LTS: Cùng với việc đổi mới thi cử, ngành giáo dục cũng đang đồng loạt chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Để có góc nhìn và đóng góp cho chủ trương lớn này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phải có tư duy kế thừa
Giáo sư đánh giá thế nào về việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này? Việc đổi mới này có nâng cao hiệu quả của công cuộc cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn: Đối với giáo dục cần phải có chương trình và sách giáo khoa chuẩn, đây là vấn đề rất quan trọng trong 3 đối tượng: Thầy – nhà trường và sách.
Trước kia khi chữ nho vào Việt Nam chúng ta chỉ có vài quyển sách, lúc đó trường cũng không có và thầy cũng không có, người nọ dạy người kia nhưng vẫn có giáo dục.
Sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình giáo dục, trong trường người thầy dùng chuyển tải nội dung giáo dục, còn ngoài nhà trường nó được xem như “người thầy” thứ hai để tự học và tham khảo .
Hiện nay so với chuẩn mực chung thế giới thì nội dung trong sách giáo khoa của ta nặng từ 1-3 năm, tuy nhiên nhiều kiến thức cần lại chưa được dạy, còn cái được dạy thừa và xa cuộc sống.
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn. Ảnh NVCC |
Lý do? Sự bất cập trong nhận thức khoa học và tổ chức nên đã 35 năm kể từ năm 1980 đến nay ta vẫn chưa có chương trình nhất quán và sách giáo khoa phù hợp với Viêt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Theo dõi đợt đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này tôi rất băn khoăn, vẫn từ cách làm, tổ chức, con người như cũ, nên khó có sản phẩm mới, để đạt mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện.
Vậy phải chăng là cách làm cũng như những người làm sách hiện tại của ta chưa đáp ứng được thực tiễn?
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn: Tư duy chung của biên soạn sách giáo khoa hiện nay cần kế thừa những tinh hoa văn hóa, giáo dục tiêu biểu và tiến bộ khoa học kỹ thuật của dân tộc và nhân loại.
Đây là tiêu chí quan trọng để điều chỉnh lại chương trình giáo dục phù hợp với thực tại. Ngược với tư duy này, mỗi lần đổi mới giáo dục chúng ta lại làm lại chương trình – sách giáo khoa từ đầu, sao chép tùy tiện!
Cả hai miền Nam - Bắc đã từng có các nền giáo dục chuẩn mực thích hợp với thực tiễn trong ngoài nước, phù hợp thời điểm. Nội dung các môn khoa học tự nhiên về cơ bản là giống nhau, và cách trình bầy kiến thức lại hỗ trợ và bổ sung cho nhau.
Phân loại cụm thi, trượt chân từ vạch xuất phát?
(GDVN) - Từ ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có thể thấy một sự không nhất quán trong chủ trương của Bộ GD&ĐT khi phân biệt cụm thi tỉnh và liên tỉnh.
Việc cải cách giáo dục năm 1980, đáng lý phải kế thừa, chỉ cần xem xét điều chỉnh lại một số nội dung không còn phù hợp với xã hội mới trong các môn khoa học xã hội của giáo dục miền Nam trước đây và cập nhật những tiến bộ mới, ta sẽ sớm có chương trình – sách giáo khoa chuẩn mực.
Thực tế, ta loại bỏ giáo dục miền Nam, và làm lại chương trình – sách giáo khoa từ đầu!. Ông Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nói việc làm chương trình – sách giáo khoa ở nước ta không tìm được “chuẩn kiến thức” – nói một cách hình ảnh, nó giống cái thước tre, mà người nông dân Bắc bộ sử dụng để làm nhà. Khi làm nhà mà không có thước, thì sự siêu vẹo vênh váo của nó ai cũng hình dung được!.
Người ta nói “có bột mới gột nên hồ”, phải làm rõ nội dung trước tiên, đó là cái bản chất bên trong thì chúng ta có nhiều cách giảng dạy khác nhau.
Nội dung ở phổ thông là kiến thức cơ bản tinh hoa của nhân loại ít thay đổi, sách giáo khoa có thể sử dụng ít nhất một vòng (10-12 năm) mới chỉnh sửa một lần hoặc lâu hơn.
Bác Hồ đã nói “lấy bất biến ứng vạn biến”, hay dựa vào nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn để xây dựng phương pháp giáo dục, cụ thể hơn “học đi đôi với hành”.
