Chương trình liên kết nếu Việt Nam cấp bằng thì bắt buộc phải kiểm định

30/01/2024 06:28
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy nếu cơ sở giáo dục không tiến hành kiểm định chất lượng trong một khoảng thời gian theo quy định thì phải dừng tuyển sinh.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, mô hình đào tạo cử nhân theo chương trình liên kết quốc tế ngày càng nở rộ. Theo đó, sinh viên có cơ hội du học tại chỗ hoặc học 1-2 năm trong nước rồi mới chuyển tiếp du học nước ngoài. Bằng tốt nghiệp có thể do 1 trong 2 đơn vị cấp hoặc sinh viên nhận song bằng.

Tuy nhiên, số lượng các chương trình liên kết quốc tế ngày càng tăng khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng đào tạo. Nhất là nhiều cơ sở giáo dục tuyển sinh đầu vào đa phần chỉ xét học bạ. Việc kiểm định chương trình liên kết quốc tế cũng đang còn nhiều băn khoăn.

Chương trình liên kết quốc tế của Trường Đại học FPT

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Nga - Trưởng ban truyền thông Trường Đại học FPT thông tin: Trường Đại học FPT hiện đang triển khai 3 chương trình liên kết quốc tế với Đại học Công nghệ Swinburne, Đại học Greenwich và Đại học Leeds Beckett. Các chương trình liên kết với Đại học Công nghệ Swinburne, Đại học Greenwich đều đã có sinh viên tốt nghiệp.

Chương trình liên kết quốc tế với Đại học Công nghệ Swinburne

Swinburne Vietnam Alliance Program (Swinburne Việt Nam) là chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Công nghệ Swinburne và Trường Đại học FPT. Sinh viên hoàn thành chương trình học tại Việt Nam sẽ được nhận bằng cử nhân của Đại học Công nghệ Swinburne.

Trường Đại học FPT cơ sở Hà Nội nằm ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – Km29 Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học FPT cơ sở Hà Nội nằm ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – Km29 Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Năm 2024, chương trình liên kết đào tạo gồm 3 ngành chính:

Kinh doanh bao gồm các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing.

Công nghệ thông tin gồm các chuyên ngành: Phát triển phần mềm, Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu.

Truyền thông đa phương tiện gồm các chuyên ngành: Quảng cáo, Truyền thông và quan hệ công chúng.

Chương trình đào tạo tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo của Swinburne và được chuyển giao 100% từ Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng của:

Tertiary Education Quality và Standards Agency (TEQSA): Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học của Australia

Association to Advance Collegiate Schools of Business (AACSB): Hiệp hội Phát triển Giảng dạy Doanh thương bậc Đại học (được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận hoạt động tại Việt Nam).

Học phí chương trình liên kết quốc tế của Trường Đại học FPT liên kết với Đại học Công nghệ Swinburne. (Ảnh chụp màn hình)

Học phí chương trình liên kết quốc tế của Trường Đại học FPT liên kết với Đại học Công nghệ Swinburne. (Ảnh chụp màn hình)

Chương trình liên kết giữa Trường Đại học FPT và Đại học Greenwich

Greenwich Việt Nam là chương trình liên kết quốc tế của Trường Đại học FPT và Đại học Greenwich, Vương Quốc Anh từ năm 2009. Tốt nghiệp sinh viên được Đại học Greenwich cấp bằng.

Greenwich Việt Nam đào tạo các chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa & kỹ thuật số, Quản trị Kinh doanh, Quản trị Marketing, Quản trị Sự kiện, Quản trị Truyền thông), Kinh doanh quốc tế, Trí tuệ nhân tạo (dự kiến từ 2024).

Chương trình được cấu trúc thành 2 giai đoạn bao gồm Global Personal Competency và Chuyên ngành - Đại học Greenwich (Vương Quốc Anh).

Giai đoạn 1: Global Personal Competency thời gian tối đa 12 tháng, tùy thuộc vào trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên.

Giai đoạn 2: Chuyên ngành – Đại học Greenwich (Vương quốc Anh)

Thí sinh sẽ được vào học thẳng chuyên ngành nếu có một trong hai chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ) gồm: IELTS 6.0+, TOEFL iBT 60+.

Thí sinh chưa đáp ứng yêu cầu tiếng Anh như trên sẽ vào học giai đoạn Global Personal Competency từ 2 - 12 tháng (tùy trình độ ở bài kiểm tra xếp trình độ tiếng Anh đầu vào). Sinh viên sẽ được vào học chuyên ngành sau khi học, thi đạt cấp độ 5 (Roadmap B2+) và đạt chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Thời gian đào tạo: 3 năm gồm 9 học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 4 tháng. Chương trình On-the Job-Training (OJT) – Học tập thực tế tại doanh nghiệp được tổ chức vào năm chuyên ngành thứ 3.

