Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đang vướng ở đâu?

04/01/2023 06:52
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi địa phương áp dụng một cơ chế tài chính riêng cũng như thủ tục, thẩm định khác nhau khiến việc triển khai chương trình ý nghĩa này còn gặp nhiều vướng mắc.

Trong số những tỉnh, thành tiếp nhận nguồn kinh phí để triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ đầu năm đến nay như: Quảng Ngãi, Đắk Nông, Gia Lai, Thừa Thiên Huế… thì chỉ một số ít địa phương đã mua được đầy đủ máy tính bảng và trao tận tay học sinh.

Còn phần lớn vừa mới giải quyết xong các vướng mắc pháp lý, đầu thấu và dự kiến sẽ trao máy tính bảng cho học sinh trong những tháng đầu năm 2023, tức là sau hơn một năm triển khai.

Việc chậm triển khai đã phần nào làm giảm hiệu quả cũng như ý nghĩa của chương trình do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động. Mới đây, ngày 20/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công văn (lần 2) nhắc nhở các địa phương khẩn trương triển khai.

Trong công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi.

Nguyên nhân do các cơ quan tham mưu của tỉnh, đặc biệt là Sở Tài chính, đã rất lúng túng, thiếu trách nhiệm, tạo ra nhiều thủ tục rườm rà, không đúng thẩm quyền.

Thực tế triển khai tại các địa phương, vấn đề tài chính, sử dụng nguồn kinh phí do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và phân bổ lại “mỗi nơi làm một kiểu”. Nhiều địa phương còn đưa nguồn kinh phí này “nhập” vào nguồn ngân sách của địa phương khiến cho việc triển khai càng trở nên khó khăn, phức tạp.

Tiền về, mỗi nơi làm một kiểu

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hai địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên là: Đắk Nông và Gia Lai đều được tiếp nhận nguồn kinh phí khá lớn để triển khai mua máy tính bảng cho học sinh. Trong đó, Đắk Nông nhận được hơn 32 tỷ đồng, còn Gia Lai 36,3 tỷ đồng.

Trong khi hàng ngàn học sinh khó khăn vẫn đang chờ đợi máy tính bảng để phục vụ việc học tập thì nhiều địa phương vẫn loay hoay giải quyết các thủ tục về mua sắm, đấu thầu. Ảnh: AN

Trong khi hàng ngàn học sinh khó khăn vẫn đang chờ đợi máy tính bảng để phục vụ việc học tập thì nhiều địa phương vẫn loay hoay giải quyết các thủ tục về mua sắm, đấu thầu. Ảnh: AN

Ông Trần Sĩ Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cho biết, về phương án bảo quản cũng như sử dụng số tiền 32 tỷ đồng phục vụ chương trình thì đơn vị này đã lập một tài khoản đứng tên Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông.

“Tài khoản này được tạo lập chỉ với mục đích thực hiện tiếp nhận các khoản tiền ủng hộ (bao gồm nguồn kinh phí do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phát về) chương trình "sóng và máy tính cho em".

Sau này, khi tổng kết chương trình thì sẽ tiến hành sao kê, đối chiếu các dữ liệu về nguồn kinh phí. Trên cơ sở đó sẽ xóa luôn số tài khoản này, không cho nó tồn tại nữa. Trong thời gian chờ làm các thủ tục để đấu thầu, mua sắm máy tính bảng, nếu có phát sinh tiền lời (lãi ngân hàng) thì cũng sử dụng nguồn đó để mua máy tính cho các em luôn chứ không rút ra”.

Theo ông Thành, với phương án như trên thì vừa đảm bảo các nguyên tắc về tài chính, vừa chủ động nguồn tiền để Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện triển khai mua sắm mà không còn vướng khâu nào về tài chính.

Ngược lại, tại Gia Lai, với nguồn kinh phí 36,3 tỷ đồng rót về thì Sở Giáo dục và Đào tạo buộc phải thực hiện thủ tục “xác lập quyền sở hữu toàn dân” đối với số tiền tài trợ. Sau đó, toàn bộ số tiền này được chuyển ngược vào ngân sách của tỉnh Gia Lai.

