Nhiều ngày qua câu chuyện thời khóa biểu lớp 1 của Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) khiến phụ huynh đứng ngồi không yên, thậm chí cuộc sống bị đảo lộn bởi một tuần các con được nghỉ 3 ngày.
Bước vào năm học chưa lâu, nhiều phụ huynh có con theo học tại ngôi trường tiểu học có số lớp 1 “kỷ lục” nhất Thủ đô chưa biết phải làm sao.
Lịch học thay đổi liên tục khiến phụ huynh quay như chong chóng, đến thời điêm này cũng chưa biết khi nào ổn định. Nguyên nhân vì trường quá tải, số lớp quá đông.
Sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh thì giáo viên phải dạy làm sao đây? |
Năm nay Trường Tiểu học Chu Văn An có 1.145 học sinh lớp 1 chia làm 23 lớp, trung bình mỗi lớp có 49 học sinh. Trong khi đó, phòng học nhà trường có hạn, bởi vậy, nhà trường phải đưa ra phương án học 4 ngày/tuần (tương ứng 8 buổi/ngày) và có học luân phiên thứ 7.
Điều này có nghĩa lớp 1 sẽ học 4 ngày trong tuần và được nghỉ 3 ngày, phương án này vấp phải sự phản đối dữ dội từ phụ huynh. Số ngày nghỉ trong tuần nhiều, phụ huynh phải đâu đầu việc gửi con ở đâu. Một điều éo le nữa đó là vào ngày cuối tuần bố mẹ được nghỉ còn con lại đi học.
Ngày 14/9, Ban giám hiệu nhà trường đã chính thức lên tiếng thừa nhận phương án trên cũng gây khó khăn cho phụ huynh. Nhà trường đã báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Mai và đã được chấp thuận phương án tạm thời trước mắt là tổ chức mô hình học cho học sinh toàn trường 1 buổi/ngày.
Bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu được phụ huynh đồng ý sẽ thay đổi tổ chức mô hình học chỉ còn một buổi/ngày. Ảnh: Vũ Phương |
Bà Lê Thị Thuê – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết: “Thực tế là quá tải từ đầu năm học. Bởi vậy, chúng tôi đã báo cáo bằng văn bản lên các cấp để xin hướng chỉ đạo.
Trường có tổng cộng 57 lớp (khối 1 có 23 lớp; khối 2 có 13 lớp; khối 3 có 9 lớp, khối 4 có 7 lớp, khối 5 có 5 lớp). Trong khi đó, trường chỉ có 41 phòng học nên phương án tối ưu nhất là xếp thời khóa biểu học 4 ngày/tuần, có học luân phiên thứ 7.
Phương án này phụ huynh không đồng tình, còn phương án tối ưu nữa đó là tổ chức cho học sinh toàn trường học 1 buổi/ngày. Cụ thể, khối 1,2 sẽ học buổi sáng, khối 3,4,5 học vào buổi chiều (từ thứ 2 đến thứ 6). Phương án này sẽ khắc phục được tình trạng học sinh phải học “gối”, học luân phiên..
Dự kiến vào ngày Chủ nhật 16/9, chúng tôi sẽ tổ chức họp phụ huynh để xin ý kiến, nếu nhận được sự chia sẻ, đồng tình của phụ huynh, trường sẽ triển khai ngay trong ngày 17/9”.
Nói về nguyên nhân năm nay học sinh lớp 1 của trường tăng đột biến, tăng 16 lớp so với năm ngoái, bà Lê Thị Thêu cho hay: “Nguyên nhân là do khu vực này có đến 76 tòa chung cư, nhưng chỉ có 2 trường học là Tiểu học Chu Văn An và Tiểu học Hoàng Liệt. Nhu cầu các con đến tuổi đi học lớn mà số trường, số lớp không thay đổi nên quá tải.
So với kế hoạch tuyển sinh năm nay, trường nhận thêm 200 học sinh trong độ tuổi vào lớp 1. Đây là những trường hợp được phường xác nhận mới về tạm trú trên địa bàn thuộc tuyến tuyển sinh của Trường tiểu học Chu Văn An.
