Chưa được bù trừ khối lượng giảng dạy và NCKH nên GV chưa chuyên tâm nghiên cứu

21/09/2022 08:59
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tiến sĩ Mai Anh Khoa: Năm học vừa qua, nguồn thu từ chuyển giao công nghệ của ĐH Thái Nguyên khoảng 70 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% nguồn thu của đại học.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Anh Khoa, Phó Ban Khoa học Công nghệ và Đối ngoại (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ, nhà trường là đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyển giao công nghệ luôn được xác định là một thực thể hữu cơ góp phần thúc đẩy sự phát triển và khẳng định vai trò của Đại học Thái Nguyên.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ của Đại học Thái Nguyên hiện nay vẫn đang gặp phải một số thách thức.

Tiến sĩ Mai Anh Khoa (nguồn website Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên)

Tiến sĩ Mai Anh Khoa (nguồn website Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên)

“Trong năm vừa qua, nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên khoảng 70 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp của đại học.

Nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ khá thấp so với tổng thu, chủ yếu ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, một phần nhỏ thuộc lĩnh vực công nghệ cao như: điện, điện tử và cơ khí, công nghệ thông tin, giáo dục”, Tiến sĩ Mai Anh Khoa cho biết.

Thực tế, nguồn thu tài chính từ các trường đại học hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ học phí, trong khi đó, nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ chưa nhiều. Dẫn tới tình trạng này, Phó Ban Khoa học Công nghệ và Đối ngoại (Đại học Thái Nguyên) lý giải chủ yếu do một số vấn đề đang tồn tại từ phía các trường đại học và từ nguồn lực khoa học công nghệ.

Riêng đối với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ của Đại học Thái Nguyên, Tiến sĩ Mai Anh Khoa cho biết còn đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như:

Thứ nhất, chưa có chính sách khuyến khích phù hợp để tạo động lực cho giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (chế độ làm việc của nhà giáo, định mức hoạt động khoa học công nghệ,..).

Quy định về chế độ làm việc của nhà giáo chưa phù hợp, cụ thể, các giảng viên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy (chiếm 2/3 khối lượng công việc); 1/3 khối lượng công việc dành cho hoạt động khoa học công nghệ. Hiện nay, chưa có chính sách bù trừ khối lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học để khuyến khích các giảng viên tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dẫn đến việc các giảng viên phải lo hoàn thành định mức giảng dạy thay vì nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách phối hợp triển khai các dự án R&D với địa phương, doanh nghiệp trong việc sử dụng tài sản công (trang thiết bị, phòng thí nghiệm) để nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.

Thứ ba, thủ tục pháp lý trong vấn đề sở hữu trí tuệ phức tạp, mất nhiều thời gian dẫn đến việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu.

Thứ tư, nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ quá thấp, nếu tính trên bình quân các giảng viên tại trường đại học (năm 2021 Đại học Thái Nguyên đạt 4 triệu đồng/giảng viên).

Nguồn chi cho hoạt động chuyển giao công nghệ của các địa phương, doanh nghiệp chưa nhiều (ngân sách địa phương cấp cho các hoạt động khoa học công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,1 - 0,5 tổng chi ngân sách).

Thứ năm, nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ xấp xỉ nguồn chi ra khi thực hiện (thu - chi = 0) nên không hình thành được các quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Thứ sáu, các trường đại học không chủ động được nguồn kinh phí thông qua việc tự hình thành các quỹ phát triển khoa học công nghệ nên việc triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng còn gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên còn gặp phải một vài khó khăn vướng mắc. Ảnh minh họa: Website Đại học Thái Nguyên

Hoạt động chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên còn gặp phải một vài khó khăn vướng mắc. Ảnh minh họa: Website Đại học Thái Nguyên

Từ những khó khăn, vướng mắc, Tiến sĩ Mai Anh Khoa đưa ra một số giải pháp khắc phục.

“Để khai thông được điểm nghẽn trong chuyển giao công nghệ ở trường đại học cần xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành quỹ nghiên cứu phát triển với các trường đại học (R&D); cần có chính sách đặc thù về tài sản công trong góp vốn, cổ phần với doanh nghiệp trong hoạt động R&D; bên cạnh đó cần đưa ra cụ thể những ưu tiên, ưu đãi về thuế đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp khoa học công nghệ, ưu tiên quy hoạch sử dụng đất trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ).

Ngoài ra, cần thành lập quỹ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ đối với giảng viên, cụ thể, tăng định mức hoạt động khoa học công nghệ đối với giảng viên và được bù trừ với định mức giảng dạy; xây dựng các chương trình, tập huấn về R&D cho giảng viên.

Một trong các yếu tố quan trọng nữa là phải đẩy nhanh các thủ tục trong công tác sở hữu trí tuệ, có chính sách hỗ trợ, xây dựng cầu nối đối với hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học”, Tiến sĩ Mai Anh Khoa nhấn mạnh.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có trên 3.800 viên chức và người lao động, trong đó có 2.454 cán bộ giảng dạy, với 814 giảng viên có trình độ tiến sĩ (đạt tỷ lệ 33,1%), 135 giáo sư, phó giáo sư (đạt tỷ lệ 5,5%). Đơn vị xác định 3 trụ cột phát triển chính gồm: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tư vấn chính sách có hiệu quả.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2022, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên đã thực hiện 30 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Các lĩnh vực được triển khai gồm: Y dược với 5 nhiệm vụ; Nông nghiệp 8 nhiệm vụ; Kỹ thuật công nghệ 7 nhiệm vụ; Khoa học xã hội và nhân văn 10 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ triển khai đã đem lại hiệu quả ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, công nghệ thông tin, văn hóa xã hội... góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.[1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baothainguyen.vn/tin-tuc/khoa-hoc-cong-nghe/dai-hoc-thai-nguyen-thuc-hien-30-nhiem-vu-khoa-hoc-cong-nghe-cap-tinh-304771-99.html

Trần Lý