Chưa đăng tải 3 công khai năm học 2022-2023, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM nói gì?

04/03/2024 06:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, việc thực hiện ba công khai đối với năm học gần đây nhất là đang chậm hơn so với quy định.

Nhà trường chậm công bố báo cáo ba công khai vì còn thực hiện nhiều công tác khác

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc thực hiện công bố báo cáo ba công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, hiện không tìm thấy dữ liệu báo cáo ba công khai trong năm học gần đây nhất là năm học 2022-2023 Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

Về việc này, trao đổi với phóng viên trong ngày 21/2, Tiến sĩ Trần Văn Phúc - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, việc thực hiện ba công khai đối với năm học gần đây nhất là đang chậm hơn so với quy định. Nhà trường cũng đang chuẩn bị để thực hiện việc này.

bc ba công khai.jpg
Dữ liệu báo cáo ba công khai của năm học gần nhất trên trang web của Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh là năm học 2021 - 2022. Ảnh chụp màn hình ngày 27/2

Lý giải thêm về điều này, thầy Phúc cho biết: "Do thời gian trước Tết Nguyên đán nhà trường cũng thực hiện đồng thời nhiều công tác khác, trong đó có việc rà soát quy trình đào tạo và các công việc khác nên chưa kịp đẩy báo cáo ba công khai của năm học 2022 - 2023 lên hệ thống.

Trên thực tế báo cáo nhà trường cũng hoàn thành rồi, nhưng trong quá trình kiểm tra lại thì chúng tôi thấy có một số nội dung cũng chưa được hoàn chỉnh nên chúng tôi có đề xuất lãnh đạo nhà trường là xin hoãn lại. Để báo cáo đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường, các số liệu chúng tôi cần phải được chuẩn bị kỹ. Chúng tôi cũng sẽ sớm thực hiện việc này.

Cái này chắc chắn là chúng tôi phải làm, vì nếu không làm nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều công tác khác của nhà trường. Trong đó có liên quan đến kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định trường yêu cầu chúng tôi phải đáp ứng điều kiện trên".

Theo ghi nhận của phóng viên đến thời điểm ngày 27/2, ở mục "báo cáo ba công khai" của Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, dữ liệu báo cáo ba công khai của năm học gần đây nhất vẫn là của năm học 2021 - 2022.

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư 36 quy định về hình thức và thời điểm công khai đối với cơ sở giáo dục đại học nêu rõ: "Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan".

Nhiều năm không có giảng viên cơ hữu là giáo sư

Về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên ghi nhận trong các năm học có dữ liệu báo cáo ba công khai, nhiều năm liền nhà trường không có giảng viên chức danh giáo sư. Số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư không có nhiều biến động qua các năm.

Cụ thể, năm học 2021 - 2022, trường đại học này có tổng số 289 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 11 giảng viên chức danh phó giáo sư, 83 tiến sĩ, 199 thạc sĩ và 7 trình độ đại học. Giảng viên chức danh phó giáo sư được bố trí nhiều nhất trong Khối ngành V với tổng số 10 người.

Tìm hiểu thêm của phóng viên tại báo cáo ba công khai về quy mô đào tạo năm học 2021-2022 cho thấy, năm học này nhà trường đào tạo 17 tiến sĩ, 230 thạc sĩ. Số lượng tiến sĩ và thạc sĩ được đào tạo chỉ có ở Khối ngành V. Khối ngành II chỉ đào tạo trình độ đại học.

Năm học trước đó 2020 - 2021, số liệu báo cáo ba công khai cho thấy, nhà trường có tổng số 278 giảng viên cơ hữu, trong đó có 12 phó giáo sư, 67 tiến sĩ, 195 thạc sĩ và 4 trình độ đại học. Riêng khối ngành V có 11 giảng viên chức danh phó giáo sư.

Trong năm học này, nhà trường có quy mô đào tạo 19 tiến sĩ, 358 thạc sĩ của Khối ngành V. Ở Khối ngành II chỉ đào tạo trình độ đại học.

đồ họa.png
Nhiều năm liền tại Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh không có giảng viên cơ hữu là Giáo sư. Đồ họa: Trung Dũng

Năm học 2019 - 2020, trường đại học này có tổng số 287 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 13 phó giáo sư, 66 tiến sĩ, 201 thạc sĩ và 7 trình độ đại học. Riêng khối ngành V có 12 giảng viên chức danh phó giáo sư.

Trong năm học này nhà trường có quy mô đào tạo 19 tiến sĩ, 273 thạc sĩ của Khối ngành V. Ở khối ngành II chỉ đào tạo trình độ đại học.

Năm học 2018 - 2019, nhà trường có tổng số 278 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 12 phó giáo sư, 59 tiến sĩ, 199 thạc sĩ và 8 trình độ đại học. Số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư phân bố ở Khối ngành V là 11 người.

