗi sợ hãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Điều chỉnh lại thông tin trên bao bì, nhưng một mặt Cty CP thực phẩm Á Châu lại tung các thông tin PR gieo rắc nỗi sợ hãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Với cách ghi thông tin như vậy, Cty CP thực phẩm Á Châu nhằm cố tình hướng NTD nhận thức phân biệt và có thể ngộ nhận rằng, đa phần sản phẩm mì ăn liền trên thị trường hiện nay có bột ngọt là không tốt cho sức khỏe, không nên ăn và đặc biệt càng không nên sử dụng làm thực phẩm cho trẻ em. Phản ứng trước cách PR này không chỉ có các Cty sản xuất mì ăn liền, mà còn có những Cty sản xuất thực phẩm. Các Cty sản xuất bột ngọt cũng không hài lòng vì trên thực tế, sản phẩm của họ được phép lưu hành và không hề có khuyến cáo “không nên” sử dụng.
 Tiếp đó ngày 19/4, Cục ATVSTP đã có công văn gửi chi cục, hướng dẫn cách ghi thông tin trên nhãn bao bì. Theo đó, dòng chữ “không sử dụng bột ngọt” phải điều chỉnh lại. Cách 1 ghi là “không sử dụng chất điều vị” (tạo ngọt). Cách hai ghi là “không sử dụng chất tạo ngọt”. Tuân thủ một đằng, PR một nẻo  Cty CP thực phẩm Á Châu đã phải điều chỉnh lại thông tin ghi trên nhãn bao bì sản phẩm mì ăn liền Gấu Yêu theo cách 1. Thế nhưng mặt khác, trong những bài PR dưới dạng bài biên tập, Cty này chẳng những không điều chỉnh về cách gọi, mà thậm chí còn “đá” các sản phẩm khác.   Cụ thể, Á Châu đã thuê Cty truyền thông Nhãn Doanh (Biz-Eyes, trụ sở tại số 54-56 Hoa Đào, Phú Nhuận, TPHCM) chạy bài PR trên báo, trong đó có những dòng: “Những tin tức thực phẩm kém chất lượng, rồi các loại chất bảo quản, chất điều vị (tạo ngọt) hay còn gọi là bột ngọt, phẩm màu công nghiệp đều có trong các thực phẩm chế biến sẵn”, “các loại phẩm màu và chất chống mốc họ Benzoate (E211) - “thủ phạm” gây ra chứng hiếu động thái quá ở trẻ cũng liên tục được phát hiện có trong thực phẩm”. Rất may là bài PR nhằm cạnh tranh không lành mạnh này đã bị chặn lại.   Tuy nhiên trước đó, có thể đọc thấy những thông tin PR dưới dạng bài biên tập đăng nhan nhản, như “Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm “dành riêng” cho trẻ”, “Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong thực phẩm dành cho bé, có không?”... Trong đó, những thông tin về sự ảnh hưởng đến sức khỏe của các chất bảo quản, phẩm màu hay chất điều vị tạo ngọt trong các sản phẩm khác được đưa ra một cách chung chung mà không hề có căn cứ khoa học, số liệu nghiên cứu, càng dễ khiến cho NTD hoang mang và lo lắng. Thậm chí trong bài viết còn “khuyên” một cách lộ liễu: “Tốt hơn là nên chọn các loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn không chứa các phụ gia như không phẩm màu, không chất điều vị và không chất bảo quản” nhằm bảo đảm sức khỏe cho bé. Tất nhiên mục đích cuối cùng của lời khuyên này là nhắm đến sản phẩm không có những chất trên, mà trên thị trường đang hiện diện chính là mì Gấu Yêu của Cty CP thực phẩm Á Châu.Mọi ý kiến đóng góp, xin độc giả vui lòng gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.

Bạn đọc phát hiện những đoạn Clip quảng cáo có tính chất phản cảm, hoặc không đúng với sự thật xin thông tin về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn  hoặc liên hệ qua đường dây nóng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 0938 766 888.
Theo Thẩm Hồng Thụy/ Lao Động