Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ngành Giáo dục triển khai thực hiện ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 và trong năm học 2022-2023 tới đây sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trong nội dung tập huấn của chương trình mới cho giáo viên ở các module trực tuyến và trực tiếp thì Bộ đã và đang hướng tới nhiều phương pháp dạy học mới, mục tiêu giáo dục cũng mới.
Thế nhưng, sĩ số lớp học ở nhiều trường phổ thông hiện nay đang quá tải, vượt mức trần sĩ số của Bộ quy định - đây thực sự sẽ là thách thức lớn trong quá trình thực hiện chương trình mới bởi ai cũng biết rằng với sĩ số lớp học như hiện nay thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy là điều không hề đơn giản chút nào.
Nhiều trường ở khu vực đô thị hiện nay có sĩ số trên 50/lớp (Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới) |
Lớp học trên 45 học trò đang thức giáo viên đứng lớp
Theo quy định hiện nay, mỗi lớp học ở cấp tiểu học là 35 em, cấp trung học cơ cở và trung học phổ thông là 45 em. Tuy nhiên, nhiều trường học đã vượt qua quy định này, nhất là đối với những trường lớn, trường điểm.
Từ lâu, càng trường lớn, trường có uy tín thì sĩ số học sinh ở các lớp càng đông. Cho dù các địa phương đã quy định tuyển sinh theo địa bàn, siết chặt tuyển sinh đầu cấp theo hộ khẩu 3 năm đối với những trường có thương hiệu.
Thế nhưng, “không hiểu sao” nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở ở các địa phương vẫn có rất nhiều học sinh được tuyển trái tuyến và không theo quy định này. Cũng chính vì vậy mà xảy ra tình trạng có trường thì sĩ số học sinh dưới chuẩn nhưng cũng có nhiều trường thì sĩ số vượt chuẩn - nhất là những trường học ở khu vực đô thị.
Và, ai cũng biết là một khi sĩ số lớp học quá đông thì chất lượng lớp học sẽ khó đảm bảo hoặc những học sinh yếu kém cũng không được giáo viên quan tâm đúng mức vì thời gian không cho phép.
Lớp mà có đến trên 50 học trò thì gần như giáo viên không thể nào có thể quan tâm hết được học trò của mình.
Những môn học mà có nhiều tiết thì giáo viên còn nhớ tên, nhớ mặt, nhớ đặc điểm của học trò, những môn ít tiết thì giáo viên chỉ nhớ được một số em có đặc điểm tiêu biểu mà thôi. Chính vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá của học trò cũng rất khó chính xác.
Bởi lẽ, trong lớp học chỉ cần vài em làm được bài là cả lớp có kết quả giống nhau.
Nhiều em không cần học hành gì cũng có thể vẫn được điểm cao, thậm chí còn điểm cao hơn những em là “tác giả” vì những em nhìn bài của bạn nên chữ viết nắn nót hơn, không phải chỉnh sửa như những em tự làm.
Giáo viên gác kiểm tra cũng đành bất lực vì làm sao quản được một lúc 45 - 50 học trò, thậm chí là còn nhiều hơn mà trong giờ kiểm tra thì em này làm được là có thể truyền bài cho em khác…
Giáo viên giảng dạy trên lớp cũng rất khó quản lý được học sinh - nếu các em không muốn học môn đó. Giáo viên giảng cứ giảng, học trò nghịch vẫn có thể cứ nghịch. Chỉ cần giáo viên quay lên ghi bảng là học trò lại thầm thì trò chuyện với nhau.
Rất khó đổi mới phương pháp dạy học
Những năm qua, ngành giáo dục đã và đang hướng tới các phương pháp dạy học tích cực, các kỹ thuật dạy học mới nhằm chuyển nhiệm vụ sang học trò nhiều hơn để phát huy phẩm chất, năng lực cho các em.
Các lớp đã áp dụng chương trình mới như lớp 1, lớp 2 và lớp 6 hiện nay đang thực hiện nhiều phương pháp dạy học mới nhưng nhiều giáo viên rất khó có thể thực hiện được theo những thay đổi này.
Không phải giáo viên ngại khó, ngại khổ mà cái chính là một bộ phận học sinh chưa có động lực học tập nên các em không chuẩn bị bài được giáo viên phân công. Khi làm việc nhóm, thảo luận nhóm ở lớp thì giáo viên rất khó quản lý được trật tự lớp vì sĩ số lớp học quá đông.
Lớp học thảo luận, tất nhiên sẽ ồn, thậm chí là rất ồn thì ảnh hưởng đến lớp bên cạnh, thậm chí lãnh đạo nhà trường đi qua mà thấy lớn ồn ào thì thường nghĩ về năng lực quản lý lớp của giáo viên và đánh giá giáo viên đứng lớp.
Nhưng, thử tưởng tượng 50 học trò mà cùng “thảo luận” thì âm thanh của lớp sẽ tăng lên như thế nào bởi ai cũng biết học trò bây giờ không dễ dàng để quát nạt hay động viên mà các em biết vâng lời ngay.
Thảo luận nhóm đôi khi lại trở thành “cơ hội” cho học sinh nói chuyện và cũng là điểm yếu chết người khi đồng nghiệp dạy các lớp bên cạnh hoặc lãnh đạo nhà trường tình cờ đi qua bắt gặp.
Chính vì vậy, đa phần việc thảo luận nhóm hoặc giao các phần việc tập thể cho học trò rất ít được giáo viên áp dụng trong dạy học. Những công việc này chủ yếu mới dừng lại ở những tiết thao giảng hay những tiết có giáo viên dự giờ mà thôi.
Không giảm được sĩ số lớp, đổi mới giáo dục sẽ rất khó khăn
Việc ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình mới với rất nhiều mục tiêu khác nhau nhưng ai cũng thấy những khó khăn mà giáo viên sẽ phải đối mặt, đó là tình trạng sĩ số nhiều trường học ngày càng gia tăng.
Nhưng, phòng học không tăng, giáo viên không tăng, thậm chí còn bị tinh giản biên chế hoặc điều chuyển đi trường khác. Càng trường lớn thì giáo viên càng áp lực về định mức tiết dạy và sĩ số lớp học càng nhiều.
Vì thế, việc đổi mới giáo dục mà chỉ dừng lại ở việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học thì hiệu quả giáo dục rất khó chuyển biến.
Muốn chất lượng được cải thiện và mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt được thì việc kéo giãn sĩ số lớp hiện nay là điều mà các cấp lãnh đạo phải tính đến đầu tiên.
Trong lúc phòng ốc chưa có thể đầu tư ngay được thì việc siết tuyển sinh đầu vào đúng tuyến ở tiểu học và trung học cơ sở đối với những trường lớn là điều cần thiết. Nếu việc tuyển sinh đầu cấp hạn chế bớt tiêu cực thì tình trạng quá tải như một số trường hiện nay sẽ được khắc phục dần.
Chúng tôi cho rằng với sĩ số quy định như hiện nay là 35 em ở tiểu học và 45 em ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn là con số quá nhiều.
Càng ít học sinh thì giáo viên càng có nhiều cơ hội để vận dụng các phương pháp dạy học, sát sao được với học trò và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng mới có thể đạt được.
Còn nếu sĩ số lớp học ở một số nơi vẫn quá tải như hiện nay thì rất khó đổi mới việc dạy và học trong các nhà trường phổ thông. Từ đó, tình trạng dạy thêm, học thêm cũng không thể nào chấm dứt được. Vì đây sẽ là nguyên nhân để một số giáo viên kéo học trò đến với lớp học thêm của mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.