Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là Giáo sư Y khoa

08/01/2021 07:06
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Trần Diệp Tuấn đã công bố 43 bài báo khoa học trong nước, 6 bài báo tiếng Anh trong nước, 57 bài báo khoa học quốc tế và nhận nhiều giải thưởng quốc tế.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư ngành Y học năm 2020. Ông sinh năm 1967, quê ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã có Quyết định công nhận Hội đồng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 21 thành viên, trong đó, Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Bí thư Đảng uỷ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường.

Trước khi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường, ông là Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Y của trường.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn hiện là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Trần Diệp Tuấn hiện là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Phạm Minh)

Ông cũng là cựu sinh viên của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp ngành Y khoa, chuyên ngành Bác sĩ chuyên khoa Nhi.

Sau đó, ông được cấp bằng Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Nhi khoa và là Nghiên cứu sinh ngành Y Học, chuyên ngành Khoa học Sinh sản, Phát triển và Lão hóa tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).

Năm 2005, Giáo sư Trần Diệp Tuấn được cấp chứng nhận Hậu Tiến sĩ ngành Y học, chuyên ngành Thần kinh của Đại học Michigan (Hoa Kỳ). Ông được công nhận chức danh Phó giáo sư ngành Y học vào ngày 18 tháng 11 năm 2009.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn theo đuổi 4 hướng nghiên cứu chính, bao gồm Đau: nghiên cứu về chức năng của não bộ trong cảm nhận đau; Nhi khoa: nghiên cứu về bệnh lý thần kinh, nhiễm trùng và chất lượng cuộc sống của trẻ em; Điều dưỡng: nghiên cứu các mô hình chăm sóc và can thiệp trong chăm sóc điều dưỡng; Giáo dục y khoa: nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp giáo dục y học hiện đại.

Về kết quả đào tạo, Giáo sư Trần Diệp Tuấn đã hướng dẫn thành công cho 5 Nghiên cứu sinh bảo vệ luận án Tiến sĩ; 2 học viên chuyên khoa 2 bảo vệ luận văn chuyên khoa 2; 13 học viên cao học bảo vệ luận văn Thạc sĩ.

Về thành tựu nghiên cứu khoa học, Giáo sư đã nghiệm thu 1 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ; 1 đề tài quốc tế cấp Bộ của Nhật Bản; 7 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Ngoài ra, ông cũng đã hoàn thành 8 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, không đăng ký nhận kinh phí và nghiệm thu.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn đã công bố 43 bài báo khoa học trong nước, 6 bài báo tiếng Anh trong nước, 57 bài báo khoa học quốc tế.

Giáo sư còn là chủ biên, tham gia biên soạn nhiều cuốn sách phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, bao gồm sách chuyên khảo, sách giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo tiếng Anh,...

Giáo sư Trần Diệp Tuấn vinh dự được nhận nhiều giải thưởng Quốc gia, Quốc tế, bao gồm giải thưởng John J. Bonica Fellow Award của International Association for the Study of Pain (IASP) vào năm 2002; Giải nhì Bài báo quốc tế tại Đại học Tokyo vào năm 2003; Giải thưởng Outstanding Fellow Award của International Brain Research Organization (IBRO) vào năm 2004; Giải thưởng Fellowship Award của Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ về Thần kinh và Đột quỵ và Tổ chức Y tế Thế giới (NINDS/WHO) vào năm 2005 cùng 2 giải thưởng dành cho học viên.

Ông còn tích cực tham gia xây dựng, phát triển Chương trình đào tạo hoặc Chương trình Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

Trong đào tạo Đại học, Giáo sư đã triển khai chương trình đào tạo bác sĩ y khoa theo hướng lồng ghép và dựa trên chuẩn năng lực (Dự án hợp tác quốc tế với Đại học Y Harvard nằm trong Dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách y tế (HPET) của Bộ Y tế); triển khai xây dựng mô hình tổ chức và khảo thí phù hợp với chương trình mới; triển khai xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong chuẩn bị cho công tác kiểm định chương trình theo chuẩn quốc tế trước năm 2023 (Trường đã triển khai thành công kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2017).

Đào tạo sau đại học, Giáo sư Trần Diệp Tuấn đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú Ngoại tổng quát theo mô hình của ACGME; triển khai xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 Chăm sóc giảm nhẹ theo mô hình của ACGME; triển khai xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 2, chuyên ngành Nhi: Huyết học – Ung bướu theo mô hình của ACGME; lên kế hoạch triển khai xây dựng chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú Nội tổng quát, Sản Phụ khoa và Nhi khoa.

Giáo sư còn tham gia thành lập một số đơn vị như Đơn vị Phát triển Giảng viên (Đơn vị này đã xây dựng chương trình đào tạo, phát triển giảng viên nói chung và chương trình phát triển giảng viên thỉnh giảng trên lâm sàng) ; Trung tâm huấn luyện nâng cao mô phỏng lâm sàng (ATCS) đạt kiểm định sơ bộ vào năm 2018 và chuẩn bị cho công tác kiểm định toàn phần vào năm 2022; thành lập Tạp chí tiếng Anh chuyên ngành y dược (MedPharmRes) theo tiêu chuẩn quản trị quốc tế, hướng đến đưa tạp chí vào danh sách ISI/Scopus.

Ngoài ra, Giáo sư Trần Diệp Tuấn còn tham gia tổ chức Hội nghị Quốc gia về Giáo dục Y khoa đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 và xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo trong các trường đại học khối ngành sức khỏe. Chương trình này đã tổ chức thành công khóa 1 (2018-2019) và đang tổ chức khóa 2 (đã hoàn thành đợt 1, còn 2 đợt trong năm 2020).

Ông cũng là thành viên sáng lập Liên minh giáo dục y khoa ASEAN (ASEAN Medical Education Alliance) và là đại diện của Việt Nam tại West Pacific Association for Medical Education (WPAME).

5 Công trình Khoa học tiêu biểu nhất của Gi áo sư Trần Diệp Tuấn:

1. Tran TD, Inui K, Hoshiyama M, Lam K, Kakigi R. Conduction velocity of the spinothalamic tract following CO2 laser stimulation of C-fibers in humans. PAIN, 95:125- 131, 2002.

2. Tran TD, Inui K, Hoshiyama M, Lam K, Qiu Y, Kakigi R. Cerebral activation by the signals ascending through unmyelinated C-fibers in humans: A magnetoencephalographic study. Neuroscience, 113:375-386, 2002.

3. Tran TD, Matre D, Casey KL. An inhibitory interaction of human cortical responses to stimuli preferentially exciting Adelta or C fibers. Neuroscience, 152:798-808, 2008.

4. Tran TD, Wang H, Tandon A, Hernandez-Garcia L, Casey KL. Temporal summation of heat pain in humans: Evidence supporting thalamocortical modulation. PAIN, 150:93- 102, 2010.

5. Casey KL and Tran TD. Cortical mechanism mediating acute and chronic pain in Humans. In Cervero F, Jensen TS (eds), Handbook of Clinical Neurology: Pain, Elsevier, 2006, pp. 159-177.

Phạm Minh