Trưởng phòng KH-CN chỉ ra 8 điểm nghẽn khi trường ĐH chuyển giao công nghệ

20/09/2022 06:43
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã triển khai nhiều sản phẩm có triển vọng thương mại hóa.Tuy nhiên, việc kết nối với doanh nghiệp, địa phương còn hạn chế.

Thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là nhiệm vụ đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học ưu tiên triển khai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Hoàng Thị Minh Thảo, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung nguồn lực và các hoạt động nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ sẽ tạo dựng cầu nối giữa tri thức khoa học, công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu với nhu cầu và sự phát triển của xã hội.

Trong bối cảnh các trường đại học đang dần tự chủ, hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng sẽ đồng thời làm gia tăng đáng kể nguồn thu ngoài ngân sách của các trường.

Riêng đối với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), theo Phó Giáo sư Hoàng Thị Minh Thảo, mỗi năm, các cán bộ nhà trường thực hiện khoảng trên 60 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí thực hiện khoảng 20-25 tỷ đồng.

Thống kê các khoản thu tài chính của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội trong 3 năm học gần đây (Đơn vị: tỷ đồng). Đồ họa: Anh Trang

Thống kê các khoản thu tài chính của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội trong 3 năm học gần đây (Đơn vị: tỷ đồng). Đồ họa: Anh Trang

Trong năm học 2019-2022 và năm học 2020-2021, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhiều hơn nguồn thu từ học phí (nhiều hơn khoảng 5-7 tỷ đồng). Riêng năm học 2021-2022, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ít hơn nguồn thu từ học phí khoảng gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm tỷ trọng không nhỏ so với tổng nguồn thu từng năm.

Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, hiện nay, việc tiếp cận các nguồn đầu tư khoa học công nghệ từ doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm ứng dụng có giá trị chuyển giao cao còn chưa tương xứng với tiềm lực khoa học và công nghệ của nhà trường.

“Trường đã triển khai khá nhiều nghiên cứu ứng dụng, nhiều sản phẩm có triển vọng thương mại hóa. Tuy nhiên, việc kết nối với doanh nghiệp, địa phương còn hạn chế. Lãnh đạo nhà trường cũng đã quyết tâm, đề ra chiến lược và xây dựng lộ trình thúc đẩy các hoạt động tiếp cận và trao đổi với doanh nghiệp và địa phương để có thể cùng hợp tác triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng, từ đó phát triển mạnh hơn các hoạt động chuyển giao công nghệ”, Phó Giáo sư Hoàng Thị Minh Thảo nói.

Theo Phó Giáo sư Hoàng Thị Minh Thảo, thực tế, hoạt động chuyển giao công nghệ đối với trường đại học còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Thứ nhất, mâu thuẫn về quan điểm sử dụng kết quả khoa học công nghệ.

Thứ hai, các nghiên cứu (là nền tảng quan trọng của chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo) chủ yếu được đặt hàng từ nhà nước.

Thứ ba, cơ chế đầu tư cho khoa học - công nghệ còn nhỏ lẻ, phân tán, dàn trải.

Thứ tư, cơ chế xét chọn cho đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên đề xuất ban đầu của các nhà khoa học hoặc hội đồng khoa học, vai trò tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động này chưa đủ lớn để định hướng được những sản phẩm, dòng sản phẩm có sức hút cao đối với thị trường.

Thứ năm, đa số doanh nghiệp chưa thực sự có nhu cầu và chiến lược đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển, coi đó là một trong những động lực chính để phát triển, chủ yếu vẫn tận dụng các công nghệ và giải pháp có sẵn.

Thứ sáu, thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam mới đang hình thành, chưa thật sự hoàn chỉnh nên chưa tạo ra hạ tầng cơ sở và cơ chế thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thứ bảy, nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thành lập và vận hành doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, chưa có cơ chế phân chia lợi ích khi sử dụng tài sản công cho mục đích thương mại.

Thứ tám, Điểm b và d, Khoản 2, Điều 20, Luật Phòng chống tham nhũng 2020: cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được thành lập cũng như quản lý doanh nghiệp. Đây là rào cản để thành lập các doanh nghiệp spin-off, start-up từ trường đại học.

Hoạt động chuyển giao công nghệ còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Nguồn: VNU

Hoạt động chuyển giao công nghệ còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Nguồn: VNU

Từ những khó khăn, vướng mắc, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ nêu giải pháp để nâng cao nguồn thu từ chuyển giao công nghệ. Trong đó, trường đại học có thể xây dựng chiến lược phối hợp với doanh nghiệp lớn để khai thác lợi thế của đôi bên, tăng cường kết nối thông tin cho các nhà khoa học để nhận dạng và triển khai các nghiên cứu liên ngành, ứng dụng.

Mặt khác, cơ sở giáo dục đại học cũng có thể phát huy vai trò của các phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh trong việc định hướng và phát triển các sản phẩm trọng điểm. Việc tạo dựng và phát triển kênh tương tác chặt chẽ giữa trường đại học với thị trường cũng là một giải pháp quan trọng.

Bên cạnh đó, trường đại học cũng có thể từng bước xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, chú trọng vai trò và tăng cường các hoạt động hỗ trợ, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích rõ ràng và hợp lý giữa nhà trường - nhà khoa học - doanh nghiệp để khuyến khích tài trợ và triển khai các kết quả nghiên cứu ra thị trường, tích cực tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

“Việc kết nối thị trường, tiếp cận doanh nghiệp, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với thực tiễn sẽ được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đẩy mạnh hơn trong thời gian tới”, Phó Giáo sư Hoàng Thị Minh Thảo nhấn mạnh.

Anh Trang