Ngày 7/1 vừa qua, nghiên cứu sinh Hoàng Văn Lương đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học với đề tài: "Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh và giá trị cắt lớp vi tính ngực trong đánh giá nốt đơn độc ở phổi kích thước trên 8mm".
Nghiên cứu sinh Hoàng Văn Lương tại buổi bảo vệ luận án. Ảnh: Tiến sĩ Hoàng Văn Lương cung cấp |
Tiến sĩ Hoàng Văn Lương hiện đang công tác tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi Trung ương.
Trước khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, ông có 6 năm đào tạo chính qui ngành Bác sĩ đa khoa - Đại học Y Hà Nội và theo học hệ cao học 2 năm cũng tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Từ tháng 9/2016 đến 9/2020, bác sĩ Hoàng Văn Lương là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu khoa học Y dược Lâm sàng 108.
Tiến sĩ Hoàng Văn Lương chụp ảnh cũng các thầy cô, đồng nghiệp tại buổi bảo vệ. Ảnh: NVCC |
Về ý nghĩa khoa và thực tiễn của đề tài "Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh và giá trị cắt lớp vi tính ngực trong đánh giá nốt đơn độc ở phổi kích thước trên 8mm", Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ nhấn mạnh, ung thư phổi là bệnh lý ác tính có tỷ lệ mắc và tử vong hàng năm rất cao ở cả hai giới nam và nữ.
Theo số liệu mới công bố của Globocan 2018 thì Ở Việt Nam hàng năm có tỷ lệ mắc mới lá 23.667 trường hợp và tỷ lệ tử vong là 20.710 trường hợp, đứng thứ 2 sau ung thư gan.
Giai đoạn sớm của ung thư phổi thường không có biểu hiện lâm sàng, đa số bệnh phát hiện do tính cờ qua khám sức khoẻ định kỳ hoặc qua sàng lọc ung thư phổi bằng cắt lớp vi tính liều thấp ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Biểu hiện sớm của ung thư phổi thường là những nốt mờ đơn độc trên phim Xquang hoặc cắt lớp vi tính. Tuy nhiên, những nốt mờ này cũng có thể là căn nguyên lành tính như u phổi lành tính, viêm phổi, u nấm phổi, thông động tính mạch phổi...
Các tổn thương lành tính và ác tính thường có những dấu hiệu chồng chéo gây khó khăn cho chẩn đoán gây nhầm lẫn khi đánh giá dẫn đến chẩn đoán sai, bỏ sót chẩn đoán hoặc chẩn đoán muộn. Việc chẩn đoán sớm được ung thư phổi sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Do nốt đơn độc có tỷ lệ gặp trên lâm sàng với tỷ lệ rất cao, trong đó tỷ lệ ác tính là 10 – 68%. Các nốt này có đặc điểm hình ảnh không đặc hiệu, chồng chéo khó đánh giá phân biệt lành hay ác tính. Ở Việt nam, các hướng dẫn chẩn đoán, theo dõi và điều trị những nốt này chưa cụ thể. Để chẩn đoán nốt phổi đơn độc thường dùng cắt lớp vi tính, tuy nhiên qui trình chụp và tiêm thuốc cản quang chưa thống nhất.
Vì vậy, theo đánh giá của Hội đồng chấm luận án, đề tài nghiên cứu sử dụng cắt lớp vi tính đa dãy đầu thu để đánh giá nốt mờ đơn độc ở phổi kích thước trên 8mm cùng với qui trình chụp pha muộn và cắt lớp vi tính động là rất mới ở tại Việt Nam nhằm chẩn đoán sớm ung thư phổi giúp chỉ định điều trị cũng như tiên lượng bệnh phù hợp.
Để đáp ứng được yêu cầu này, đối với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông thường như Xquang hay cả với cắt lớp vi tính nhiều trường hợp gặp không ít khó khăn. Vì vậy nội dung đề tài có tính thời sự khoa học và tính cấp thiết trong thực hành lâm sàng.
