Chương trình liên kết ĐH Xây dựng Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai

12/03/2024 06:23
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở một số cơ sở giáo dục gặp khó khăn về điều kiện đầu vào ngoại ngữ, kiểm định chất lượng chương trình.

Kể từ khi Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/6/2018 Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/10/2020 Quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến có hiệu lực thi hành đã tạo ra một hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (hay còn gọi là chương trình liên kết đào tạo quốc tế).

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế còn gặp một số khó khăn nhất định trong thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là đơn vị có triển khai đào tạo chương trình liên kết với nước ngoài. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Quỳnh Hoa – Trưởng khoa Khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, nhà trường có các chương trình liên kết đào tạo quốc tế như: chương trình liên kết đào tạo dự bị đại học; chương trình liên kết đào tạo quốc tế trình độ cử nhân; và chương trình liên kết đào tạo quốc tế trình độ thạc sĩ.

Trường ĐHXD HN.jpg
Nguồn ảnh: website Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Cụ thể, Phó Giáo sư Hoa cho biết, với chương trình liên kết đào tạo dự bị đại học giữa nhà trường với Cộng hoà liên bang Đức (Trường Dự bị Đại học Nordhausen và Đại học Bauhaus Weimar), sinh viên được học 1 năm tiếng Đức (~800 giờ lý thuyết) để đạt trình độ tiếng Đức B1. Sau đó, sinh viên sẽ thi để học dự bị đại học tại một trường đại học ở Đức. Qua 1 năm học dự bị đại học, sinh viên học chính thức và khi tốt nghiệp sẽ nhận bằng từ phía trường đối tác Đức.

Đối với bậc cử nhân, nhà trường triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế với Đại học Mississippi - Hoa Kỳ ở chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering) và Khoa học máy tính (Computer Sciences), hình thức 2+2. Trong đó, ở giai đoạn 1 (khoảng 2 năm), sinh viên học tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội theo chương trình đã được nhà trường và đối tác thoả thuận. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 học tại Việt Nam, nếu sinh viên của các môn học và trình độ tiếng Anh đạt theo yêu cầu của trường đối tác, sinh viên sẽ sang học tiếp giai đoạn 2 tại Đại học Mississippi - Hoa Kỳ. Hoàn thành chương trình học, sinh viên được Đại học Mississippi - Hoa Kỳ cấp bằng cử nhân.

Ở bậc thạc sĩ, nhà trường triển khai các chương trình liên kết đào tạo với Đại học Quốc gia Đài Loan và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Leipzig (Cộng hoà liên bang Đức) với hình thức 1+1. Theo đó, học viên sẽ có 1 năm học tại trường và 1 năm tiếp theo học tại trường đối tác. Kết thúc chương trình học, học viên cao học nhận bằng do đơn vị đối tác cấp.

Cũng theo Trưởng khoa Khoa Đào tạo Quốc tế, với các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trong trường hợp sinh viên không thể ra nước ngoài học ở giai đoạn 2 do các nguyên nhân khách quan (như ảnh hưởng của dịch COVID-19,…), sinh viên được xem xét nếu đủ các tiêu chuẩn có thể tiếp tục học tại trường và điều chuyển sang các khoa, các ngành hoặc chuyên ngành phù hợp. Khi điều chuyển sang khoa, ngành, chuyên ngành khác, các môn học có nội dung phù hợp với ngành, chuyên ngành sẽ được chuyển đổi và công nhận.

Về học phí của những chương trình liên kết đào tạo quốc tế, theo Phó Giáo sư Hoa chia sẻ, mức học phí của sinh viên, học viên trong giai đoạn học tập tại Việt Nam đều được đề xuất trong đề án tổ chức triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế và được phê duyệt.

Mức học phí của những chương trình đào tạo liên kết quốc tế được nhà trường căn cứ trên các chi phí đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, điều hành, quản lý quá trình đào tạo trong giai đoạn sinh viên, học viên học tập tại Việt Nam. Đồng thời, nhà trường dựa trên việc xem xét số lượng sinh viên, học viên có thể tham gia chương trình liên kết đào tạo quốc tế như thế nào.

Theo thông tin trên website nhà trường, chương trình liên kết đào tạo dự bị đại học giữa nhà trường với Cộng hoà liên bang Đức (Trường Dự bị Đại học Nordhausen và Đại học Bauhaus Weimar) chỉ cho biết "Kinh phí tại Việt Nam: Học sinh nộp các khoản kinh phí phục vụ cho: học tập, luyện thi, thi dự bị đại học, hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ làm các thủ tục hồ sơ du học. Các học sinh đã có chứng chỉ tiếng Đức được giảm học phí tùy theo trình độ".

Thông tin đăng tải trên website nhà trường vào ngày 24/05/2022, đối với bậc cử nhân, chương trình liên kết đào tạo quốc tế của trường với Đại học Mississippi - Hoa Kỳ ở chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering) và Khoa học máy tính (Computer Sciences) có học phí giai đoạn 1 học tại Việt Nam khoảng 60 triệu đồng/năm học (tham khảo học phí năm 2021-2022; học phí giai đoạn 2 học tại Hoa Kỳ khoảng $18.400/năm học (sau khi đã được giảm $6000/năm). Sinh hoạt phí tại bang Mississippi khoảng khoảng $12.000/năm (trong đó, tiền ở khoảng $6.000/năm, $1200 tiền sách, $4600 cho chi phí ăn uống và các chi phí khác).