Ví dụ, toàn bộ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật như vũ bão của thế kỷ 20 đến nay liên quan đến 4 chữ trong vật lý là “lượng tử và tương đối ”, mà bản chất của chúng có thể trình bầy trong cuốn sach nhỏ 50 trang để người có học vấn phổ thông hiểu được.
Ngược với tư duy này, chúng ta đang xem trọng phương pháp và xem nhẹ nội dung, mỗi lần đổi mới ta lại đưa ra một khẩu hiệu. Ví như trước đây chúng ta lấy học trò là trung tâm, sau đó lại có khẩu hiểu “giảng dạy tích cực” và giờ thì lại “tiếp cận theo năng lực” theo kiểu bao cấp tư duy của thầy và trò.
Lưu ý, đến nay đã 35 năm, hầu như chúng ta không hề có Bản tổng kết cụ thể cho mỗi đợt đổi mới tốt xấu thế nào?. Giáo dục nước ta đổi liên tục, mới liên tục, kết quả lúc nào cũng ở phía trước!
Đã có lần tôi hỏi một người trong cuộc, các phương pháp giáo dục mà ta đưa ra, so với “việc học đi đôi với hành” chúng giống nhau và khác nhau thế nào? Không khác, trả lời. Vậy ta đánh tráo khái niệm làm gì?
Chương trình và sách không ổn thì giáo dục méo mó
Giáo sư có thể chỉ ra cụ thể hơn về việc đang có sự nhầm lẫn giữa nội dung và phương pháp trong quá trình đổi mới chương trình – sách giáo khoa?
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn: Tôi vẫn nói chúng ta đang đổi mới trong luẩn quẩn, đổi mới chương trình – sách giáo khoa vẫn chủ yếu từ những người làm phương pháp là chính, chứ họ chưa nhìn ra giữa nội dung và phương pháp là khác nhau.
Có thể một nội dung có nhiều cách dạy khác nhau, nhưng khi đổi mới lại đưa ra một khẩu hiệu và thay cả nội dung. Nội dung giáo dục là những cái bất biến. Bác Hồ vẫn dạy “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, riêng giáo dục phổ thông về cơ bản phải được ổn định.
Chương trình “Tú tài quốc tế” có khoảng 100 nước tham gia, đến hiện nay nội dung vẫn hầu như ổn định, có đổi cũng rất ít, không phải cứ 10 năm lại thay đổi lại.
Hoặc chương trình của nước Nga vẫn được áp dụng cách đây 50 năm, về cơ bản ít thay đổi, kể cả các nước có nền giáo dục tiên tiến. Lượng thông tin hiện nay có nhiều nhưng không có nghĩa bản chất đã thay đổi.
Đây là cách làm của những người chưa hiểu rõ bản chất giáo dục, kiến thức của họ chưa tiêu biểu, có thể còn hạn hẹp.
Phát hiện lỗi sai suốt "chục năm" trong giáo trình đại học, cao đẳng
(GDVN) - Cần phải chỉnh lý lỗi sai để sinh viên có thể tiếp thu kiến thức chuẩn, các kỹ sư cũng cần biết để vận dụng vào thiết kế chế tạo động cơ đốt trong...Ở đây phải hiểu nội dung và phương pháp là hai vấn đề khác nhau. Nội dung có một và có thể có nhiều phương pháp khác nhau tùy vào hoàn cảnh và người học để giảng dạy, chúng ta không được nhầm lẫn theo kiểu thay đổi phương pháp thì phải làm lại sách giáo khoa.
Việc đổi mới theo như cách làm hiện nay liệu có dẫn đến những hệ quả gì không, thưa giáo sư?
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn: Giáo dục quan trọng nhất là chương trình – sách giáo khoa, trong khi nó không ổn định thì giáo dục sẽ méo mó.
Trước đây ở miền Bắc và miền Nam chúng ta đều có chương trình và đều có sách giáo khoa phù hợp với đất nước và theo chuẩn quốc tế. Hiện nay chúng ta có thể đúc kết lại.
Tôi vẫn phát biểu đội ngũ làm sách 34 năm qua chúng ta đang thiếu một tổng chỉ huy, người tổng chỉ huy sẽ biết làm như thế nào cho lần đổi mới này.