Với một loạt thủ tục rối rắm, Gia Lai lại xuất ngân sách để cấp về cho Sở Giáo dục và Đào tạo khi Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định cấp kinh phí cho Sở này mua sắm máy tính bảng.

“Việc đưa nguồn tiền hỗ trợ vào ngân sách khiến việc xuất ra càng khó khăn bởi vướng phải quy chế chi tiêu ngân sách địa phương. Do đó, đến nay, Gia Lai vẫn chưa thể thực hiện được chương trình "sóng và máy tính cho em"”, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho hay.

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, theo tìm hiểu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng đã lập một tài khoản ở Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận nguồn tiền các nơi chuyển về. Việc không qua bước phải chuyển tiền vào ngân sách địa phương khiến tỉnh này chủ động hơn trong việc mua sắm với nguồn kinh phí hơn 46,7 tỷ đồng.

Và thực tế, từ khoảng giữa năm 2022, địa phương này đã mua sắm hơn 15.899 máy tính bảng trao cho học sinh. Còn dư hơn 7,8 tỷ đồng thì Quảng Ngãi đang tiếp tục mua thêm máy tính bảng cho học sinh.

Như vậy, cùng với một khoản kinh phí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ về (cùng với nguồn từ kêu gọi hỗ trợ) nhưng mỗi địa phương lại có một cách tiếp nhận và sử dụng khác nhau. Chính sự không thống nhất này đã khiến nhiều địa phương gặp khó khăn.

Đánh giá chất lượng máy như thế nào?

Trong báo cáo gửi Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Lê Duy Định – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai nêu: từ khi được cấp kinh phí, Sở đã lập nhiều tờ trình gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu tỉnh phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến lần thứ 6 nhưng vẫn chưa được Sở này tham mưu, phê duyệt.

Lý do Sở Tài chính đưa ra là hồ sơ chứng thư thẩm định giá chưa đảm bảo. Theo đó, phía Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và thẩm định giá Sao Việt (Công ty Sao Việt) đã ký hợp đồng về thẩm định giá máy tính bảng để làm cơ sở xác định giá máy tính bảng triển khai chương trình chưa đủ hồ sơ.

Doanh nghiệp này cũng đã xuất chứng thư thẩm định giá đến nay là lần thứ 6 nhưng Sở Tài chính vẫn chưa chấp thuận với các lý do về báo cáo kết quả thẩm định giá phải có các hồ sơ liên quan như:

Báo giá của ba đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị đủ năng lực để làm cơ sở xác định giá thiết bị và các hồ sơ liên quan như: phiếu thu thập thông tin, biên bản nghiệm thu chứng thư, giá thiết bị xác định trong một năm… phải phù hợp theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, đây là các hồ sơ đơn vị tư vấn thẩm định giá khó có khả năng tiếp cận dẫn đến việc thu thập thông tin, hồ sơ kéo dài.

Trong văn bản này, lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo Gia Lai cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản bổ sung, tháo gỡ về giá máy tính bảng. Đồng thời, hướng dẫn các tiêu chuẩn hợp quy là của Việt Nam theo văn bản số 3693 ngày 23/9/2021.

Trước đó thì Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cũng đã phải bốn lần gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn phương thức thực hiện nghiệm thu các tiêu chí kỹ thuật.

Bởi Sở này cho rằng, công văn số 3693 ngày 23/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các tiêu chuẩn kỹ thuật (cấu hình) cơ bản đối với các thiết bị trao tặng thuộc chương trình "sóng và máy tính cho em" chưa được cụ thể, rõ ràng.

Chính những vướng mắc, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng địa phương và công văn hướng dẫn, triển khai của các Bộ, ngành liên quan chưa cụ thể khiến chương trình "sóng và máy tính cho em" triển khai chậm chạp, không được như kỳ vọng ban đầu.

AN NGUYÊN