Trong Đề án tuyển sinh năm 2023, nhà trường thông tin: Sinh viên học theo chương trình 2+2; Giai đoạn I (2 năm) học tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, học phí 60.000.000đ/năm; Giai đoạn II (2 năm) học tại Đại học Mississippi (Hoa Kỳ), học phí theo quy định của Đại học Mississippi (khoảng 20.000USD/năm, đã trừ 6.000USD/năm theo thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với Đại học Mississippi).

Còn theo thông báo tuyển sinh Khóa 16 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Quốc gia Đài Loan niên khóa 2023-2025, học viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh, học phí năm thứ nhất (với 80% kiến thức chương trình) học tại nhà trường là 85 triệu đồng/năm (sinh viên quốc tế học tại trường là 90 triệu đồng/năm). Học phí năm thứ hai học tại trường đối tác khoảng 5.000 USD/năm + sinh hoạt phí khoảng 250 USD/tháng. Mức chi phí thật sẽ được giảm do trường đối tác hỗ trợ và thấp hơn nhiều so với chi phí theo học tại các trường ở Anh, Úc, Mỹ, Nhật hay châu Âu.

Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo theo các mức phạt sau:

"Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đầy đủ nội dung thỏa thuận về mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành".

Bên cạnh những thuận lợi, Trưởng khoa Khoa Đào tạo Quốc tế cũng chỉ ra một số khó khăn khi triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Thứ nhất, số lượng sinh viên học chương trình liên kết đào tạo quốc tế chưa nhiều.

Thứ hai, triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài gặp rào cản do yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đầu vào. Theo cô Hoa, các sinh viên tham gia học chương trình liên kết đào tạo quốc tế của trường phần lớn đều từ khối ngành kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ hầu hết chưa đạt chuẩn đầu vào. Thông thường, những sinh viên chưa đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ phải cần một khoảng thời gian đào tạo tiếng Anh tăng cường để có thể sử dụng thành thạo trong quá trình học tập.

Thứ ba, chi phí đào tạo trong giai đoạn 2 của mỗi chương trình liên kết đào tạo quốc tế khá cao so với đào tạo trong nước.

“Hiện nay học phí các trường đại học quốc tế cao hơn nhiều lần so với học phí của nhà trường mặc dù trường đã dành một số học bổng cho sinh viên học chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Do vậy, chỉ những sinh viên có khả năng tài chính mới có thể tham gia học chương trình liên kết đào tạo quốc tế”, vị Trưởng khoa chia sẻ.

Liên quan đến chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 cũng đã làm rõ hơn các yêu cầu đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Cụ thể, nhằm bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế, tại Khoản 7, Điều 45 về liên kết đào tạo với nước ngoài, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 nêu rõ: “thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định”.

Bàn về quy định thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định, Phó Giáo sư Hoa cho biết, do các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của nhà trường là chương trình do phía đối tác cấp bằng và các trường đối tác thực hiện kiểm định thường xuyên theo định kỳ nên việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được cơ quan kiểm định quốc tế thực hiện.

Còn về phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhà trường thường xuyên kiểm tra đề cương chi tiết của các môn học trong chương trình liên kết đào tạo quốc tế và có đánh giá chương trình. Các điều phối viên của chương trình liên kết đào tạo quốc tế đều viết báo cáo hàng năm gửi lên phòng quản lý đào tạo của trường để phục vụ kiểm tra, giám sát.

Song, theo cô Hoa, muốn thực hiện được việc kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định thì cần phải có thông tư hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện kiểm định chất lượng và kiểm định theo chu kỳ đối với các chương trình này.

Chia sẻ thêm với phóng viên, Trưởng khoa Khoa Đào tạo Quốc tế cho biết, hiện việc triển khai chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài của Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/6/2018 Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/10/2020 Quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trong đó, theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, với trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, đối tượng tuyển sinh phải có trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương; trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đối tượng tuyển sinh phải có trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để các chương trình liên kết đào tạo quốc tế được triển khai thuận lợi, cần xem xét thêm các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đầu vào.

Bởi, Phó Giáo sư Hoa cho rằng, trên thực tế, yêu cầu ngoại ngữ đầu vào chỉ là một yếu tố đánh giá sinh viên, học viên, không phải là yếu tố quyết định tất cả.

Thực tế, có trường hợp sinh viên học chương trình liên kết đào tạo quốc tế được hội đồng tuyển sinh của trường đối tác chấp nhận tham gia chương trình dù chưa đạt yêu cầu ngoại ngữ đầu vào và cho phép sau một thời gian nhất định sinh viên này mới phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc này chưa được đơn vị kiểm định ở Việt Nam chấp nhận.

Vì vậy, để tăng số lượng sinh viên giỏi tham gia các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Phó Giáo sư Hoa cho rằng, cần có thông tư hướng dẫn việc thực hiện kiểm định trong trường hợp nếu như sinh viên, học viên được trường đối tác chấp nhận theo học chương trình liên kết dù chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ đầu vào.

Ngọc Mai