Khi phụ huynh trao nhầm “trứng cho ác”
Những ngày qua, hành vi bạo hành trẻ em của bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi), chủ cơ sở Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) đã bị dư luận trên cả nước phẫn nộ.
Công an quận 12 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Linh để điều tra, xử lý về hành vi “Hành hạ người khác”.
Hành vi của bà Linh là đáng lên án và phải bị trừng trị để giáo dục, ngăn chặn các trường hợp tương tự có thể tiếp tục xảy ra.
Thực tế, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từng xảy ra những trường hợp “bảo mẫu” hành hạ trẻ em đã bị trừng trị bởi pháp luật nhưng vẫn còn tái diễn.
Ảnh cắt từ clip bà Linh thực hiện hành vi hành hạ trẻ em. |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích:
Mặc dù đã có rất nhiều chính sách cũng như thành lập các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng những vụ bạo hành trẻ em lại khó phát hiện hoặc phát hiện chậm trễ.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là do các vụ bạo hành thường được thực hiện bởi những người mà phụ huynh của trẻ tin tưởng và trong trường hợp này là bảo mẫu.
Không ai có thể ngờ những bảo mẫu lại bạo hành với trẻ nên hành vi này rất khó bị phát hiện.
Luật sư Hậu nhận định, hành vi bạo hành trẻ diễn ra càng lâu và khi bị phát hiện thì hậu quả của hành vi càng lớn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sự phát triển của xã hội và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em.
Xét dưới góc độ tâm lý học, hành vi bạo hành trẻ ngay từ nhỏ sẽ để lại cho các bé những ám ảnh về thể chất và tinh thần.
Việc trẻ bị đánh đập, hành hung trẻ không chỉ khiến cơ thể trẻ bị tổn thương mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, hành vi và cách ứng xử của trẻ trong tương lai.
Hành vi bạo hành trẻ em là rất nghiêm trọng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá, nếu tình trạng bạo hành kéo dài sẽ gây ám ảnh cho trẻ, khiến tính cách trẻ trở nên hung dữ, lì lợm hoặc trở nên nhút nhát, thu mình lại, không muốn tiếp xúc với xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. |
Có nhiều trường hợp, trẻ bị ảnh hưởng đến mức tự kỷ và gây ra ảo giác.
Pháp luật về vấn đề bảo vệ trẻ em đã khá đầy đủ nhưng nhận thức của chủ thể thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế và việc thực thi không nghiêm túc.
Chủ thể chưa nhận thức đủ dẫn đến việc giải quyết chỉ mang tính hình thức nhưng không đạt được mục đích cuối cùng của hình phạt.
Trước thực trạng về tội phạm xâm phạm trẻ em cũng như pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều kẽ hở dẫn đến tình trạng khó xử lý khi phát hiện.
Ở Mầm Xanh làm gì có chuyện bộc phát, lỡ tay, đó là hành động của quỷ |
Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) đã phần nào khắc phục được các trở ngại đó và quy định hình thức xử phạt cũng nghiêm khắc hơn.
Luật sư Hậu khẳng định, do hậu quả của hành vi này gây ra với xã hội rất nghiêm trọng nên cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật này.
Cụ thể là việc siết chặt quản lý, thường xuyên kiểm tra hoạt động của cơ sở mầm non và quy định tiêu chuẩn cho phép hoạt động trong lĩnh vực này chặt chẽ hơn.
Ngoài việc xử lý đối với chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi thì cũng cần xử lý nghiêm đối với tổ chức, cơ sở có trách nhiệm quản lý hoạt động của trường mầm non.
Đồng thời, phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở mầm non xảy ra hành vi bạo hành trẻ em và xử lý nặng đối với người quản lý cơ sở trên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu bình luận, đối với trường hợp của bà Linh thì theo Bộ luật Hình sự 1999, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo tội “Hành hạ người khác” và hình phạt áp dụng trong trường hợp này có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.