Chủ nhân Nobel Y học 2012 từng là "học sinh hạng bét"

10/10/2012 19:42
Theo VTC News
Cách đây hơn 60 năm, cậu bé sau này đoạt giải Nobel Y học yếu kém hoàn toàn các môn về khoa học, đặc biệt là môn Sinh.
Ở tuổi 15, cậu học sinh John Gurdon học trong một trường thuộc trường Cao đẳng Eton tại Anh. Với môn Sinh học, cậu được xếp ở vị trí cuối cùng trong số tổng số 250 học sinh nam. Gurdon cũng "đội sổ" trong các môn khoa học khác, Telegraph đưa tin.
64 năm sau, Hội đồng Nobel tại Thụy Điển tuyên bố Gurdon đoạt giải Nobel Y học nhờ phát hiện ra rằng, sự chuyên môn hóa của tế bào có thể bị đảo ngược. Với giải Nobel Y học, nhà sinh học Gurdon được công nhận là một trong những bộ óc xuất sắc nhất trong thế hệ của ông.
Phát biểu tại London sau khi toàn thế giới biết tin ông đoạt giải Nobel Y học, giáo sư Gurdon nói rằng học bạ thời niên thiếu vẫn nằm trên bàn làm việc của ông tại Viện Gurdon ở Cambridge. Vì nó mà ông từng nghĩ rằng theo đuổi khoa học ở trường đại học là một nỗ lực gây lãng phí thời gian.
Gurdon kể rằng khi ông 15 tuổi, trường thuê một chuyên gia của bảo tàng dạy môn sinh học cho những học sinh có học lực thấp nhất. "Đó không phải là một giáo viên biết cách truyền đạt kiến thức", Gurdon khẳng định.
Khi học sinh Gurdon nói rằng cậu quan tâm tới khoa học và muốn làm các thí nghiệm, thầy giáo môn Sinh học đã cho rằng đó là một ý định nực cười.
Giáo sư John Gurdon chia sẻ giải Nobel Y học 2012 cùng giáo sư Shinya Yamanaka của Đại học Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: rupress.org
Giáo sư John Gurdon chia sẻ giải Nobel Y học 2012 cùng giáo sư Shinya Yamanaka của Đại học Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: rupress.org 
"Các thí nghiệm không dẫn tới kết quả là hiện tượng bình thường. Nhưng hồi ấy, cứ mỗi khi không thu được kết quả sau thí nghiệm, tôi lại nghĩ có lẽ thầy giáo đã nói đúng về năng lực của tôi", Gurdon kể lại.
Những thí nghiệm thất bại khiến Gurdon quyết định từ bỏ đam mê nghiên cứu khoa học. Ông đăng ký học về văn minh cổ đại ở trường Cao đẳng Christ Church thuộc Đại học Oxford. Nhưng sau đó ông chuyển sang ngành Sinh học.
Khi làm luận án tiến sĩ tại Đại học Oxford vào năm 1960, ông phát hiện ra rằng mọi tế bào trong cơ thể đều chứa các gene giống nhau. Đây là lần đầu tiên giới khoa học chứng minh được giả thuyết này.
Vào năm 1962, John Gurdon đã phát hiện ra rằng sự chuyên môn hóa của tế bào có thể đảo ngược. Trong thí nghiệm của mình, ông đã thay thế nhân tế bào chưa trưởng thành trong một tế bào trứng ếch bằng nhân của một tế bào ruột trưởng thành. 
Kết quả là tế bào trứng bị biến đổi này vẫn phát triển thành một con nòng nọc bình thường. ADN của tế bào trưởng thành vẫn có tất cả các thông tin cần thiết để phát triển tất các các loại tế bào cơ thể ếch.
Gurdon nói rằng có thể ông sẽ dành khoản tiền thưởng của giải Nobel, tương đương 1,2 triệu USD, cho một quỹ do ông sáng lập để hỗ trợ các nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Theo VTC News