Trong năm này nhà trường có quy mô đào tạo 23 tiến sĩ, 260 thạc sĩ và 5.953 đại học của Khối ngành V. Ở Khối ngành II chỉ đào tạo trình độ đại học.

Năm học 2017 - 2018, thống kê trong báo cáo ba công khai cho thấy nhà trường có tổng số 290 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 1 giáo sư, 6 phó Giáo sư, 50 tiến sĩ, 217 thạc sĩ và 16 trình độ đại học.

Trường làm gì để tăng giảng viên chức giáo sư, phó giáo sư?

Chia sẻ thêm về nguyên nhân của việc nhà trường từng có giảng viên là Giáo sư nhưng sau đó lại suy giảm, lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Trước đây nhà trường có 1 giảng viên là giáo sư, tuy nhiên sau đó giảng viên này bị bệnh và đột ngột qua đời cho nên hiện trường không có giảng viên nào có chức danh là giáo sư".

Bên cạnh đó, thầy Phúc cũng thừa nhận về việc nhà trường đang phát triển khá chậm về đội ngũ giảng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư, qua đó cho rằng, điều này xảy ra là do ảnh hưởng bởi một số yếu tố đặc thù của ngành.

thiet-ke-noi-that-dai-hoc-kien-truc-tp-hcm.jpg
Ảnh: Website nhà trường

"Ở trường có một số ngành kiến trúc có yếu tố liên quan đến nghệ thuật, năng khiếu, trong khi các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu chung với chức danh giáo sư hay phó giáo sư ở các ngành này rất khó để đạt được.

Trong đó có yêu cầu về bài báo khoa học, các tiêu chuẩn cứng về tiêu chuẩn quốc tế đối với ngành kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng nó khó hơn so với các ngành kỹ thuật đơn thuần ở các trường đại học khác.

Vì thế, lâu nay nhà trường đã có những chính sách ưu đãi để hỗ trợ và thu hút giảng viên nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, lực lượng giáo sư và phó giáo sư đối với các ngành này là không nhiều nên quá trình tuyển dụng cũng không hề đơn giản", thầy Phúc bày tỏ.

Phóng viên đặt câu hỏi, liệu với số lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư đang hiện có thì nhà trường có gặp khó khăn gì trong quá trình giảng dạy và đào tạo của nhà trường hay không? Đặc biệt trong việc đào tạo sau đại học.

Về việc này, lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhà trường không gặp phải khó khăn gì.

"Theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chủ trì ngành đào tạo bậc đại học chỉ cần tiến sĩ. Trong khi đó, tỷ lệ tiến sĩ của trường hiện nay là dư so với quy định.

Đối với đào tạo sau đại học với số lượng phó giáo sư hiện nay cũng dư so với chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường.

Năm 2023 đã có đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào trường và nhà trường đã đáp ứng tất cả các yêu cầu về năng lực đào tạo", thầy Phúc nói thêm.

Chia sẻ thêm về định hướng để có thể "cải thiện" về số lượng đội ngũ giảng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư trong thời gian sắp tới, vị này cho biết trước mắt sẽ tạo điều kiện cho các giảng viên tham dự các hội thảo quốc tế. Trong đó, sẽ hỗ trợ các giảng viên viết bài và tạo cơ hội được đăng trên các tạp chí quốc tế có tiếng.

"Ngoài ra, trong quy chế chi tiêu nội bộ chúng tôi cũng hỗ trợ các thầy cô một phần chi phí để họ có thể viết báo. Hơn nữa, nếu giảng viên có bài báo quốc tế được đăng thì chúng tôi cũng có cơ chế để thưởng cho họ, mức cao nhất lên tới 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó nhà trường cũng luôn tạo điều kiện để đội ngũ giáo sư và phó giáo sư trong việc giảng dạy, nghiên cứu và viết báo. Ngoài yếu tố về tài chính thì đội ngũ nhân lực hỗ trợ, các phòng ban hỗ trợ cho các thầy cô cũng được chúng tôi chú trọng.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về lương và hệ số tính dạy vượt giờ đối với các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư trong trường đang rất là cao.

Các điều kiện về giảng dạy, chỗ làm việc của các giáo sư và phó giáo sư cũng được ưu tiên hơn, đặc biệt khi các thầy cô tham gia giảng dạy ở các chương trình tiên tiến quốc tế thì mức thù lao cũng đang cao hơn so với các đơn vị khác và cao hơn hẳn so với các chương trình đại trà.

Trong việc này nhà trường cũng đốc thúc rất nhiều lần, tuy nhiên tiêu chuẩn đối với chức danh giáo sư và phó giáo sư ngày càng "siết" hơn, đặc biệt là với tiêu chuẩn phải có bài báo khoa học quốc tế nên chúng tôi cũng gặp khó trong việc phát triển đội ngũ này", Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhấn mạnh.

Trung Dũng