Chủ tịch UBND Bình Dương kiến nghị nhiều chính sách phát triển GD giai đoạn tới

18/04/2023 06:40
Bài và ảnh: Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bình Dương hy vọng thời gian tới, có sự liên kết chặt chẽ hơn trong khu vực Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế, tìm ra nhiệm vụ, giải pháp để phát triển GDĐT.

LTS: Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 2.694,4 km2, xếp thứ 4 trong vùng Đông Nam Bộ. Là địa phương phát triển về công nghiệp, thu hút nguồn lao động từ các tỉnh, thành trên cả nước, mỗi năm, dân số của Bình Dương tăng trung bình khoảng 100.000 dân. Theo đó, số học sinh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, tăng mạnh hằng năm. Điều này tác động lớn đến mọi mặt trong đời sống xã hội nói chung và đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng (về trường lớp, đội ngũ, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...).

Để có góc nhìn toàn diện về giáo dục và đào tạo của địa phương trong thời gian qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.

Phóng viên: Là một địa phương nằm trong vùng Đông Nam Bộ, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 18/4? Đồng thời, ông có kỳ vọng gì thông qua hội nghị này?

Ông Võ Văn Minh: Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có nhiều khu cụm công nghiệp và là nơi có tỉ lệ dân nhập cư khá cao, kéo theo nhiều vấn đề khác mà các tỉnh, thành trong khu vực cần phải giải quyết như vấn đề về việc làm, về an sinh xã hội, về y tế, về giáo dục và đào tạo.

Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo gặp rất nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất,… nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân đến sinh sống và làm việc tại địa phương.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là hết sức quan trọng và cần thiết.

Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá thực trạng giáo dục và đào tạo của các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ trong thời gian vừa qua, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo trong vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Thông qua Hội nghị lần này, Bình Dương cũng hy vọng có được sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ trong quá trình phát triển kinh tế nói chung, tìm ra được những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng để góp phần vào sự phát triển chung, bền vững của đất nước trong tương lai.

Phóng viên: Thời gian qua, phát triển giáo dục và đào tạo tại địa phương đã gặt hái những kết quả tiêu biểu nào, bên cạnh đó có gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào không, thưa ông?

Ông Võ Văn Minh: Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, thu hút được nguồn lao động từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng đông, dẫn đến tình trạng tăng cơ học số lượng học sinh hàng năm khá cao.

Mỗi năm, toàn tỉnh tăng thêm hơn 20.000 học sinh các cấp học. Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng và môi trường giáo dục chất lượng, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Bình Dương luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Từ đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thực hiện tốt với phương châm đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học trên địa bàn đều được đến trường, có chỗ học thuận lợi.

Hằng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là các chủ trương thông thoáng trong thực hiện xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Mỗi năm, toàn tỉnh Bình Dương tăng thêm khoảng 32.000 học sinh các cấp học.

Mỗi năm, toàn tỉnh Bình Dương tăng thêm khoảng 32.000 học sinh các cấp học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số khó khăn của tỉnh Bình Dương trong phát triển giáo dục và đào tạo tại địa phương trong thời gian qua:

Việc tăng dân số cơ học nhanh, dẫn đến gia tăng áp lực an sinh xã hội đối với địa phương, đặc biệt là áp lực đối với việc đáp ứng nhu cầu học tập của con em người lao động. Bình Dương đã xây dựng nhiều giải pháp quy hoạch mạng lưới trường lớp ở các địa phương, các cấp học, tuy nhiên việc xây dựng trường lớp vẫn chưa đáp ứng kịp tình hình học sinh tăng nhanh hằng năm.

Trong thời gian vừa qua, đội ngũ giáo viên nghỉ việc nhiều để chuyển sang làm công việc khác, tuyển dụng không đủ chỉ tiêu do thiếu nguồn tuyển nên số lượng giáo viên còn thiếu nhiều so với định mức.

Đây là trở ngại, thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là điều kiện để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với việc quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, hạ tầng, Bình Dương đã triển khai thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao từ ngoài tỉnh về làm việc đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Đồng thời đảm bảo chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đối với viên chức, người lao động.

Phóng viên: Thưa ông, đối với những chính sách hỗ trợ và phát triển, đặc biệt trong đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, Bình Dương có gặp bất cập gì trong thực tiễn triển khai không?

Ông Võ Văn Minh: Công tác xã hội hoá giáo dục ở Bình Dương rất được quan tâm, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia để huy động sức mạnh của toàn xã hội góp sức đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, mạnh, góp phần giảm áp lực cho các trường mầm non công lập trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các bậc cha mẹ, giúp họ an tâm làm việc.

Tuy nhiên, các quy định về quy hoạch đất đai, quy định về xây dựng công trình trường học, chính sách về chuyển mục đích sử dụng đất về giáo dục còn nhiều khó khăn và bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư nên khó thu hút các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa giáo dục.

Với chủ trương phát triển kinh tế để phục vụ an sinh xã hội, Bình Dương luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục.

Bình Dương huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là các chủ trương thông thoáng trong thực hiện xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Bình Dương huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là các chủ trương thông thoáng trong thực hiện xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương phải phối hợp rà soát quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng trường, lớp và chủ động phân tích biến động dân số, dự báo quy mô học sinh, xây dựng kế hoạch cân đối nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và đội ngũ giáo viên.

Phóng viên: Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, ông có kiến nghị, đề xuất gì để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo Bình Dương trong thời gian tới?

Ông Võ Văn Minh: Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, kiến nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương xem xét:

Thứ nhất, cần có chế độ, chính sách phù hợp, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và đào tạo, nhất là giáo viên mầm non.

Thứ hai, cần có cơ chế thông thoáng trong chính sách về đất đai phục vụ cho giáo dục, có hành lang pháp lý đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xã hội hoá giáo dục nhiều hơn để giảm bớt áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh hiện nay đã có những điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở vật chất, các chế độ chính sách cho nhà giáo được cải thiện, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Với những thành tích đạt được cùng những kinh nghiệm đã có, tôi tin rằng với chặng đường tiếp theo, ngành giáo dục và đào tạo sẽ có những bước tiến mới, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bài và ảnh: Mộc Trà