LTS: Sau vụ việc bạo hành trẻ nhỏ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (thành phố Hồ Chí Minh) đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ trước hành vi tàn độc, dã man của những người bảo mẫu tại đây.
Nhằm bày tỏ quan điểm và nhìn nhận của mình - tác giả Nhật Duy đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết trước sự việc trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Có lẽ sau khi xem xong clip do phóng viên Báo Tuổi trẻ thực hiện về cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở phường Hiệp Thành, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh ai cũng phải căm phẫn và xót xa đến tột cùng.
Thật kinh hoàng khi những người quản lí và bảo mẫu nơi đây đã đọa đầy những em nhỏ từ 2-5 tuổi hàng ngày ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi hành động của tay, chân và vật dụng có thể để bạo hành.
Và, hàng chục em nhỏ được gửi ở đây có lẽ suốt ngày sống trong nước mắt và sợ hãi!
Bạo hành trẻ nhỏ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (Ảnh chụp màn hình từ clip của Báo Tuổi Trẻ). |
Cơ sở này mầm non tư thục này do bà Phạm Thị Mỹ Linh quản lý cùng hai "bảo mẫu" là Quỳnh và Đào trông coi các bé hàng ngày.
Khác hẳn với lúc đón bé từ cha mẹ các em ngoài cổng là những nụ cười tươi rói, đầy tình yêu thương của các cô thì phía sau cảnh cổng của cơ sở này như một “nhà tù” giam giữ các em nhỏ mà người “cai quản” là những người được gọi bằng những danh xưng mỹ miều là “cô giáo”.
Tại sao cũng là những con người với nhau, nhất là những người quản lí và chăm sóc trẻ trong cơ sở này đều là những người phụ nữ. Họ cũng là mẹ hoặc sẽ là những người mẹ trong tương lai mà đối xử với những đứa trẻ một cách tàn ác đến mức như vậy?
Chuyện bạo hành, ngược đãi trẻ, chúng ta đã được chứng kiến ở một số cơ sở mầm non, mẫu giáo của một số nhà trẻ tư thục trong thời gian qua. Có lẽ, ai xem xong những thông tin, những clip này cũng căm phẫn cho hành động vô nhân tính của những con người được gọi là “cô giáo”; “cô nuôi dạy trẻ”; “ bảo mẫu”.
Những hành động lấy can nhựa đánh lên đầu, vả vào mặt, đạp vào người, đập chân vào ghế đá, vụt bằng dép, cầm dao dọa…cho thấy không còn là sự bức xúc bột phát của 1 người trong cơ sở mà là chuyện làm thường xuyên, liên tục, có hệ thống từ người quản lí đến bảo mẫu ở cơ sở mầm non này.
Bởi, như cách nhắn gửi của chủ cơ sở là Bà Linh với nhân viên Quỳnh: "Con mà nghe đứa nào nói con vả vào cái mỏ nó đi, đập cho nó ngậm cái họng nó lại, vả cho nó tét cái họng nó đi..." thì còn đâu là lương tâm của những người nuôi dạy trẻ!
Chúng tôi đã rùng mình thấy người quản lí Phạm Thị Mỹ Linh tay cầm can nhựa đánh vào đầu một bé gái liên tục 3 cái, em bé đã ngã xuống còn bị đánh 3 cái vào người. Phải nói rằng không còn ngôn từ nào có thể diễn tả hành động của bà Linh - chủ cơ sở này.
Vậy nhưng, khi có tiếng nhân viên can ngăn: "Thôi chị đừng đánh nữa" thì bà Linh đã lớn tiếng nói: "Em có coi được không? Em cứ làm đi, em coi được không?".
Nhân viên tiếp tục ngăn thì bà này nói liền: "Cô dạy tôi hả? Cô làm giỏi chưa? Cô quản được chưa?"….
Ai cũng biết, khi đã gửi con vào vào trường tư thục là phải chấp nhận một điều: “hên nhờ, rủi chịu” tất cả là phụ thuộc vào lương tâm của các cô giáo của trường, của cơ sở.
