Chương trình mới 'đẻ' ra 108 nhóm môn, nguy cơ 'vỡ trận' nhãn tiền

23/03/2022 07:09
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường trung học phổ thông tổ chức dạy học môn tự chọn thế nào để vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh vừa phù hợp với nhân lực hiện có là bài toán nan giải.

Năm học 2022 – 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối với học sinh lớp 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12. Với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.

Theo đó, nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương).

Và hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Vấn đề đặt ra là, nếu nhà trường để học sinh tự lựa chọn môn học, có 108 cách chọn nhóm môn này (7 môn bắt buộc + 5 môn tự chọn từ 3 nhóm môn (điều kiện là ít nhất 1 môn trong mỗi nhóm).

Giả sử: A là nhóm môn Khoa học tự nhiên, B là nhóm môn Khoa học xã hội, C là nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật. Ta có: 2A + 2B + 1C = 27; 2A + 2C + 1B = 27; 3A + 1B + 1C = 9; 2B + 2C + 1A = 27; 3B + 1A + 1C = 9; 3C + 1A + 1B = 9. Như thế, những nhóm môn này chọn được 108 cách (27 + 27 + 27+ 9 + 9 + 9).

Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn, nguy cơ vỡ trận nhãn tiền. (Ảnh minh họa: AN)

Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn, nguy cơ vỡ trận nhãn tiền. (Ảnh minh họa: AN)

Nguy cơ vỡ trận nhãn tiền với môn học tự chọn

Liên quan đến việc học sinh chọn môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, tháng 1/2019, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ với báo chí rằng:

"Để đảm bảo nhóm môn thuộc các lĩnh vực khác nhau đều có học sinh lựa chọn, chương trình quy định mỗi nhóm học sinh phải chọn tối thiểu 1 môn chứ không thể chọn 5 môn trong 2 nhóm còn 1 nhóm không có môn nào được chọn." [1]

Sở dĩ học sinh được chọn môn học tự chọn bên cạnh môn học bắt buộc, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh:

"Mục tiêu của chương trình giáo dục trung học phổ thông là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Chương trình còn giúp học sinh thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới."

Tuy vậy, cá nhân người viết cho rằng, với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện nay, khó đáp ứng 100% nguyện vọng học sinh khi các em chọn môn học- nguy cơ vỡ trận rõ ràng khi các nhà trường tổ chức dạy học môn tự chọn vào năm học tới.

Có thể khẳng định, sẽ có chuyện học sinh đổ xô chọn một số môn trong khi có môn quá ít học sinh lựa chọn dẫn tới không tổ chức được lớp học và dôi dư giáo viên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định "sẽ không có chuyện đó và Bộ Giáo dục sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn." [1]

Là giáo viên có hàng chục năm dạy học bậc trung học phổ thông, tôi cũng khẳng định, chắc chắn có môn học được rất nhiều học sinh lựa chọn và ngược lại, thậm chí có môn không có học sinh nào chọn.

Điều này là hết sức bình thường, hiển nhiên vì việc lựa chọn môn học của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lí, sở thích, nhu cầu nghề nghiệp và sự tác động của gia đình, thầy cô, bạn bè.

Thống kê cho thấy, học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tăng: năm 2017: 43%; 2018: 48%; 2019: 53%; 2020: 55,38%. Trong khi đó, học sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên ngày càng giảm, từ 38,01% năm 2017 giảm còn 32,9% năm 2020. [2]

Điều oái oăm là, học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội để được điểm cao và khó bị điểm liệt - tức là chọn giải pháp an toàn... để tốt nghiệp. Theo thống kê từ thực tế, trong số thí sinh chỉ thi tốt nghiệp để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, mà không đăng ký xét tuyển đại học thì phần đông đều chọn bài thi Khoa học xã hội. [3]

Bên cạnh đó, cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục cũng chưa có văn bản nào "hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn". Phải chăng Bộ Giáo dục cũng chưa tìm ra được phương án khả thi vì Chương trình mới "đẻ" ra hơn trăm tổ hợp?

Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, có thể Bộ Giáo dục sẽ giao quyền chủ động cho các nhà trường trong việc tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn như đã thực hiện với môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí) ở bậc trung học cơ sở.

Bởi, bài viết Chương trình mới 'đẻ' hơn 80 tổ hợp môn, các trường ở Hải Phòng chuẩn bị ra sao? ngày 21/3/2022 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, các trường ở Hải Phòng tổ chức dạy học môn tự chọn trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và định hướng giáo dục của mỗi nhà trường - nghĩa là mỗi trường làm một kiểu, mạnh ai nấy làm.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của tôi và thực tiễn có thể dự đoán, học sinh rất ít chọn môn Lịch sử (nhóm môn Khoa học xã hội), vì môn học này khô khan, nhiều giáo viên dạy thiếu hấp dẫn, điểm thi tốt nghiệp thấp và cơ hội nghề nghiệp (khối ngành có môn Lịch sử) thấp hơn các môn khác.

Nhưng, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ được nhiều học sinh lựa chọn vì bài học gần gũi, thiết thực, dễ hiểu và đề thi tốt nghiệp thường dễ, điểm cao.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân của cả nước năm 2021 cho thấy, có 534.123 thí sinh tham gia thi bài thi, trong đó điểm trung bình là 8,37 điểm, điểm trung vị là 8,5 điểm. [4]

Với nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), xác suất rất cao là hiếm học sinh chọn môn Nghệ thuật, bởi Công nghệ, Tin học đang là những môn "hot", thời thượng.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, nhóm ngành Công nghệ thông tin đứng top 2 trong số những ngành học được nhiều học sinh trung học phổ thông lựa chọn nhất trong kỳ tuyển sinh trung học phổ thông năm 2021, với 336.001 nguyện vọng đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu).

Còn môn Nghệ thuật, rất ít học sinh lựa chọn vì thuộc về lĩnh vực năng khiếu. Và thực tế đáng buồn là, chỉ có một số phụ huynh ở những khu vực thành thị cho con đi học năng khiếu vào những dịp hè, chủ yếu là để…giết thời gian mà thôi.

Vấn đề nan giải là, các trường trung học phổ thông hiện nay không có có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật (không có chỉ tiêu biên chế, trừ trường tư thục). Nếu có học sinh chọn môn Nghệ thuật thì các trường sẽ hợp đồng giáo viên thỉnh giảng thế nào - nhất là trường học ở vùng nông thôn.

Vậy nên, khó tránh khỏi chuyện nhà trường "định hướng" cho học sinh chọn môn, như thế việc chọn môn của Chương trình mới chẳng còn ý ngĩa gì, nguy cơ vỡ trận nhãn tiền phần nào đã thấy rõ.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-se-chon-mon-hoc-trong-chuong-trinh-gdpt-moi-nhu-the-nao-861909.vov

[2] //thanhnien.vn/nguy-co-khi-hoc-sinh-chon-to-hop-khoa-hoc-xa-hoi-ngay-cang-tang-post1000118.html

[3] //tuoitre.vn/mot-nua-thi-sinh-chon-bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-de-an-toan-tot-nghiep-2019042708583489.htm

[4] //tienphong.vn/pho-diem-mon-mon-giao-duc-cong-dan-mua-diem-10-va-diem-9-75-post1359249.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên