Quá mệt mỏi, khó nhớ chi tiết, khô khan... là những nhận xét của rất nhiều học trò đối với môn học lịch sử hiện nay.
Với thực trạng nhiều học sinh ngao ngán với môn lịch sử thì nhiều người dễ dàng cho rằng do học sinh có vấn đề. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, một môn học mà không thu hút được học sinh thì lỗi không hẳn chỉ là do học sinh.
Và điều quan trọng nhất cần phải bàn là tìm ra lý do vì sao học sinh lại chán học môn Lịch sử và làm thế nào để học sinh thích học môn Lịch sử?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng:
“Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là hậu quả lâu dài của chương trình nặng nề, cách dạy và học quá cứng nhắc, khô khan của môn lịch sử”.
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang: "Hhọc sinh sợ, chán, ghét môn Sử là vì chúng chán kiểu chương trình, chán cách dạy ấy chứ không phải chán học lịch sử”. (Ảnh: Giáo sư Vũ Minh Giang cung cấp) |
Cũng theo Giáo sư Vũ Minh Giang, môn Lịch sử cũng giống như nhiều môn học khác chúng ta đã duy trì quá lâu cách “tiếp cận nội dung” tức là coi việc giảng dạy kiến thức cụ thể như một phương thức chủ yếu để đào tạo học sinh phổ thông.
Theo đó, các môn học đều đưa tối đa những kiến thức cụ thể vào chương trình. Trong khi đó cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ hiện nay, chương trình giảng dạy theo tiếp cận nội dung sẽ phải cập nhật, bổ sung kiến thức liên tục. Quá tải là điều không thể tránh khỏi.
Một khi đã xây dựng chương trình và tổ chức giảng dạy theo hướng tiếp cận nội dung thì tất yếu sẽ dẫn đến cách kiểm tra, đánh giá kiến thức xem học sinh đã tiếp thu được tới đâu chủ yếu thông qua việc đưa ra câu hỏi buộc học sinh phải học thuộc những gì có trong sách giáo khoa.
Những điều này đã làm cho chương trình giáo dục phổ thông trở thành gánh nặng đối với người học.
"Học Sử không cần uyên bác mà chỉ cần có tâm hồn" |
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam thì Lịch sử là môn học học trò cần phải nhớ nhiều thứ nhất.
Nào là ngày tháng, địa danh, tên riêng, diễn biến và số liệu đi kèm... cái gì cũng đều quan trọng cả.
Giáo viên đều muốn học trò nhớ tất cả và khi học trò không nhớ thì liền cho rằng các em dốt hoặc nặng nề hơn, còn quy chụp cho chúng tội thiếu ý thức chính trị.
Trong kỳ thi đại học năm 2011 chúng ta đã chứng kiến kết quả có hàng nghìn điểm 0 môn Sử. Ngay sau đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chuyên gia đã lớn tiếng chê trách về tình trạng học sinh lười biếng, ý thức với lịch sử dân tộc sa sút...
Thế nhưng theo ý kiến của Giáo sư Vũ Minh Giang: “Học sinh sợ, chán, ghét môn Sử là vì chúng chán kiểu chương trình, chán cách dạy ấy chứ không phải chán học lịch sử”.
Chương trình năm 2000 nặng tới mức khiến học sinh cầu mong bỏ môn Lịch sử
Bình luận về nội dung kiến thức môn Lịch sử trong chương trình giáo dục hiện hành (hay còn gọi là chương trình năm 2000), Giáo sư Vũ Minh Giang cho hay:
Chương trình nặng nề như thế, nhiều thứ buộc học sinh phải nhớ như thế trong khi thời lượng cho môn học này rất ít, do đó, vốn đã là thứ khó nuốt mà giờ cô đặc lại khiến học trò sợ hãi, xa lánh, cầu mong bỏ môn Lịch sử càng tốt.
Về một phương diện khác, Lịch sử là một môn khoa học thế nhưng chúng ta lại đang dạy Lịch sử như những tín điều, áp đặt buộc học sinh phải chấp nhận.
Giáo sư 'tứ trụ' của nền Sử học: 'Nếu là học sinh, tôi cũng chán' |
“Một môn học mà phải ép buộc học sinh phải thuộc lòng, học không sáng tạo thì sẽ phản tác dụng, không thể tạo ra hấp dẫn được”, ông Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giang: “Dường như chúng ta đang muốn dùng môn Lịch sử để thay thế hoàn toàn những môn học có tính giáo dục tư tưởng.
Tôi không phủ nhận môn Lịch sử có chức năng này, tuy nhiên không thể thay thế toàn bộ như vậy.
Bởi lẽ, môn Lịch sử có giáo dục lòng yêu nước, ý thức với dân tộc nhưng bằng ngôn ngữ riêng của nó.
Nếu môn học này chỉ thuần túy làm nhiệm vụ giống như tuyên truyền chính trị thì sẽ khiến người học có cảm giác thiếu khách quan và rất dễ dẫn tới sự hoài nghi, thiếu tin tưởng”.
Dẫn chứng cho điều này, Giáo sư Vũ Minh Giang kể, nhiều học sinh tâm sự với ông rằng, một số nội dung thầy cô dạy trên lớp có gì đó không giống với những hình dung, sự thật sống động có trong cuộc sống mà học trò tiếp xúc.
Chẳng hạn, chúng ta dạy học trò về truyền thống anh hùng chống ngoại xâm thì những bài giảng đều toát lên tinh thần chiến đấu hừng hực nhưng trong các trận đánh đó chỉ thấy quân ta thắng, quân địch thì chết như rạ, máy bay rụng như sung...chứ không hề thấy quân ta tổn thất gì.
Chính những nội dung chương trình này, với cách dạy như thế đã khiến học sinh hoang mang.
Trong học sinh nảy ra những băn khoăn phải chăng thắng lợi chúng ta giành được trong những cuộc chiến này quá dễ dàng?
Hay do ta toàn gặp toàn những kẻ thù quá kém cỏi để chưa đánh chúng đã thua, thậm chí thua thảm hại.
Tất cả những điều này đã khiến cho học trò khó tin về những gì thầy dạy về truyền thống anh hùng.
Và từ đó học sinh đâm ra hoang mang không biết giải thích thế nào khi mà hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ từ Nam chí Bắc đi đâu cũng gặp?
Không hiểu thương binh,liệt sỹ mà chúng ta thường xuyên phải thể hiện nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa ở đâu ra mà nhiều thế?
“Tích hợp” Lịch sử và Địa lí, nhóm biên soạn mới nghĩ được 4 chủ đề? |
Đã đến lúc chúng ta phải dạy cho thế hệ trẻ biết cái giá máu xương vô cùng đắt mà các thế hệ cha anh đã phải trả để có được tự do và độc lập.
“Như vậy, việc tuyên truyền giáo dục như chúng ta đang làm đối với môn lịch sử cũng chưa khoa học”, ông Giang khẳng định.
Thêm vào đó, tính chất phong phú, sinh động của lịch sử còn chưa có điều kiện để được thể hiện trong bài giảng lịch sử vì cách dạy hiện nay chủ yếu vẫn theo hình thức thầy đọc, trò chép, rất ít gắn với di tích, bảo tàng và các hình thức nghệ thuật khác.
Giáo sư Giang cho rằng: “Cùng với việc đổi mới chương trình, cách dạy, khi nào chúng ta tạo ra được nhiều phim, nhiều tác phẩm nghệ thuật tái hiện lịch sử thật sinh động thì tình yêu với lịch sử sẽ tự nhiên sẽ nảy nở và phát triển. Người ta sẽ có hứng thú tìm hiểu lịch sử”.