Chúng ta tìm nhạc trưởng chứ không phải tìm nhạc công như hiện nay, chúng ta là nước đi sau các nước có nền giáo dục tiên tiến thì có nhiều lợi thế.
Làm sách tập trung
Qua đây, giáo sư có gợi ý gì cho Bộ GD&ĐT cùng những người liên quan khi thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa?
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn: Xây một ngôi nhà chỉ vài tỷ đồng cũng cần một kỹ sư trưởng, vậy mà với một đề án quan trọng có liên quan trực tiếp tới tương lai của dân tộc, tiêu tốn hàng vạn tỷ đồng mà lại không có tổng chủ biên?.
Vậy ai là người chỉ đạo về mặt học thuật cho đợt đổi mới này? Vị tổng chủ biên theo thiển nghĩ của tôi phải thấu hiểu được kinh nghiệm của thế hệ trí thức trong ngoài nước làm chương trình và sách chuẩn thế nào? nước nào thành công và nước nào thất bại? Và ta sẽ làm như thế nào? tại sao xây dựng theo con đường đó? tại sao không?
Hãy xóa bỏ tư duy tiểu nông trong tư duy chỉ đạo, từ bỏ cách cắt khúc cuốn chiếu trước đây. Chương trình và sách nên làm tập trung - (thuộc Hội đồng biên soạn Quốc Gia- trong Ủy Ban Quốc gia về đổi mới GD&ĐT) và triển khai đồng bộ trong tất cả các bậc học phổ thông.
Dũng cảm trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục-bỏ phân Ban thuộc Pháp. Khẩu hiệu thay sách năm 2002-2011 là ”phát huy tính tích cực của học sinh”, khẩu hiệu đợt thay sách lần này “định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”, liệu những khẩu hiệu này với tư tưởng Hồ Chí Minh- “học phải đi đôi với hành , lý luận gắn liền với thực tiễn” giống nhau hay khác nhau ở đâu?
Những khẩu hiệu này, xin lưu ý lấy từ những thay đổi trong phương pháp dạy và học, theo thiển nghĩ của tôi chưa đủ luận cứ khoa học và thực tiễn để phải thay đổi chương trình – sách giáo khoa?
Những bài học gì sẽ được rút ra từ đây? Vừa làm chương trình – sách giáo khoa vừa mua thiết bị? thiết bị phục vục chương trình – sách giáo khoa? Hiệu quả mua thiết bị rất thấp và lãng phí.
Nói một cách hình ảnh lần này “làm nhà xong” mới mua nội thất- làm xong chương trình – sách giáo khoa mới mua thiết bị dạy học? đơt đổi mới giáo dục vừa qua tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD, hiệu quả sử dụng mờ nhạt, không nói mua về đắp chiếu để đấy!
Biên soạn chương trình – sách giáo khoa chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng là con số Bộ GD&ĐT và xã hội đã thống nhất trên công luận.Những cái “ăn theo” đề án chương trình – sách giáo khoa này phải nghiên cứu lại và mạnh dạn cắt bỏ?
Thực tế đã khẳng định làm chương trình – sách giáo khoa xa với truyền thống giáo dục cách mạng, xa với tư tưởng Hồ Chí Minh, và duy trì tư duy tiểu nông – cắt khúc cuốn chiếu thì cuộc đổi mới sẽ khó thành công?
Một chương trình giáo dục chính thức được thiết kế, tôi xin khẳng định trên thế giới một chương trình chỉ có vài kiểu viết sách giáo khoa khác nhau (3-4 kiểu), không phải vô hạn.
Chủ trương xã hội hóa viết sách giáo khoa–theo thiển nghĩ của tôi, xa với thực tiễn và không khác gì phong trào “toàn dân đúc thép” bên Trung Quốc ở thế kỷ trước– kết quả chỉ được gang.
Đây là vấn đề học thuật. Mặt khác, đã có lúc một chương trình ta viết 3 bộ sách Toán khác nhau, và 2 bộ sách Văn khác nhau cho một đất nước thống nhất. Sự rắc rối sau đó ta lại gộp thành một bộ sách Toán, và một bộ sách Văn.
Đến năm 2002, một chương trình viết 2 bộ sách giáo khoa được lặp lại, nhưng tiêu chí tư tưởng và học thuật mà các bộ sách này lại không rõ nên sự rắc rối trong dạy và học tăng lên, khổ cả thầy và trò! Rõ ràng, sự chỉ đạo “tít mù rồi lại vòng quanh ” không phải là khoa học?
