Trong cuốn sách dành cho các bé chuẩn bị bước vào lớp 1 với tên: “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân Trí có hình ảnh lá cờ Trung Quốc được cắm trên cổng trường. Và sự việc này đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận khi một học sinh đặt câu hỏi “Vì sao không giống cờ nước mình?”.
GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. |
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
“Nếu cuốn sách đó mua bản quyền từ tác giả Trung Quốc và dịch về tiếng Việt Nam thì người dịch không có quyền thay đổi, tức là dịch nguyên văn. Đó là nguyên tắc tôn trọng bản quyền. Nếu là sách biên soạn lại cho người Việt Nam, đã Việt Nam hoá rồi thì lại là chuyện khác.
Tôi chưa đọc và không biết nội dung của cuốn sách đó. Nếu là cuốn sách có nội dung tốt không xúc phạm đến người Việt Nam, ảnh hưởng đến chủ quyền Việt Nam thì cũng không có vấn đề gì phải băn khoăn khi có lá cờ của Trung Quốc trên nóc ngôi trường trong tranh. Vả lại đó là cuốn sách người ta viết cho dân của người ta, mình thấy hay nên dịch lại thôi”.
Ông Thi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể dịch một cuốn sách của Mỹ hoặc nước khác và nếu có một ngôi trường của Mỹ thì chẳng lẽ ngôi trường của Mỹ lại treo cờ Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn đó là tác giả nước ngoài viết và mình dịch lại.
"Nếu sách của người Việt Nam viết thì đó là một điều sơ suất và không nên. Đây là sách dịch và người dịch phải tôn trọng tính nguyên vẹn của tác phẩm ban đầu. Nếu thay đổi so với nguyên bản thì đó lại là một việc vi phạm quy định về bản quyền", GS. Đào Trọng Thi cho hay.
Trang 16 cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của Nhà xuất bản Dân Trí đăng cờ của Trung Quốc - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Khi được hỏi về lý do cuốn sách được dịch sang tiếng Việt Nam liệu có phải là do chúng ta đang thiếu những cuốn sách hay dành cho lứa tuổi này, ông Đào Trọng Thi cho biết: “Dù chúng ta có thể đã có những cuốn sách hay cho trẻ nhỏ của các tác giả trong nước nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần dịch những cuốn sách hay từ nước ngoài. Bản thân, những cuốn sách hay của chúng ta cũng được người nước ngoài dịch sang tiếng nước họ. Đó là một sự giao lưu văn hoá chung của nhân loại”.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ cần phải tiếp thu tinh hoa của tất cả các nước để phát triển mà. Việc dịch sách không liên quan đến bất cứ mối quan hệ ngoại giao nào. Vấn đề ở phạm vi nào thì để nguyên ở phạm vi đó.
Tôi nghĩ là không nên gán ghép những vấn đề liên quan đến chính trị vào quá trình giao lưu văn hoá như thế này. Dư luận cũng cần có sự xác đáng trong việc này. Từ trước đến giờ đã có rất nhiều tác phẩm hay, kinh điển của Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Việt và được chúng ta tiếp nhận đó thôi”, GS. Thi chia sẻ.
Quang Tuệ