Nội dung luận án của Nghiên cứu sinh có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, các kết quả nghiên cứu là cập nhật và cần thiết cho chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
Bác sĩ Hoàng Văn Lương đang công tác tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: NVCC |
Các kết quả mới của luận án. Giá trị sự đóng góp của các kết quả này trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành về mặt lý thuyết và ứng dụng:
- Tác giả đã sử dụng máy cắt lớp vi tính đa dãy để tiến hành nghiên cứu kết hợp chặt chẽ với kỹ thuật mô bệnh học và giải phẫu bệnh, phương pháp nghiên cứu như vậy là có được tính hiện đại, và kết quả nghiên cứu là có được độ tin cậy cao.
- Về những đóng góp mới cho phát triển của chuyên ngành: ở luận án này của nghiên cứu sinh đáng chú ý nhiều hơn cả là đã nghiên cứu ở hai kỹ thuật trong chụp cắt lớp vi tính là cắt lớp vi tính động và cắt lớp vi tính pha muộn, hai kỹ thuật này đã được đánh giá và phân tích kỹ. Từ kết quả này tác giả đã đưa ra nhận xét: áp dụng cắt lớp vi tính pha muộn có khả năng phát hiện ung thư cao gấp 1,8 lần so với cắt lớp vi tính động. Đầy là điểm mới, là điểm đặc biệt đáng chú ý trong luận án.
- cắt lớp vi tính có giá trị cao trong chẩn đoán phân biệt nốt đơn độc ở phổi lành hay ác tính:
+ So với kết quả GPB, cắt lớp vi tính pha muộn có độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự báo dương tính, giá trị dự báo âm tính và độ chính xác lần lượt là: 98,7%, 75,3%, 79,0%, 98,5% và 86,7%
+ So với kết quả MBH sau phẫu thuật, cắt lớp vi tính pha muộn có độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự báo dương tính, giá trị dự báo âm tính và độ chính xác lần lượt là: 94,4%, 88,9%, 89,5%, 94,1% và 91,7%
+ So với kết quả GPB, cắt lớp vi tính động có độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự báo dương tính, giá trị dự báo âm tính và độ chính xác lần lượt là:100,0%, 68,2%, 63,2%, 100,0% và 79,4%.
- Điểm thứ hai là từ 2 kỹ thuật này cũng chẩn đoán được u lành tính khác nhau của phổi như: u lao, viêm phổi, nấm phổi và một số u lành tính khác.
- Điểm thứ 3 là đã nêu rõ được các đặc điểm hình thái, vị trí, kích thước, mật độ… của u phổi cả lành và ác tính.
- Tiếp theo là sự chọn lựa chỉ lấy nghiên cứu các khối u kích thước trên 8mm cũng là điểm riêng của luận án.
Theo đánh giá, đề tài nghiên cứu đã đáp ứng tốt các yêu cầu của một luận án tiến sĩ. Hội đồng chấm luận án nhất trí đề nghị công nhận học tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Hoàng Văn Lương.
Chia sẻ cảm xúc sau khi bảo vệ thành công luận án, Tiến sĩ Hoàng Văn Lương cho hay, quá trình công tác tại cơ sở đầu ngành về bệnh phổi, tiếp xúc với nhiều trường hợp bệnh nhân phát hiện ra bệnh ung thư phổi ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp nhiều bất lợi. Chính vì thế, bác sĩ Lương mong muốn nghiên cứu góp phần đưa ra giải pháp nhằm chẩn đoán sớm ung thư phổi giúp chỉ định điều trị cũng như tiên lượng bệnh phù hợp.
Người thân tặng hoa chúc mừng Tiến sĩ Hoàng Văn Lương. Ảnh: NVCC |
"Một chặng đường dài đã tạm hoàn thành, mọi cố gắng đã tạm thời được đền đáp. Có được kết quả này là sự dày công của 2 thầy hướng dẫn, Thầy Phó Giáo sư.Tiến sĩ Lâm Khánh, Thiếu tướng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu khoa học Y dược Lâm sàng 108, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Thầy Phó Giáo sư.Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, cùng với các Thầy cô trong Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ y học, gia đình và bạn bè đồng nghiệp đã luôn ung hộ để tôi có được thành công này", bác sĩ Lương gửi lời cảm ơn trân trọng đến các thầy cô, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.