LTS: Tiếp theo dòng sự kiện kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến, Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ bài viết về những chính sách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau thời điểm lịch sử này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Ngay sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thiếu thốn, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vẫn chủ động triển khai các hoạt động quốc tế để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 21/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các nước Đồng minh tố cáo chính sách lật lọng của thực dân Pháp, phá hoại Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946.
Trong bức thư trên, Người viết: "Song thực dân Pháp đã thiếu thành thực, coi những bản ký kết đó như những mớ giấy lộn.
Ở Nam Bộ, họ tiếp tục bắt bớ, tàn sát và gây hấn với các nhà ái quốc Việt Nam. Họ ức hiếp những người Pháp lương thiện chủ trương sự thành thực, và tổ chức chính phủ bù nhìn để chia rẽ dân tộc chúng tôi.
Ở Nam Trung Bộ, họ tiếp tục khủng bố đồng bào chúng tôi, tấn công quân đội Việt Nam và xâm lược lãnh thổ của chúng tôi.
Ở Bắc Bộ, họ gây những xung đột để đánh chiếm Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và nhiều nơi khác. Họ bao vây cửa biển Hải Phòng, làm cho người Việt Nam, người Trung Hoa, người ngoại quốc khác và cả người Pháp nữa, không thể buôn bán được...".
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến chính sách ngoại giao. (Ảnh: Thegioidisan.vn) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Những hành động của thực dân Pháp định chiếm lấy nước chúng tôi thực rõ rệt, không thể chối cãi được.
Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập" (1).
Trước đó, trong lời tuyên bố với phóng viên báo "Pari - Sài Gòn", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
"Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp.
Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu nhân mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm.
Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ nhất định không chịu mất tự do..."(2).
Cuối tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Lời kêu gọi tới Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, nêu rõ nguồn gốc và tình hình cuộc chiến tranh ở Đông Dương và đề nghị ủng hộ việc vãn hồi hòa bình ở Việt Nam.
Trình bày chính sách đối ngoại cởi mở của Việt Nam, Người khẳng định:
"Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a- Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b- Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c- Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.
d- Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân" (3).
Trong thời gian này, trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định lại chính sách cởi mở của Việt Nam thúc đẩy hợp tác và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ngày 16/7/1947 trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác.
Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hòa kinh tế thế giới và gìn giữ hòa bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu các quan điểm về chính sách đối ngoại hữu nghị và hợp tác của Việt Nam, khẳng định: Việt Nam muốn "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai"; "Độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam"; "Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam" (4).
Để thể hiện thiện chí hòa bình của mình, từ tháng 12/1946 đến tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư cho Chính phủ Pháp, Quốc hội Pháp và cả Tổng thống Vincent Auriol, đề nghị lập lại hòa bình để tránh hai nước cùng khỏi bị hao người thiệt của, và gây lại sự cộng tác của tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp.
Song Chính phủ Pháp đã không đáp ứng. Trái lại, thực dân Pháp đã cử Paul Mus đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngang ngược đòi ta phải nộp vũ khí cho họ, đòi để cho quân Pháp được tự do đi khắp đất nước ta...
Giải quyết dứt điểm các tồn đọng chính sách đối với cựu thanh niên xung phong (GDVN) - Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. |
Vì vậy, chúng ta buộc phải tiếp tục chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
Đối với các nước châu Á, ngoài việc xây dựng khối liên minh chiến đấu Việt - Lào - Cam pu chia, Chính phủ ta đã tích cực xây dựng mối quan hệ thân thiện với các nước dựa trên lập trường chống đế quốc thực dân, bảo vệ độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tỏ tình đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, thân thiện với Thái Lan, Mi-an-ma (trước kia gọi là Miến Điện)... và cử đoàn đại biểu đi dự Hội nghị liên Á họp ở Niu Đê-li (Ấn Độ) vào tháng 3/1947.
Tháng 4/1947, Việt Nam đặt cơ quan đại diện Chính phủ tại Băng Cốc (Thái Lan) và được hưởng đặc quyền như một cơ quan ngoại giao.
Cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam ngay từ đầu đã được nhiều tầng lớp nhân dân các nước đồng tình ủng hộ.
Đầu năm 1948, Chính phủ ta đã cử một phái đoàn ngoại giao sang Thái Lan, Mi-an-ma, Trung Quốc, Tiệp Khắc để tuyên truyền về về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cử nhiều đoàn đại biểu đến dự các hội nghị quốc tế như Hội nghị của công đoàn ngành giày da Tiệp Khắc (6/1949), Hội nghị thủy thủ và công nhân bến tàu Mác-xây (Pháp, 7/1949), Hội nghị thanh niên công nhân thế giới ở Pra-ha (Tiệp Khắc), Đại hội liên hiệp công đoàn thế giới ở Mi-lan (I-ta-li-a, 7/1949)...
Trải qua 4 năm chiến đấu, lực lượng kháng chiến của Việt Nam đã trưởng thành, uy tín của Việt Nam đã tăng lên.
Tình hình quốc tế có những chuyển biến có lợi, Chính phủ ta chủ trương đẩy mạnh công tác ngoại giao và tuyên truyền quốc tế để nhân dân thế giới, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Năm 1950, tranh thủ chiến thắng của Chiến dịch Biên giới, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hai đồng minh quan trọng là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô), sau đó còn có các nước khối xã hội chủ nghĩa châu Á, Đông Âu...
Tài liệu tham khảo:
(1). "Mở đầu toàn quốc kháng chiến", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2006, trang 535, 536.
(2). "65 năm Toàn quốc kháng chiến (1946-2011)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011, trang 398.
(3). "65 năm Toàn quốc kháng chiến" (1946-2011)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011, trang 396.
(4). "Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam", Tập 7, Nhà xuất bản Trẻ, trang 134.