Chương trình phổ thông mới nên lùi 1 năm hay 2 năm?

02/11/2017 06:22
Thùy Linh
(GDVN) - Đến nay có 2 loại ý kiến về việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Có ý kiến đồng ý lùi 1 năm nhưng cũng có ý kiến đề nghị lùi 2 năm.

Vì sao phải điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình mới?

Trên cơ sở Tờ trình số 408/TTr-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 845/BC-UBVHGDTTN14 ngày 11/10/2017 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Ủy ban), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội (Nghị quyết 88) trong đó có kiến nghị điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Ngày 25/10/2017, Ủy ban đã họp phiên toàn thể thẩm tra Tờ trình số 485/TTr-CP ngày 20/10/2017 của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88. 

Theo đó, báo cáo khẳng định, Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 88 quy định:

Về lộ trình thực hiện: Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.”

Tuy nhiên, thực tế qua 3 năm triển khai thực hiện, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm đúng lộ trình và tiến độ.

Đến nay có 2 loại ý kiến về việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Có ý kiến đồng ý lùi 1 năm nhưng cũng có ý kiến đề nghị lùi 2 năm. (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Đến nay có 2 loại ý kiến về việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Có ý kiến đồng ý lùi 1 năm nhưng cũng có ý kiến đề nghị lùi 2 năm. (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Trong khi đó, phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.

Do vậy, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tính khả thi và chất lượng khi thực hiện chương trình;

Tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.

2 loại ý kiến về thời điểm áp dụng

Về nội dung điều chỉnh, tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian triển khai từ năm học 2019-2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88.

Về phương thức triển khai, Chính phủ đề nghị, áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học như quy định.

Chương trình phổ thông mới nên lùi 1 năm hay 2 năm? ảnh 2

"Việc rất lớn, ảnh hưởng toàn dân, phải thận trọng, đã làm là phải thành công"

Báo cáo cho biết, các thành viên Ủy ban đều đồng ý với việc lùi thời gian và thay đổi phương thức triển khai.

Tuy nhiên, về thời gian triển khai, các thành viên Ủy ban có 2 loại ý kiến:

Thứ nhất, đa số thành viên Ủy ban dự họp (24/35 đại biểu) đồng ý với phương án lùi thời gian như trong tờ trình của Chính phủ.

Theo các đại biểu, Chính phủ đã trình kế hoạch chi tiết triển khai các công việc trong thời gian tới với nội dung công việc, điều kiện thực hiện và lộ trình cụ thể, thể hiện quyết tâm triển khai Nghị quyết 88. 

Bên cạnh đó, nếu thực hiện theo phương thức nêu trong Tờ trình, thời gian bắt đầu ở cấp tiểu học chậm 1 năm, cấp trung học cơ sở chậm 2 năm, cấp trung học phổ thông chậm 3 năm và về tổng thể, dù điều chỉnh thời điểm bắt đầu nhưng tổng thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn là 5 năm, không tăng kinh phí. 

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng nếu kéo dài thời gian chuẩn bị hơn nữa, sẽ làm giảm động lực và tác động đến tâm thế đổi mới trong toàn ngành giáo dục và cả xã hội. 

Chương trình phổ thông mới nên lùi 1 năm hay 2 năm? ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Làm giáo dục thì không được thử-sai hay thất bại

Thứ hai là, 11/35 đại biểu cân nhắc về tính khả thi của phương án điều chỉnh lộ trình như đã nêu trong tờ trình và đề nghị bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, chậm lại 2 năm so với lộ trình quy định.

Lý do được đưa ra là, các công việc liên quan đến xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới còn rất nhiều, bên cạnh đó, tuy chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở lý luận, mục tiêu và nội dung chương trình, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Hơn nữa, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới như: tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất... cần có thời gian cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương và cơ sở giáo dục. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cần có thời gian để bảo đảm tính đồng bộ và chất lượng.

Từ những nội dung trên, Ủy ban nhất trí đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 88 để làm căn cứ cho Chính phủ thực hiện.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban đề nghị Quốc hội và Chính phủ cân nhắc các ý kiến đã nêu để quyết định thời điểm và lộ trình mới thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung nội dung về trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương bảo đảm các nguồn lực cần thiết, không tăng kinh phí thực hiện đề án, nhằm chuẩn bị tốt nhất việc triển khai Nghị quyết 88 theo đúng tiến trình mới được Quốc hội thông qua.

Thùy Linh