Bằng cấp của Greenwich Việt Nam đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận và được kiểm định bởi Tổ chức Kiểm định Đại học Anh Quốc (Quality Assurance Agency for Higher Education - QAA - được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận hoạt động tại Việt Nam).

Chương trình liên kết quốc tế giữa Đại học Leeds Beckett và Trường Đại học FPT

Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) liên kết với Viện Quản trị & Công nghệ FSB (Trường Đại học FPT) cùng Đại học Leeds Beckett (Anh Quốc):

Viện Quản trị & Công nghệ FSB là Viện đào tạo sau đại học thuộc Đại học FPT, được kiểm định bởi Hội đồng kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh của Hoa Kỳ (ACBSP - Accreditation Council for Business Schools and Programs). Bằng thạc sĩ do Đại học Leeds Beckett cấp, có giá trị công nhận toàn cầu.

Điều kiện tuyển sinh: Tốt nghiệp đại học các chuyên ngành; chứng chỉ Tiếng Anh bậc 4/IELTS 6.0 (không có kỹ năng nào dưới 5.5) hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trình độ tương đương còn thời hạn; tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga: “Mức học phí cho các chương trình liên kết quốc tế được trường xác định trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo môi trường trải nghiệm phong phú cho người học và có phần tích lũy để phát triển. Mức học phí này thấp hơn nhiều so với chi phí đi du học trực tiếp”.

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế của Trường Đại học FPT. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế của Trường Đại học FPT. (Ảnh: website nhà trường)

Chờ các văn bản hướng dẫn kiểm định để thực hiện

Theo khoản 7, Điều 45 Luật 34/2018/QH14 về Liên kết đào tạo với nước ngoài quy định: "Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định".

Theo Trưởng ban truyền thông Trường Đại học FPT: “Nhà trường biết rằng từ năm 2018 luật quy định các chương trình liên kết quốc tế cần phải được kiểm định sau khi có sinh viên tốt nghiệp. Trường Đại học FPT hiện vẫn chờ các văn bản hướng dẫn dưới luật để thực hiện việc kiểm định các chương trình liên kết.

Mặt khác trong Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 ban hành năm 2019 có đặt ra mục tiêu: tới năm 2025 trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài. Trường Đại học FPT cũng đang tích cực triển khai các hoạt động kiểm định để thực hiện mục tiêu này”.

Nêu quan điểm về vấn đề kiểm định chương trình liên kết, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Bất cứ chương trình nào cũng vậy sau khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp thì phải tiến hành kiểm định chất lượng. Nếu cơ sở giáo dục không tiến hành kiểm định chất lượng trong một khoảng thời gian theo quy định thì phải dừng tuyển sinh cho đến khi kiểm định và đạt kết quả mới được tuyển sinh lại.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website VNU)

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website VNU)

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cần phân biệt hai loại hình liên kết là do trong nước cấp bằng hay nước ngoài cấp bằng. Mỗi một hình thức sẽ có yêu cầu riêng. Trường hợp chương trình liên kết do Việt Nam cấp bằng thì phải tiến hành kiểm định theo quy định của Việt Nam.

“Ví dụ như chương trình đó cơ sở giáo dục Việt Nam chỉ tổ chức đào tạo và trường đối tác đào tạo cùng, trường nước ngoài cấp bằng là một trường hợp. Còn một trường hợp khác là cả hai bên cùng ký và cấp bằng hoặc trường hợp cơ sở giáo dục Việt Nam cấp bằng và trường đối tác chỉ tổ chức đào tạo.

Một khi do trường ở Việt Nam cấp bằng thì phải kiểm định lại cho dù nhập khẩu 100% hay không. Nhập khẩu ở đây có thể là lấy khung chương trình, giáo trình... Ngược lại, nếu trường quốc tế cấp bằng thì sẽ thực hiện theo quy định kiểm định chất lượng của nước sở tại. Nhưng chương trình đào tạo đó phải đáp ứng các yêu cầu: Thứ nhất, chương trình đào tạo phải được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định hợp pháp ở nước sở tại. Thứ 2 là giấy chứng nhận kiểm định phải còn hiệu lực thì mới đảm bảo đủ điều kiện liên kết đào tạo.

Cơ sở giáo dục liên kết của Việt Nam phải có hồ sơ liên quan đến chương trình giáo dục đó đảm bảo 2 tiêu chí này”, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam hiện có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế.

Trong nước có 7 trung tâm kiểm định gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.

10 tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam, gồm: Hcéres, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, THE-ICE, ACBSP, ABET, ACQUIN.

Nhật Lệ