Bởi, phần lớn những bậc cha mẹ của các em nhỏ ở đây đều là những người làm công nhân ở những khu vực xung quanh. Phần lớn họ sống xa quê và chính vì thế mà rất khó có thể gửi các em vào những cơ sở công lập.
Bình tâm lại chúng ta sẽ thấy được những khó khăn không có sự lựa chọn nào của những bậc làm cha làm mẹ khi phải “gửi trứng cho ác”.
Nỗi đau của những phụ huynh này là dù biết gửi ở một số cơ sở tư thục không đảm bảo nhưng vẫn phải nhắm mắt để gửi con.
Bởi không gửi cho nhà trẻ tư thục thì gửi cho ai bây giờ? Trong khi, các bậc phụ huynh hết thời kì nghỉ hộ sản thì phải đi làm, ông bà nội ngoại thì đa số ở xa, người thân thiết không có, nếu có thì họ cũng phải đi làm ăn.
Nên việc gửi trẻ cho tư nhân là giải pháp mà các bậc cha mẹ các em nhỏ không có sự lựa chọn. Đi làm hay trông con? Trong khi họ không có hộ khẩu thường trú thì làm sao gửi con vào được trường công lập?
Hơn nữa, trường công lập có hạn, mỗi xã, phường cũng chỉ được biên chế từ 1-2 trường mầm non, mẫu giáo. Nếu muốn vào được trường công lập ở những nơi như thế này không dễ kiếm một suất cho con em họ vào được.
Bởi đa số là dành cho gia đình có hộ khẩu lâu năm hoặc phải quen biết lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương mới có thể xin vào được. Đây chính là những bài toán khó cho các bậc phụ huynh đang tạm trú ở những nơi đô thị.
Trẻ em bị bạo hành thể xác lẫn tinh thần, dư luận đau lòng và phẫn nộ |
Trước nhu cầu trẻ em phải gửi ở các nhà trẻ ngày một cao nên các cơ sở tư thục cũng đã được thành lập ngày một nhiều để đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, có một thực tế là đa số các cô nuôi dạy trẻ ở đây chưa được đào tạo bài bản, thậm chí là chưa hề được đào tạo về giáo dục mầm non nhưng bởi có cầu thì ắt có cung.
Tình trạng hàng loạt nhà trẻ tư thục mọc lên không thể nào kiểm soát nổi của các cơ quan chức năng thì những hiểm họa luôn rình rập những tâm hồn ngây thơ của các em nhỏ.
Có một điều mà chúng ta rất khó lí giải là nhiều cơ sở mầm non bạo hành bị phát giác phần lớn là do bạn đọc cung cấp cho các cơ quan báo chí.
Còn không thể biết được “các cô” dạy dỗ như thế nào nhưng đố cha mẹ các em về hỏi mà các em nhỏ nói chuyện bạo hành cho cha mẹ nghe. Phải chăng, đây vẫn là một bí mật của nghề?
Tình trạng bạo hành trẻ ở cơ sở này mầm non tư thục Mầm Xanh do bà Phạm Thị Mỹ Linh quản lý một lần nữa lại gióng lên hồi chuông buồn cho ngành giáo dục.
Hơn lúc nào hết, các trường tư thục ở các thành phố lớn cần phải được giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và ngành giáo dục.
Nếu không, tình trạng thả nổi quản lí như một số nơi hiện nay sẽ vùi dập những tâm hồn thơ bé. Làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cháu cả thể xác lẫn tâm hồn không còn vẹn nguyên trong tương lai.
Thiết nghĩ, chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh và các bảo mẫu ở trung tâm này phải được xử lí nghiêm minh trước pháp luật. Đây là những hành động không thể chấp nhận được trong nền giáo dục hiện đại.
Bởi, không chỉ là sự “bột phát, lỡ tay” một lần mà là nhiều lần, liên tục và nhiều người cùng hành động như nhau,
Tài liệu tham khảo: