Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Phát biểu tại phiên giải trình, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết theo báo cáo của 58 địa phương, năm học 2015 – 2016 biên chế được giao của ngành giáo dục là 1.165.625 người.
Năm học 2017-2018 biên chế được giao là 1.177.990 người, tăng 12.365 người so với năm học trước.
Theo kế hoạch, năm học 2018-2019, biên chế được giao là 1.191.376 người, tăng trên 13.000 so với năm học 2017-2018.
Ông Thăng cũng cho hay, có 26 địa phương đề nghị bổ sung 40.447 biên chế cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2018, bao gồm cả tăng biên chế do tăng dân số cơ học.
Tuy nhiên, tại phiên giải trình, các đại biểu đều rất bức xúc về vấn đề thừa thiếu giáo viên của ngành giáo dục.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Thùy Linh) |
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nguyên nhân của tồn tại này là do việc biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học (tăng trưởng "nóng") tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ.
Hiện nay, tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm; do đó không còn biên chế để tuyển giáo viên cho các cấp học, đặc biệt là mầm non.
Một nguyên nhân khác là do số lượng trẻ em sinh vào năm Nhâm Thìn tăng vọt so với các năm trước (toàn quốc có 11 tỉnh tăng trưởng “nóng” quy mô học sinh).
Từ năm 2015, sau khi có Nghị quyết tinh giản biên chế của Bộ Chính trị, hầu hết các tỉnh không được giao thêm biên chế mặc dù số học sinh vẫn tăng.
Do vậy, một số địa phương tuyển dụng không đúng các quy định hiện hành, đặc biệt là việc hợp đồng ngoài chỉ tiêu.
Cùng với đó là việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo không phải đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.
Về vấn đề này, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, việc xã hội hóa trong lĩnh vực nào cũng cần có lộ trình và thời gian qua lĩnh vực giáo dục chưa đủ động lực để thúc đẩy tư nhân tham gia.
Hiện nay xã hội hóa mới chỉ dừng lại ở các thành phố lớn còn các tỉnh xa trung tâm, tỉnh miền núi rất khó thực hiện.
Trong khi đó, dân số tăng, số trẻ em tăng, trường lớp tăng đòi hỏi số giáo viên tăng trong khi xã hội hóa chưa làm được mà lại yêu cầu bắt buộc giảm biên chế đối với ngành này là vô cùng khó khăn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đứng)– Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, việc xã hội hóa trong lĩnh vực nào cũng cần có lộ trình và thời gian qua lĩnh vực giáo dục chưa đủ động lực để thúc đẩy tư nhân tham gia. (Ảnh: Thùy Linh) |
Do đó, đại biểu Tuyết kiến nghị với Bộ Nội vụ rằng, cần giao cho các tỉnh, thành phố tự chủ thì được quyết định biên chế của giáo dục trong điều kiện cân đối ngân sách đúng theo tiêu chuẩn và khung số lượng con người cần đáp ứng, tránh tình trạng địa phương chờ xin, duyệt biên chế nhưng đợi duyệt xong thì hết năm học.
Trong khi đó, nêu tình hình thực tế qua giám sát, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận cho rằng, báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy các tỉnh đề xuất số biên chế đề nghị bổ sung là 40.447 giáo viên. Việc thiếu số lượng giáo viên lớn thế này sẽ dẫn đến việc phải hợp đồng giáo viên để dạy.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương chỉ rõ, hợp đồng giáo viên rất bất cập. Chủ yếu giáo viên dạy theo tiết học. Mỗi tiết học, giáo viên chỉ được mấy chục nghìn. Có giáo viên được 35.000đ/tiết học, số tiền này tùy từng cấp học.
Hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Đắk Lắk gửi thư kêu cứu |
Cũng theo vị đại biểu này, rõ ràng chính sách này rất bất cập so với giáo viên biên chế và nhất là giáo viên biên chế lâu năm thì lương rất cao. Chính vì vậy dẫn đến tâm lý các trường muốn giữ biên chế lại để hợp đồng giáo viên.
Bà Hương một lần nữa khẳng định chính sách hợp đồng này rất bất cập và rất tội nghiệp cho giáo viên.
Với những giáo viên này, hè không có lương. Tính ra mỗi tháng họ chỉ được vài triệu đồng, hoặc 2 triệu đổ lại, có giáo viên chỉ được hơn 1 triệu/tháng.
Vì muốn có công việc nên vẫn đi dạy. Thậm chí có trường hợp năm nay có hợp đồng, hoặc học kỳ I được hợp đồng nhưng qua kỳ II hoặc năm sau lại không được hợp đồng.
Trả lời bức xúc của đại biểu Mỹ Hương về giáo viên hợp đồng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Duy Thăng khẳng định theo quy định của pháp luật, từ năm 2015 về trước, biên chế sự nghiệp là giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh.
Ủy ban nhân dân các tỉnh trên cơ sở quy định định mức của các ngành, lĩnh vực thì Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp. Cho nên, các đại biểu có hỏi tại sao có hợp đồng, tại sao có thừa thiếu tất cả là đều trước 2015.
Cũng theo ông Thăng, quy định của Luật viên chức, tuyển dụng phải công khai minh bạch. Ai có đủ điều kiện, nhu cầu thì đăng ký. Chứ không phải chỉ thi tuyển cho những người làm hợp đồng nên giáo viên hợp đồng thi không đỗ, không đạt tạo ra sức ép gây dư luận rất phản cảm.
Ông Thăng đề nghị các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ chấn chỉnh vấn đề này.