Thực tiễn, lượng sách xuất bản hàng năm (sách đại học/sách phổ thông) chưa được 1%. lớp 1 có 59 cuốn, từ lớp 2 đến 12, trung bình có từ 100 cuốn đến gần 500 cuốn. Ở phổ thông học sinh bị bội thực về sách, còn đại học đói sách học chay - nghịch lý này hàng chục năm nay chưa ai giải quyết?
Theo GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn: "Chúng ta phải hiểu nội dung và phương pháp là hai vấn đề khác nhau. Nội dung có một và có thể có nhiều phương pháp khác nhau tùy vào hoàn cảnh và người học để giảng dạy, chúng ta không được nhầm lẫn theo kiểu thay đổi phương pháp thì phải làm lại sách giáo khoa"". Ảnh minh họa Xuân Trung |
Ai đã đến những nước tiên tiến, ở hiệu sách chỉ có sách đại học, còn rất khó mua được sách giáo khoa phổ thông?
Còn ở nước ta thì ngược lại? Mọi người sẽ lý giải được tại sao?
Chương trình chính thức, sách giáo khoa chuẩn được biên soạn xong, chúng sẽ được giới thiệu cho cả xã hội phản biện trước khi triển khai vào hệ thống.
Quốc Hội sẽ phải có chế tài chương trình – sách giáo khoa mới phải sử dụng ít nhất một vòng 12 năm như các nước, hoặc tốt nhất là lâu hơn nữa.
Theo kế hoạch, đến năm 2017-2018 chúng ta sẽ áp dụng dần chương trình – sách giáo khoa mới, theo giáo sư thì từ nay đến đó chúng ta phải làm như thế nào cho kịp tiến độ?
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hãn: Tôi không đồng ý cách thức tổ chức làm sách hiện nay, tôi muốn làm tập trung trong vòng 6 tháng hay 1 năm. Chuẩn bị xong tất cả các bộ sách rồi xin ý kiến xã hội phản bác trước khi vận dụng đồng loạt từ lớp 1 đến lớp 12. Thực tiễn đã khẳng định cách làm này thành công vào các năm 1945, 1954 và 1975 ở nước ta.
Bậc phổ thông hiện nay đang thừa, nhồi nhét quá nhiều. Đại thể chúng ta không biết thế giới họ làm như thế nào, đáng nhẽ chỉ học đến mức đó theo chuẩn mực , nhưng vì chúng ta không biết nên nhồi nhét.
Lấy ví dụ thế này, bảo tôi làm một cái cốc, việc đầu tiên tôi phải ngó khắp thế giới, xem ai làm được ai không làm được.
Nếu ta không làm được thì ai làm được cốc chuẩn chất lượng được thế giới thừa nhận thì chúng ta có thể học tập và kết thừa cách làm cốc của họ, dĩ nhiên sự kế thừa có sáng tạo để phù hợp với thực tế nước ta. Ngay như nước Mỹ cũng lấy chương trình học về Hình học Ơ – Clit của nước khác về!
Giáo dục phổ thông là một nền tảng rất cơ bản của nhân loại, nội dung cũng không phải đổi mới liên tục. Muốn kế thừa, học hỏi trước hết chúng ta phải có tổng kết chương trình. Cái tai hại nhất của ta là nhầm lẫn giữa nội dung và phương pháp, trong khi đó xã hội chưa hiểu.
Giáo dục phục vụ đất nước, phục vụ xã hội, phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa là nội dung, còn phương pháp là làm thế nào cho đạt được mục tiêu giáo dục để con người hiểu được và từ đó làm được.
Trân trọng cảm ơn giáo sư./.
GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn là một nhà sư phạm, một chuyên gia giáo dục uy tín, ông có 65 công bố khoa học, trong đó gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, được thưởng Huy chương Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khuyến học.
Năm 1998, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia.
Các ý kiến của ông được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước.
Nhân chuyện đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này, tuy rằng ông đã có nhiều góp ý trong và ngoài hội nghị chuyên ngành, nhưng với trách nhiệm của một công dân, của một nhà sư phạm trực tiếp tham gia giảng dạy, ông thấy được những điều cần làm và những điều nên điều chỉnh khi quyết định đổi mới chương trình – sách giáo khoa.