Thầy Lương Quốc Hùng (sinh năm 1973) sinh ra và lớn lên ở xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
Năm 2002 sau khi tốt nghiệp ra trường, thấy đảo Thổ Châu đang thiếu nhiều giáo viên, thầy Hùng viết đơn tình nguyện xin ra công tác ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thổ Châu (đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cách thành phố Rạch Giá khoảng 200 km.
Thầy Hùng nhớ lại, lúc bấy giờ, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu khi ấy chỉ có 8 thầy cô, khuôn viên không một bóng cây, lớp không có bảng đen, bàn ghế ọp ẹp.
Các thầy cô phải mất nhiều ngày đóng lại từng chiếc bàn, ghép những tấm ván cũ kỹ thành bảng.
Và lúc đó, trường chỉ có 6 phòng trong đó có một phòng dành cho ban giám hiệu và cũng là nơi hội họp, còn lại 5 phòng dùng cho học sinh buổi sáng và chiều.
Buổi sáng học sinh các khối lớp từ 1 đến 5, buổi chiều từ lớp 6 đến lớp 9. Mỗi khối có một lớp, lớp nhiều nhất khoảng 20 - 25 học sinh, lớp ít nhất 12 - 13 học sinh (chủ yếu là khối trung học cơ sở).
Năm 2002 sau khi tốt nghiệp ra trường, thấy đảo Thổ Châu đang thiếu nhiều giáo viên, thầy Hùng viết đơn tình nguyện xin ra công tác ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thổ Châu (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Từng bước xây dựng, đến nay nhà trường đã có 24 giáo viên mặc dù cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng cơ sở vật chất và việc đi lại vẫn rất khó khăn và số học sinh mỗi lớp cũng rất ít, hiện tại mỗi khối cũng chỉ có 1 lớp.
Cụ thể, lớp 6 có 28 em; lớp 7 có 18 em; lớp 8 có 22 em và lớp 9 có 10 em.
Ngần ấy học sinh bậc trung học cơ sở cùng với số học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng nhà trường chỉ có 4 phòng học nên học sinh các khối phải chia ca sáng, ca chiều, thậm chí học sinh giáo dục thường xuyên thì phải học vào buổi tối. Thầy cô phải thay nhau dạy 2-3 môn.
Phụ trách môn Ngữ văn khối Trung học cơ sở, thầy Hùng luôn trăn trở học sinh ở Thổ Châu chăm học, nhiều em học khá nhưng không có cơ hội cọ xát với bạn bè.
“Năm nào tôi cũng hướng dẫn một số em có năng khiếu môn Văn, nhưng không bao giờ có cơ hội đi thi học sinh giỏi.
“Tôi xác định làm thầy cho đến hết cuộc đời trên xã đảo này” |
Sống ở đảo, các em phải bỏ lỡ nhiều cơ hội thậm chí bản thân các giáo viên cũng không có điều kiện tham gia các cuộc thi”, thầy Hùng nói.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hùng mong muốn, các cơ quan quan tâm nhiều hơn tới hệ thống trường lớp được nâng cấp để học trò có nơi học khang trang hơn; giáo viên được tham gia nhiều kỳ thi hơn đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ có thể bằng hình thức đào tạo từ xa.
Bởi lẽ, hiện nay một số giáo viên có trình độ đại học muốn học lên trình độ thạc sĩ nhưng chưa biết học như thế nào bởi đi lại vất vả khiến việc cập nhật tin tức, mở rộng kiến thức hầu như không có.
Mấy năm gần đây, đảo Thổ Châu đã được kết nối mạng nhưng không ổn định.
Chia sẻ về cái Tết của các thầy cô nơi đây, thầy Lương Quốc Hùng cho hay, Tết sẽ được về thăm nhà 1 tuần lễ tuy nhiên hàng năm chỉ có 1/3 giáo viên về quê ăn tết, số giáo viên còn lại do quê xa mà thời gian nghỉ ngắn nên họ đợi đến nghỉ hè mới về.
Thầy Lương Quốc Hùng phụ trách môn Ngữ văn khối Trung học cơ sở của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nói đến đây, thầy Hùng nhớ lại, cách đây 13 năm thầy cũng ở lại đảo mà không về quê ăn tết với gia đình, hồi đó công nghệ chưa phát triển như bây giờ, điện thoại cũng chưa phổ biến nên các giáo viên chỉ kịp gọi, nghe được một vài câu từ gia đình rồi tụ họp cùng nhau để cùng nhau vượt qua cái tết xa quê.
Được biết, mỗi dịp tết đến xuân về, giáo viên vùng xã đảo Thổ Châu nhận được từ công đoàn nhà trường gói quà trị giá 50.000 đồng.
Với những cống hiến của mình cho trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu, thầy Hùng là một trong 42 cá nhân được vinh danh tại lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2016.