Chương trình MBA Andrews Trường ĐH Quốc tế: Có hoài nghi về GV, bằng cấp đầu vào

10/10/2024 06:36
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo học viên, trong quá trình học Chương trình MBA Andrews tại Trường Đại học Quốc tế, học viên khóa K15 cũng thấy nhiều vấn đề "bất bình thường".

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh về việc, nhiều học viên khóa K15 Chương trình MBA Andrews (Thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết ĐH Andrews) tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) bị yêu cầu đóng tiền "cọc học phí" trong quá trình đăng ký dù thời điểm đó vẫn chưa có thông có thông báo trúng tuyển chính thức.

Đáng nói, khoản tiền này được yêu cầu đóng vào tài khoản cá của một người tên là Lê Thị Bắc được giới thiệu là "Kế toán trưởng Đại học Andrews tại Việt Nam". Có học viên phản ứng và muốn rút lại tiền cọc thì lại nhận được một thông báo hoàn trả đặt cọc học bổng được gửi đến người học có nội dung: "Theo đề nghị của Chương trình MBA Andrews tại Việt Nam cho Công ty An Bình JSC., đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm chi trả học bổng do Đại học Andrews cấp cho học viên, qua tài khoản cá nhân được chỉ định để đặt cho cọc suất học bổng do Đại học Andrews cấp cho học viên trị giá 15% trên mức học phí của toàn chương trình".

Đường đi của khoản tiền "cọc học phí" Chương trình MBA Andrews tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh khiến học viên băn khoăn: Người học được yêu cầu đóng cọc học phí - đến tài khoản cá nhân Lê Thị Bắc - Người học yêu cầu rút cọc - một công ty tên Công ty An Bình JSC xuất hiện....Học viên không rõ vai trò, trách nhiệm của Trường Đại học Quốc tế ở đâu khi tuyển sinh?

Một số học viên khác đã gửi thêm thông tin về tòa soạn cho biết, không chỉ riêng đối với khoản thu tiền cọc học phí mà quá trình đào tạo chương trình MBA Andrews có rất nhiều vấn đề khiến người học băn khoăn, lo lắng.

Học viên bị gián đoạn chương trình 3 tháng vì cần thời gian xác minh bằng cấp?

Theo học viên, trong quá trình học Chương trình MBA Andrews tại Trường Đại học Quốc tế, học viên khóa K15 cũng thấy nhiều vấn đề "bất bình thường".

Một học viên chia sẻ: "Khi chúng tôi học xong 8 môn giai đoạn cơ sở từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024 thì chương trình bị gián đoạn khoảng 3 tháng.

Sau đó, đến tháng 7/2024, các học viên nhận được thông báo qua email với nội dung thông tin lịch học giai đoạn chuyên ngành của khóa K15 và có nêu lên nguyên nhân khiến việc học của chúng tôi bị gián đoạn.

Đa phần các học viên chương trình này đều là học theo kiểu tranh thủ vì ai cũng đang bận rộn với công việc cá nhân. Trong số đó, một số người có dự định và kế hoạch định sẵn sau khi học xong sẽ dùng bằng thạc sĩ này để phục vụ cho việc bổ nhiệm hoặc chuyển đổi vị trí làm việc tốt hơn.

Tuy nhiên, việc gián đoạn mất 3 tháng này đồng nghĩa với việc chương trình sẽ kết thúc muộn hơn dự kiến. Điều này đã khiến cho không ít học viên thấy lo lắng vì kế hoạch công việc trong tương lai của họ có thể sẽ bị ảnh hưởng theo.

Trong trường hợp, nếu sau này chỉ vì việc gián đoạn chương trình khiến học viên nào đó mất cơ hội thăng tiến trong công việc thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?"

GDVN_a7.png
Lý do Chương trình MBA Andrews tại Trường Đại học Quốc tế bị gián đoạn 3 tháng được nêu ra là do "cần thêm thời gian liên hệ xác minh bằng cấp của học viên" trước khi cấp quyết định nhập học. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Theo đó, trong thông báo gửi cho các học viên qua email mà phóng viên nhận được, thông tin được gửi từ email có địa chỉ "...@andrews.edu.vn" đề cập đến nguyên nhân gián đoạn chương trình là đi liên hệ "xác thực" bằng cấp, chứng chỉ của học viên.

Cụ thể, đoạn thông báo nêu: "Thời gian gần đây, Trường Đại học Quốc tế đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh của học viên các khóa, đã phát hiện ra 05 trường hợp sử dụng bằng cấp và chứng chỉ ngoại ngữ giả hoặc không đạt yêu cầu.

Trong đó, có một số học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo. Do đó, khi tiến hành xét duyệt hồ sơ cho khóa AU15 HCM, Trường Đại học Quốc tế cần thêm thời gian để liên hệ tới các đơn vị đào tạo đã cấp bằng và chứng chỉ ngoại ngữ để có thể xác thực bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ trước khi cấp quyết định nhập học cho các học viên.