Trước đó, theo kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm học 2018-2019, Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai chỉ giao chỉ tiêu cho trường là 964 học sinh dựa trên căn cứ vào kết quả điều tra phổ cập giáo dục trên địa bàn phường”.
Lớp 1 Trường Tiểu học Chu Văn An, nhiều phòng học nhiều bàn có đến 3 học sinh ngồi học. Ảnh: Vũ Phương. |
Theo báo cáo của trường Tiểu học Chu Văn An gửi phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Mai, hiện nay, phường Hoàng Liệt có trên 85.000 dân, tăng 10.000 so với năm 2017. Toàn phường có 82 tòa chung cư, trong đó 76 tòa đã được sử dụng, nhưng chỉ có 2 trường tiểu học công lập là Chu Văn An và Hoàng Liệt.
Trước kỳ tuyển sinh năm học 2018 - 2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đã nghiên cứu rất kỹ mô hình học cho Trường Tiểu học Chu Văn An và đưa ra 3 phương án.
Với phương châm “dù khó khăn đến đâu, ngành giáo dục cũng phải cố gắng khắc phục để đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn đều phải được có chỗ học” nên phương án tối ưu nhất đối với trường Tiểu học Chu Văn An là tổ chức học 4 ngày/tuần (tương ứng 8 buổi/ngày), có học luân phiên thứ 7.
Mô hình này cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chấp thuận cho áp dụng đối với các khu vực nội thành, khu chung cư, đô thị ở Hà Nội có số lượng người dân đến sinh sống đông, số lượng trường học không đáp ứng kịp.
Phương án hai, nhà trường sẽ tổ chức mô hình học 1 buổi/ngày, phương án này đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương án này học sinh sẽ được nghỉ ở nhà một buổi.
Phương án ba, nhà trường bố trí sĩ số 70 học sinh/lớp; 68 học sinh/lớp khối 2, 3, 4, 5 thì số lớp học vừa đủ với số phòng học của trường, đảm bảo tổ chức học 2 buổi/ngày cho học sinh toàn trường. Tuy nhiên, phương án này vướng vào quy định của Sở về sĩ số học sinh/lớp.
Riêng khối 1 Trường Tiểu học Chu Văn An năm nay tăng thêm 16 lớp, nâng lên 23 lớp 1. Ảnh: Vũ Phương. |
Quan sát và tìm hiểu phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào chiều 14/9 cho thấy thực tế học sinh khối lớp 1 phải học trong điều kiện 3 em học sinh ngồi một bàn rất nhiều.
Không gian phòng học vốn được thiết kế một lớp chỉ trên 30 học sinh, nay phải gồng gần gấp đôi. Vì vậy nhà trường buộc phải kê thêm bàn ghế khiến lớp học khá chật chội.
Trả lời phóng viên, bà Lê Thị Thêu cũng chia sẻ: “Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến góp ý của phụ huynh và cũng mong phụ huynh chia sẻ.
Trường cũng mong phụ huynh góp ý và có phương án để làm sao tốt nhất cho các con và thuận tiện cho phụ huynh”.
Trong khi đó, không ít phụ huynh đến đón con khi được phóng viên thông tin sang tuần các con có thể sẽ chỉ còn học một buổi/ngày. Tức là các con chỉ học buổi sáng đối với khối 1 và buổi chiều các khối còn lại từ thứ 2 đến thứ 6.
Lớp học quá đông, sáng trẻ phải mang chăn, gối đến trường, tối lại mang về |
Một phụ huynh đã khá bất ngờ về phương án này, bởi đến thời điểm này chưa được nhà trường thông báo. Hơn nữa, nếu cuối tuần mới họp mà hôm sau đã áp dụng ngay sẽ rất khó xoay sở.
Phụ huynh này cũng chưa biết tính sao nếu con chỉ đi học một buổi thay vì 2 buổi/ngày như trước. Tuy nhiên, vị phụ huynh này cũng chia sẻ với trường vì không có phương án gì hơn.
Nguyên nhân được phụ huynh này cho rằng đó là do phát triển nóng quá nhiều chung cư, số trường không thay đổi. Lẽ ra khi cấp phép cho họ xây dựng chung cư, điều kiện chủ đầu tư phải xây trường cho con em chung cư học.