Chống bành trướng ở biên giới phía Bắc sẽ có đầy đủ trong sách giáo khoa mới

14/02/2019 07:00
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 sẽ có đầy đủ ở sách giáo khoa mới.

Mới đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, trong đó bà đề xuất:
 
Theo tôi, không chỉ đưa vào sách giáo khoa những sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa mà ngay cả cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng cần được nhắc đến đầy đủ.
 
Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống
…”.
 
Trước ý kiến này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có liên hệ với Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lắng nghe ý kiến của ông về vấn đề mà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nếu ra.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả cuộc trao đổi này. 
 
Phóng viên: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 có được đưa vào hay không? Nếu có thì được đưa vào như thế nào, thưa ông?
 
Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung: Trước khi nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề xuất thì những người biên soạn chương trình giáo dục lịch sử bao gồm môn học tích hợp Lịch sử và Địa lí ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, môn Lịch sử ở cấp Trung học phổ thông đã đưa nội dung chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc vào chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Khi đã đưa vào chương trình thì có nghĩa nội dung trong sách giáo khoa phải có, tuy nhiên với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” thì mỗi tác giả viết sách sẽ có cách trình bày riêng của họ mà thôi.

Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung cho biết, theo các nhà giáo và các nhà sử học, trong sách giáo khoa hiện hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc được trình bày chưa hoàn toàn tương xứng. (Ảnh Giáo sư Phạm Hồng Tung cung cấp)
Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung cho biết, theo các nhà giáo và các nhà sử học, trong sách giáo khoa hiện hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc được trình bày chưa hoàn toàn tương xứng. (Ảnh Giáo sư Phạm Hồng Tung cung cấp)

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thêm rằng, ở cấp Tiểu học, giáo dục lịch sử nằm trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lí, bắt đầu được tổ chức dạy và học ở các lớp 4 và 5.

Các vấn đề liên quan đến hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và vùng biên giới phía Bắc chưa được đề cập đến vì nội dung này quá khó đối với học sinh tiểu học.
 
Ở cấp Trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử cũng nằm trong môn học tích hợp  Lịch sử và Địa lí, được tổ chức dạy và học từ lớp 6 đến lớp 9.
 
Ở cấp học này, nội dung về hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ được trình bày ở lớp 9, trong mạch nội dung “Việt Nam trong những năm 1975 – 1991”.

Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù

Đến cấp trung học phổ thông, Lịch sử được tổ chức dạy và học là một môn học độc lập. Các nội dung giáo dục sẽ được tổ chức thành những chủ đề và chuyên đề.
 
Riêng hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ tiếp tục được trình bày trong khuôn khổ của chủ đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ 1945 đến nay)”.
 
Như vậy, lịch sử hai cuộc chiến đấu này được đặt trong một mạch nội dung xuyên suốt giống với cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 
Cách đặt vấn đề như vậy sẽ giúp cho học sinh có cái nhìn xuyên suốt và trên cơ sở đó có nhận thức tìm ra những quy luật, bài học lịch sử về bảo vệ Tổ quốc là gì đồng thời cho thấy việc tìm hiểu về các cuộc chiến tranh này không phải “vấn đề nhạy cảm.”
 
Ngoài ra, lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông sẽ được trình bày kĩ hơn trong ba chủ đề: “Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông” (lớp 11) và “Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” và “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam” (lớp 12).
 
Như vậy, nội dung chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được nhắc đi nhắc lại 3 lần với 3 góc nhìn khác nhau để học sinh có cơ hội tìm hiểu sự kiện này một cách thấu đáo, toàn diện, sâu sắc.
 
Theo ông, hiện nay nhận thức về hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới trong sách giáo khoa hiện hành đã đầy đủ và đúng chưa?
 
Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung: Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng chương trình, sách giáo khoa hiện hành có tính lịch sử của nó, do vậy khi đưa ra quan điểm là để chúng ta làm tốt hơn chứ không phải trách móc những người tiền nhiệm.

Hai cuộc chiến xâm lược Việt Nam có chung một kịch bản

Trong sách giáo khoa hiện hành, theo các nhà giáo và các nhà sử học thì hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc được trình bày còn sơ sài, chưa đáp ứng giáo dục lịch sử khi chỉ được đề cập từ trang 205-207, riêng cuộc chiến chống bành trướng, bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 chỉ được đề cập đến với 4 câu, 11 dòng tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 12.  

Tôi khẳng định lại một lần nữa, đây là cuộc chiến đấu chống bành trướng bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và các nội dung của sự kiện này sẽ được phản ánh đầy đủ trong sách giáo khoa mới.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Phạm Hồng Tung.

Thùy Linh (ghi)