Vì vậy, trong thời gian này Chương trình MBA Andrews và Trường Đại học Quốc tế chưa thể xác nhận được thời gian chính xác để mở giai đoạn chuyên ngành của khóa 15. Do vậy, có nhiều khả năng chưa thể tổ chức lớp học chuyên ngành như kế hoạch đã thông báo vào ngày 21/7. Đầu tháng 8 chương trình sẽ cập nhập thông tin mới nhất đến anh chị học viên..."

Các học viên cho biết, theo kế hoạch ban đầu, tháng 7 lẽ ra học viên khóa K15 đã được học giai đoạn chuyên ngành của Chương trình MBA Andrews tại Trường Đại học Quốc tế. Tuy nhiên, sau khi nhận được các thông báo này của nhà trường, họ không chỉ lo lắng về thời gian học sẽ làm ảnh hưởng đến công việc và dự định của họ trong tương lai mà nhiều người còn lo lắng với chất lượng đào tạo chương trình liên kết quốc tế tại Trường Đại học Quốc tế.

"Nếu thông tin về việc nhà trường đã phát hiện ra các trường hợp học viên sử dụng bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ giả nhưng đã có học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo là đúng vậy thì chất lượng đầu vào với chương trình này tại Trường Đại học Quốc tế lâu nay ra sao? Chúng tôi thực sự rất lo lắng về điều này.

Cùng với đó, việc tổ chức thu tiền cọc học phí 50 triệu đồng khi người học không biết có trúng tuyển hay không khiến học viên hoài nghi rằng, nhà trường đang cố tuyển để đủ số lượng mở lớp mà bỏ qua các khâu kiểm soát chất lượng

Chúng tôi mong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho các học viên sau này", một học viên bức xúc chia sẻ.

Giới thiệu chương trình giảng dạy bởi GS.TS Mỹ, thời khóa biểu là giảng viên Việt Nam không ghi trình độ, chức danh

GDVN_a4.png
Trên website của Trường Đại học Quốc tế, tại mục giới thiệu đối với Chương trình MBA Andrews nêu rõ "Chương trình được giảng dạy chính bởi các GS.TS Mỹ từ Đại học Andrews Hoa Kỳ. Ảnh chụp màn hình
GDVN_a3.png
Thời khóa biểu từ tháng 12/2023 đến 30/3/2024 gửi cho học viên khóa K15 Chương trình MBA Andrews cho thấy, nhiều giảng viên Việt Nam và không ghi rõ trình độ, chức danh. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Cũng theo học viên, khi tìm hiểu thông tuyển sinh với khóa K15, đại diện tuyển sinh của nhà trường cũng đã nói là chương trình sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, điều này cũng thể hiện rõ trong quyết định phê duyệt gia hạn chương trình.

Tuy nhiên, khi học viên theo học giai đoạn cơ sở, có hôm thì nhà trường cho dạy song ngữ nhưng cũng có hôm chỉ dạy tiếng Việt.

"Học viên thắc mắc thì nhà trường hứa là sang giai đoạn chuyên ngành sẽ đảm bảo 100% tiếng Anh nhưng việc này vẫn không được thực hiện đúng và các buổi học của giai đoạn chuyên ngành sau đó đa phần vẫn học bằng ngôn ngữ tiếng Việt", một học viên chia sẻ.

Bạn đọc cũng cung cấp thông tin thêm và bày tỏ lo lắng, Chương trình MBA Andrews được Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 457/QĐ-ĐHQG ngày 29/4/2021 phê duyệt gia hạn cho Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh) là đại diện bên Việt Nam để tổ chức đào tạo chương trình này.

Theo quyết định, chương trình này có tên gọi đầy đủ là "Chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh giữa Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Andrews, Hoa Kỳ" có thời hạn hoạt động đến ngày 25/12/2025.

Trong bài viết Thông báo tuyển sinh chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Andrews Khóa 14 tại TP.HCM được đăng ngày 5/5/2021 trên website andrews.edu.vn ghi: "Đại học Andrews (Hoa Kỳ) thông báo tuyển sinh Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế liên kết cùng Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2021 – Khóa 14 (TP.HCM). Nơi học tại Viện Đào tạo Quốc tế IEI – Đại học Quốc gia TP.HCM".

Điều này cũng gây băn khoăn cho học viên không rõ việc liên kết của Trường Đại học Quốc tế có đảm bảo các quy định?

Để có thêm thông tin khách quan về sự việc này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi giấy giới thiệu cùng nội dung câu hỏi làm việc qua đường bưu điện đến Trường Đại học Quốc tế từ ngày 22/8. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của nhà trường về nội dung này.

Phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với Phó Giáo sư Lê Văn Thăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế nhưng không được hồi đáp.

Phóng viên đã nhiều lần trao đổi với đại diện truyền thông của Trường Đại học Quốc tế liên quan đến các nội dung bạn đọc phản ánh, vị đại diện truyền thông cho biết, vì sự việc có liên quan đến nhiều bên khác nhau, nên chưa thể phản hồi sớm các thông tin Tạp chí đề nghị. Trong đó nhấn mạnh đang phải chờ các phản hồi từ phía Trường Đại học Andrews, Hoa Kỳ liên quan đến việc này.

Trung Dũng